Những nhà giáo sinh ngày đất nước thống nhất

Những nhà giáo sinh ngày đất nước thống nhất

Chào đời trong niềm vui thống nhất của cả dân tộc, với những thầy cô giáo sinh năm 1975, tình yêu và niềm tự hào về mảnh đất hình chữ S cứ thế được hun đúc một cách tự nhiên. Họ luôn nguyện lòng phải cố gắng phấn đấu hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước...

Duyên với ngành Việt Nam học

Chào đời trong buổi tối ngày 30/4/1975 tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai), ThS Phan Trần Công - giảng viên Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) - là con thứ hai trong gia đình có 6 anh em. Năm 1994, anh thi đậu vào Khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) với vị trí thủ khoa (của khoa).

“Mục đích ban đầu của tôi khi vào ĐH là muốn theo chuyên ngành Báo chí. Sau khi học xong giai đoạn đại cương, tôi đủ điểm để theo ngành Báo chí nhưng lại thay đổi ý định và chuyển sang chuyên ngành Ngôn ngữ học. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng đưa tôi đến với lĩnh vực ngôn ngữ học cho đến nay”, ThS Phan Trần Công chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp ĐH năm 1998, anh ấp ủ nguyện vọng được học tập, nghiên cứu ngôn ngữ học ở bậc cao hơn. Cùng lúc này, Khoa Việt Nam học của trường mới được thành lập, đang có nhu cầu phát triển việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. “Thầy hướng dẫn của tôi lúc đó là Phó Chủ nhiệm khoa, khuyến khích tôi ở lại làm việc. Đó là những điều kiện thuận lợi và là ngã rẽ đưa tôi vào con đường giảng dạy, nghiên cứu hơn 20 năm nay”, ThS Phan Trần Công nói về cơ duyên đến với Khoa Việt Nam học.

Hiện ThS Phan Trần Công theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn về Ngữ âm học, tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Đồng thời tham gia thỉnh giảng một số trường ĐH như ĐH Champasak, Lào (2007), ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc, Hàn Quốc (2017 - 2018).

Một số các công trình tiêu biểu anh từng tham gia có thể kể như Từ điển Việt – M’nông (đồng tác giả, Đinh Lê Thư và Nguyễn Văn Huệ chủ biên, NXB Giáo dục, TPHCM, 2001), Từ điển Việt – M’nông Lâm (đồng tác giả, Đinh Lê Thư và Y Tông Drang chủ biên, NXB ĐHQG TPHCM, 2007), Ghi nhận bước đầu về ngữ âm tiếng Tà Mun (đồng tác giả, Tạp chí Phát triển KH&CN, ĐHQG TPHCM), Vị trí của tiếng Tà Mun trong nhóm Nam Bahnar (luận văn thạc sĩ, 2015), Cơ cấu ngữ âm tiếng Tà Mun và sự tương ứng ngữ âm, từ vựng giữa tiếng Tà Mun với các ngôn ngữ trong tiểu nhóm Nam Ba - Nam (đồng tác giả, Kỷ yếu hội thảo giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt, NXB ĐHQG TPHCM, 2018), Tương ứng từ vựng và mối quan hệ giữa các ngôn ngữ trong nhóm Bahnar Nam (Tạp chí Phát triển KH&CN, ĐHQG TPHCM, 2017).

ThS Phan Trần Công quan niệm, được sinh ra đúng vào ngày thống nhất đất nước là sự trùng hợp đặc biệt thú vị. Với mỗi người, sinh nhật là ngày mà chúng ta lắng lại để ngắm nhìn những được mất của chính mình trong một năm qua, lên những kế hoạch cho tương lai. Sinh nhật của anh, ngoài ý nghĩa trên, cũng là dịp nhìn ngắm sự phát triển của quê hương, đất nước, từ đó ý thức hơn về vai trò đóng góp của mình.

Anh tâm sự: “Với tôi cũng như các đồng nghiệp nói chung, luôn ý thức mình là một đại sứ văn hóa bất thành văn. Trong con mắt của học viên đến từ khắp nơi trên thế giới, người giáo viên không còn là thầy này, cô kia như những cá nhân nữa mà là “người Việt”. Vì vậy, chúng tôi không ngừng trau dồi chuyên môn, đạo đức, tác phong, cách ứng xử… để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về người Việt chúng ta. Đó là cách chúng tôi đóng góp cho đất nước ở vị trí của mình”.

Những nhà giáo sinh ngày đất nước thống nhất ảnh 1
TS Nguyễn Văn Long Giang. Ảnh: NVCC

Cống hiến cho đất nước

TS Nguyễn Văn Long Giang - Phó Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cũng sinh vào ngày 30/4/1975. Anh là con trai lớn trong gia đình thuần nông ở tỉnh Ðồng Tháp. Vốn đam mê ô tô từ nhỏ nên khi học xong THPT là anh đăng ký thi vào ngành Công nghệ ô tô thuộc Khoa Cơ khí động lực của HCMUTE. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1998, nhờ học giỏi, anh được giữ lại trường làm giảng viên tại Khoa Cơ khí động lực.

Trong lúc nhiều bạn cùng học ra trường làm việc ở các doanh nghiệp với mức lương khá cao, bản thân cũng có cơ hội được mời làm việc ở bên ngoài, nhưng vì thích nghề giáo, anh chấp nhận mức lương tương đối khiêm tốn ở thời điểm lúc bấy giờ. “Thu nhập của giảng viên ở trường có thời điểm rất khó khăn nhưng chưa bao giờ tôi thấy nản lòng. Tôi nghĩ mình có duyên với nghề giáo và sẽ gắn bó suốt đời”, TS Nguyễn Văn Long Giang chia sẻ.

Trước khi làm Phó Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao, anh từng đảm nhận các chức vụ như Phó Trưởng khoa Cơ khí động lực, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Phó Bí thư Đoàn trường của HCMUTE… “Nghề giáo đã cho tôi nhiều thứ. Trong đó, tôi có nhiều cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, từ đó cống hiến nhiều hơn cho đất nước”, TS Nguyễn Văn Long Giang cho biết.

Nhắc đến kỷ niệm ngày sinh nhật, anh xúc động cho biết: “Năm 20 tuổi (năm 1995), khi được Thành đoàn TPHCM mời tham dự sinh nhật tập thể cho những người cùng sinh ngày 30/4, tôi mới cảm nhận hết niềm tự hào và thầm cảm ơn ba mẹ vì đã sinh ra mình trong một ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc”.

45 năm trôi qua với bao thăng trầm của lịch sử, nhưng những người sinh ra trong dịp 30/4/1975 nói chung và các giáo viên nói riêng có quyền tự hào về thời điểm mình chào đời. Đó là thời điểm chấm dứt chiến tranh, non sông liền một dải. Và họ là nhân chứng đồng hành cùng sự phát triển của đất nước trong thống nhất.

“Hàng năm đến dịp lễ 30/4, nhiều ngả đường TP rực rỡ cờ hoa, mình thấy hãnh diện vì đã lớn lên cùng đất nước đi qua những ngày gian khó. Đồng thời, tự trong thâm tâm luôn cảm thấy phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”, TS Long Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ