Người thầy của giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Đã 24 năm thầy giáo Trần Đình Phúc gắn bó với giáo dục Nậm Tha (Văn Bàn, Lào Cai). Dù công tác trong điều kiện khó khăn nhưng thầy luôn kiên trì bám trường, lớp mang kiến thức đến với học sinh.

Thầy Trần Đình Phúc đã 20 năm gắn bó với giáo dục xã Nậm Tha. Ảnh: NVCC
Thầy Trần Đình Phúc đã 20 năm gắn bó với giáo dục xã Nậm Tha. Ảnh: NVCC

Với thầy Phúc, được cống hiến cho giáo dục, giúp đỡ các thế hệ học trò không thất học… là hạnh phúc, động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ “gieo chữ trồng người”.

“Xe duyên” cùng Nậm Tha

Thầy Trần Đình Phúc quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái. Năm 1998 sau khi ra trường thầy giáo trẻ nộp đơn xin công tác tại tỉnh Lào Cai và được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Nậm Tha (giờ là Trường   PTDTBT Tiểu học Nậm Tha) cho tới nay.

Nhớ lại những ngày đầu đến Nậm Tha, thầy Phúc bồi hồi chia sẻ: Đây là xã vùng cao vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Điểm trường thầy lên dạy học thuộc thôn Khe Tào với 20 học sinh chia thành 2 lớp ghép, 1 lớp đơn, 100% học sinh dân tộc Mông, Dao.

Để có học sinh lên lớp, thầy Phúc dạy học buổi sáng, buổi chiều chèo đèo vượt suối đến từng gia đình để vận động người dân cho trẻ tới trường. “Bà con dân tộc sinh nhiều con, cứ ngày mùa lại để con lớn ở nhà trông con nhỏ thay bố mẹ đi làm. Trẻ lên 5 - 6 đã trở thành lao động trong gia đình. Nếu không tuyên truyền, vận động thường xuyên thì việc học tập của trẻ sẽ bị bỏ lửng…”, thầy Phúc nói.

Theo thầy Phúc, việc vận động trẻ tới trường với giáo viên khi ấy vô cùng vất vả bởi nhận thức người dân lạc hậu, thậm chí lảng tránh gặp thầy cô. Thậm chí, thầy Phúc phải tới nhà 2 - 3 lần mới gặp được nhưng phụ huynh vẫn một mực “nhà nhiều việc lắm, khi nào hết việc sẽ cho con đi học…”. Nếu không nhẫn nại, dành thời gian thuyết phục… chắc chắn nhiều học sinh thất học.

Việc dạy học, sinh hoạt của giáo viên tại điểm trường cũng gặp không ít thách thức. Muốn mua thức ăn, đồ dùng giáo viên thường phải kết hợp công việc lúc xuống xã. Mỗi lần lên điểm trường là 15km đi bộ với lỉnh kỉnh từ gạo, thức ăn khô… tới đồ dùng.

Ở nhiều điểm trường, giáo viên phải ngủ tạm trong ngôi nhà lợp cọ, cây vầu quây lại thành vách, giường ngủ ghép từ thân vầu. Mùa đông giá rét, sương mù gió núi lùa vào lạnh cắt da thịt, chăn màn ướt sũng…

Ngày mới lên dạy, thầy Phúc chưa biết tiếng dân tộc còn học sinh không biết tiếng phổ thông nên ngôn ngữ bất đồng, hiệu quả dạy học không cao. Thầy Phúc lại nghĩ cách sáng dạy trò học kiến thức, chiều nhờ trò dạy tiếng dân tộc. Hiểu được ngôn ngữ của nhau không chỉ giúp thầy Phúc nâng cao hiệu quả dạy học mà thầy trò thêm hiểu, cùng thể chia sẻ, hỗ trợ được nhiều điều.

24 năm gắn bó với giáo dục vùng khó Nậm Tha, kiến thức đã theo bước chân thầy Phúc tới đủ 7 điểm trường tại các thôn Vằng Mần, Khe Nà, Khe Tào, Khe Cóc, Khe Vai, Khe Păn, Phường Cong. Trong số đó điểm trường Khe Păn thầy Phúc nhớ mãi về sự khó khăn.

Điểm trường nằm trên núi, cách trường chính 10km nhưng giáo viên phải kết hợp đi xe máy 20 phút sau đó đi bộ 30 phút mới vào tới nơi. Điểm trường không điện, không nước, không sóng điện thoại cũng chẳng nhà công vụ. Giáo viên vào dạy học ở nhờ nhà dân, gửi lương thực nhờ người dân nấu ăn. Vì thế, bữa ăn của các thầy thường vài viên lạc rang, vài con cá khô qua ngày…

Không có điện, thầy Phúc phải bật đèn dầu soạn giáo án. Hai năm liền ở điểm trường Khe Păn, thầy về nhà 4 lần vào dịp Tết và hè. Một phần vì kinh phí đi lại tốn kém, phần cơ bản do đường sá đi lại quá khó khăn. Nhớ gia đình, bố mẹ chỉ biết nén lại qua những cánh thư hàng tháng gửi về nhà…

Tại điểm trường Khe Tào, thầy Phúc cũng chẳng thể quên kỷ niệm cuối tháng 5/1999. Hôm đó trời mưa rất to, điểm trường Khe Tào ở bên kia suối. Nước dâng cao, để sang được điểm trường, người dân dùng bè mảng qua đón. Khi đến giữa suối, dòng nước lũ chảy xiết, chèo chống không được thầy Phúc rơi xuống suối. Đồng nghiệp kêu cứu nhưng không có ai. May mắn thầy Phúc biết bơi nên tự mình vật lộn với dòng nước lũ để thoát vào bờ.

Cũng tại điểm trường Khe Tào, nhiều khi nước lũ dâng cao, học sinh không thể về nhà. Thầy Phúc lại trở thành “mẹ nuôi” của học trò, lo cơm nước, chỗ ngủ… Nước rút mới đưa học sinh qua sông để bố mẹ đón về.

Thầy Trần Đình Phúc. Ảnh: NVCC
Thầy Trần Đình Phúc. Ảnh: NVCC

Nỗ lực đổi mới

Thầy Trần Đinh Phúc chia sẻ: Về Nậm Tha công tác, khó khăn chồng chất khó khăn, đôi khi quá cùng cực trong thầy lóe lên ý nghĩ “rời núi về xuôi”, tìm cơ hội ở môi trường khác. Thế nhưng sự hồn nhiên, trong trẻo của học trò vùng cao như níu bước chân ở lại. Hơn thế, cứ khó khăn lại chùn bước, ai sẽ ở lại nơi đây dạy học, tương lai học trò Nậm Tha sẽ ra sao? Nếu những người thầy không dám chấp nhận và đối diện khó khăn thì thiệt thòi trước hết là học trò…”.

Mặt khác, điều làm thầy Phúc xúc động và quyết tâm ở lại bởi phụ huynh Nậm Tha rất quý trọng thầy cô giáo. Có lúc họ cho con ở nhà lao động nhưng không bao giờ nặng lời, hay xua đuổi thầy cô tới vận động. Thấy đời sống của giáo viên khó khăn, họ biếu từng bó rau, cân gạo, con gà… Tình cảm thầy trò, phụ huynh với giáo viên vô cùng khăng khít. Điều đó giúp người thầy thêm động lực để tiếp tục bám bản, lên lớp. Sau 10 năm công tác tại Nậm Tha, thầy Phúc đã xây dựng gia đình và có 2 con. Gia đình thầy đã coi nơi đây như quê hương thứ 2...

Tới nay, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, địa phương vùng khó Nậm Tha đã “thay da đổi thịt”. Đường sá, trường lớp được đầu tư nâng cấp, ý thức người dân cũng tiến bộ hơn. Đa số điểm trường năm xưa được chuyển xuống gần đường tiện cho việc đi lại, giảm vất vả cho giáo viên.

Song theo thầy Phúc trong bối cảnh giáo dục bước vào đổi mới, triển khai Chương trình GDPT 2018 thì những điều kiện cơ sở vật chất, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn hạn chế nhất định. Điều đó đòi hỏi người thầy vùng cao tiếp tục vượt lên chính mình, linh hoạt và không ngừng sáng tạo để dạy học đạt yêu cầu chung.

Trao đổi về thầy Trần Đình Phúc, chị Triệu Thị Dẫn, phụ huynh tại thôn Phường Cong xã Nậm Tha bảy tỏ: “Thầy có phương pháp dạy học dễ hiểu giúp học sinh tiến bộ nhanh. Thầy cũng nhiệt tình, kiên nhẫn, yêu thương và chỉ dạy học sinh đến nơi đến chốn. Gia đình quanh năm đi nương rẫy, việc học tập của trẻ cơ bản do thầy dạy bảo. Đến nay con tôi đã học lớp 7, nhưng gia đình luôn nhớ và biết ơn thầy...”.

“Thầy Trần Đình Phúc là một trong số giáo viên gắn bó lâu năm và cống hiến nhiều cho giáo dục vùng núi Nậm Tha. Thầy cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh tham gia các sân chơi khoa học. Với chuyên môn vững vàng, thầy Phúc đã và đang góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục huyện Văn Bàn, Lào Cai…” - cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Tha trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.