Những nhà giáo tâm huyết với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Trong đợt tuyên dương nhà giáo tiêu biểu dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Sóc Trăng có 3 nhà giáo được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Cô Dương Bảo Ngân Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Cù Lao Dung).
Cô Dương Bảo Ngân Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Cù Lao Dung).

Đây là những nhà giáo tiêu biểu, yêu nghề, luôn nỗ lực trong công tác, nhiều năm đồng hành và có nhiều cống hiến để thay đổi diện mạo giáo dục vùng khó.

Cô giáo mầm non bám trụ xứ cù lao

Cô Dương Bảo Ngân Hà gắn bó với ngành Giáo dục xứ cù lao sông nước - huyện Cù Lao Dung từ năm 2009. Nói về cơ duyên chọn nghề sư phạm, cô Ngân Hà cho biết: “Tôi xuất thân trong gia đình có ba mẹ là nhà giáo. Họ hàng anh em cũng nhiều người công tác trong ngành Giáo dục nên từ nhỏ tôi đã mong ước được trở thành cô giáo mầm non. Tôi đã chọn nghề giáo, dù khó khăn như thế nào đi nữa, tôi vẫn gắn bó với nghề mình đã chọn”.

Sau khi học xong chuyên ngành Sư phạm Mầm non, cô giáo trẻ Ngân Hà được phân công dạy tại xã Đại Ân 1. “Khi mới vào nghề, tôi được phân công công tác tại Trường Mầm non Hướng Dương, xã Đại Ân 1. Thời điểm đó Đại Ân 1 là xã vùng sâu, xã đảo, cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động còn nhiều hạn chế. Nhưng với tình yêu thương, dành tâm huyết cho nghề, bằng tất cả nghị lực, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Tôi thường chia sẻ với các đồng nghiệp của mình rằng, đã chọn nghề dạy trẻ thì phải có tâm, phải biết đặt mình vào tình huống của học sinh, xem học sinh là con em để tìm hướng xử lý phù hợp, như vậy mới đạt tính giáo dục cao”, cô Ngân Hà tâm sự.

Để giúp đỡ các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, cô Ngân Hà tích cực phát huy vai trò, sức mạnh của ban phụ huynh và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, các mạnh thường quân. Nhờ đó công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, huy động trẻ và các chế độ chính sách cho trẻ ở địa bàn cô công tác luôn được đảm bảo.

Nói về cô Ngân Hà, ông Dương Văn Kha - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cù Lao Dung cho biết: “Cô Hà là một nhà giáo luôn tận tụy với công việc, yêu học trò như con của mình. Mọi nhiệm vụ được giao cô luôn hoàn thành xuất sắc, góp phần đưa phong trào dạy và học của Trường Mầm non Hoa Mai ngày càng đi lên. Cô cũng là giáo viên mầm non đầu tiên của huyện đi học thạc sĩ”.

Cô Thái Thị Tố Loan, Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành).

Cô Thái Thị Tố Loan, Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành).

Cô giáo giàu lòng thiện nguyện

Trong 21 năm công tác, cô Thái Thị Tố Loan, Trường Tiểu học thị trấn Châu Thành A (Châu Thành) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 15 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 5 Bằng khen.

Với bề dày thành tích đó, năm 2019 cô Tố Loan đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Là nhà giáo sở hữu nhiều giải thưởng cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho sự nghiệp trồng người, cô Loan luôn được đồng nghiệp nể phục, học trò tin yêu.

Chia sẻ những kinh nghiệm quý, cô Tố Loan cho biết: “Trong giảng dạy tôi luôn đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cốt sao giúp học sinh học tập tích cực, chủ động sáng tạo hơn. Tôi luôn chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh còn đuối và quan tâm thúc đẩy phong trào rèn chữ viết nên hằng năm học sinh của trường đều đạt giải thưởng cao của huyện, của tỉnh”. Thành quả là học sinh của cô Loan đã mang về cho nhà trường 1 giải Nhất, 1 giải Nhì trong Hội thi viết chữ đẹp cấp huyện; 1 giải Nhất, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích trong Hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh…

Trong vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô Loan luôn quan tâm, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh có nguy cơ nghỉ học, cô đến tận gia đình tìm hiểu tâm tư, vận động gia đình và khích lệ các em trở lại lớp nên các lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số đạt 100%.

Cô Tố Loan cũng là người rất tích cực trong công tác xã hội hóa giáo dục, tích cực phối hợp với nhà trường, các tổ chức đoàn thể, các mạnh thường quân để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ sách bút, tiền, quần áo cho học sinh nghèo.

Từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023, cô đã vận động tặng 15 bộ quần áo cho học sinh nghèo; vận động trong phụ huynh và mạnh thường quân gần 55 triệu đồng để chi cho các phong trào, khen thưởng học sinh, mua thiết bị dạy học; vận động tặng cho học sinh 700 cuốn tập, 300kg gạo; 200 hộp khẩu trang...

Cô Đoàn Thị Thu Ba - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Loan là giáo viên có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác, giảng dạy đạt kết quả cao. Cô là một tấm gương sáng của nhà trường. Thành tích trong công tác của cô thật đáng nể khi mang về cho nhà trường nhiều danh hiệu thi đua”.

Thầy Trần Sâm Ha, Trường Phổ thông DTNT huyện Trần Đề.

Thầy Trần Sâm Ha, Trường Phổ thông DTNT huyện Trần Đề.

Góp sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc

Gắn bó với ngành Giáo dục từ năm 2012, thầy giáo dân tộc Khmer Trần Sâm Ha (39 tuổi), công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trần Đề đã có nhiều thành tích đáng nể.

Thầy Trần Sâm Ha xuất thân trong gia đình nông dân Khmer ở xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề). Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, thầy về công tác tại Trường THCS Tú Điềm (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề). Sau đó, thầy theo học chuyên ngành Ngữ văn Khmer Nam Bộ. Tốt nghiệp đúng thời điểm Trường PTDTNT huyện Trần Đề thành lập, thầy được điều động về công tác tại trường cho đến nay.

Nhìn lại quá trình công tác, thầy Trần Sâm Ha chia sẻ: Để giúp học sinh học tập tốt, tôi luôn nghiên cứu các quy định về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo tinh thần đổi mới. Mỗi năm học, dựa vào đặc điểm tình hình của lớp, của tổ, tôi ra một phương pháp cải tiến kỹ thuật trong đơn vị trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngày một được nâng cao.

Trong giảng dạy, thầy Trần Sâm Ha không ngừng tìm tòi, tham khảo tự học để áp dụng phương pháp mới phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh. Với mô hình “Đôi bạn cùng tiến”, thầy hướng dẫn các em học giỏi cách kèm bạn, nhắc nhở động viên bạn học chậm trong quá trình học tập…

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, có thời gian rảnh là thầy Trần Sâm Ha lại tranh thủ mày mò nghiên cứu, hỗ trợ giáo viên trong trường thiết kế đồ dùng dạy học. Niềm vui nối tiếp niềm vui, thầy giành được rất nhiều giải cao, giải Nhất trong cuộc thi “Thiết kế đồ dùng dạy học” cấp huyện, giải Nhì cấp tỉnh môn Lịch sử; giải Khuyến khích trong cuộc thi “Thiết kế đồ dùng dạy học” môn Sinh học cấp huyện.

Là giáo viên giảng dạy bộ môn Khmer ngữ, thầy được nhà trường phân công giảng dạy và ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường tham dự thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong các năm học (từ năm học 2017 - 2023), các em học sinh do thầy hướng dẫn đã mang về cho nhà trường 12 giải cấp huyện, 10 giải cấp tỉnh.

Cô Nguyễn Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Thầy Trần Sâm Ha rất năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Yêu thương học sinh, thầy luôn quan tâm, gần gũi, giáo dục học sinh về mọi mặt, trong đó có vấn đề giáo dục về văn hóa dân tộc, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thầy là người có duyên trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Khmer ngữ và mang về cho nhà trường nhiều giải cao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.