Những nhà giáo làm thay đổi thế giới

GD&TĐ - Một số nhà giáo lỗi lạc đã thay đổi thế giới bằng tài năng và kiến thức phi thường của họ.

Isaac Newton.
Isaac Newton.

Giáo viên được xem là những người có thể thay đổi cuộc sống của học sinh. Song, một số nhà giáo lỗi lạc đã thay đổi thế giới bằng tài năng và kiến thức phi thường của họ.

Isaac Newton

Isaac Newton là một giáo viên, nhà toán học và nhà vật lý nổi tiếng, người phát minh ra Định luật vạn vật hấp dẫn. Ông đã áp dụng các lý thuyết của mình về Định luật chuyển động và trọng lực để giải thích chuyển động của Mặt trời và các hành tinh. Ông là người đầu tiên khám phá ra rằng, ánh sáng trắng được tạo thành từ quang phổ màu.

“Principia” là kết quả nghiên cứu của Newton được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1687 và thiết lập nền tảng cho cơ học cổ điển. Cuốn sách đó đã thay đổi cách mọi người nhận thức thế giới và nó vẫn tiếp tục là nền tảng của các công nghệ. Ông chắc chắn là một trong những giáo viên giỏi nhất thế giới!

Isaac Newton sinh ngày 25/12/1642 trong một gia đình nông dân tại Anh. Ông là đứa trẻ bị sinh non. Mẹ của ông đã miêu tả về ông lúc bấy giờ rằng có thể cho vừa vào chiếc cốc to hơn 1 lít. Điều đáng buồn là ông chưa từng nhìn thấy mặt cha. Cha ông – một nông dân cũng tên là Isaac Newton, đã mất trước khi ông sinh ra ba tháng.

Khi Isaac Newton 3 tuổi, ông được gửi về sống với bà ngoại sau khi mẹ ông tái hôn với một vị mục sư và có thêm ba người con riêng. 12 tuổi, Isaac Newton vào học tại Trường Trung học Grantham. Vì thể chất vốn yếu ớt không được khỏe mạnh, ông thường bị bạn bè bắt nạt.

Sau đó, Isaac Newton rời khỏi trường và quay lại sống với mẹ. Tháng 10/1659, dưới sự thuyết phục của thầy giáo, Isaac Newton quay lại trường học và đạt được thành tích xuất sắc đứng đầu trường.

Năm 17 tuổi, Isaac Newton tốt nghiệp trung học. Khoảng thời gian từ 12 đến 17 tuổi chính là nền tảng quan trọng cho việc học Toán và là bước đệm cho những phát hiện đại tài sau này của Isaac Newton. Năm 1665, ông tốt nghiệp xuất sắc Đại học Cambridge và được giữ lại làm giảng viên quang học, hướng dẫn thực nghiệm tại trường.

Có lẽ quá đam mê nghiên cứu khoa học nên nhà bác học Isaac Newton cho đến lúc ra đi, hưởng thọ 83 tuổi vẫn không tìm cho mình một người bạn đời.

Nhà toán học vĩ đại nhất thế giới Isaac Newton qua đời trong giấc ngủ ở London vào năm 1726 và được chôn cất tại Tu viện Westminster. Là một người độc thân, ông đã chia phần lớn tài sản của mình cho người thân trong những năm cuối đời và không để lại di chúc.

Pythagoras

nhung-nha-giao-lam-thay-doi-the-gioi-2.jpg
Pythagoras.

Pythagoras là một triết gia, nhà toán học và giáo viên có các lý thuyết vẫn được giảng dạy trong trường học ngày nay. Nổi tiếng với Định lý Pythagoras (Pitago) về tam giác vuông, ông được mệnh danh là “cha đẻ của các con số”. Ông cũng là người phát minh ra mối liên hệ giữa Toán học và Âm nhạc.

Những đóng góp của Pythagoras cho khoa học là không thể đong đếm hết. Ông sinh khoảng năm 580 - 570 TCN và mất khoảng năm 500 - 490 TCN tại hòn đảo Samos xinh đẹp (bờ biển phía Tây Hy Lạp). Khi đang tuổi thanh niên, ông đã nổi tiếng với sự thông minh, kiệt xuất. Đó cũng là nguyên nhân Pythagoras được khuyên nên tới Memphis (Ai Cập) để học hỏi những người tế lễ tài giỏi ở đó, dù cho đã rời quê hương đến Crotone, miền Nam Italy.

Chính Thales (được coi là cha đẻ của khoa học), người có những đóng góp quan trọng cho hình học thế giới với Định lý Thales vô cùng ấn tượng trước khả năng và trí thông minh của Pythagoras.

Sau này, Pythagoras theo đuổi nền khoa học ở các dân tộc khác nhau, từng dành nhiều năm nghiên cứu tại Ấn Độ, Ai Cập, Babilon và trở nên uyên bác ở hầu hết lĩnh vực quan trọng như: Số học, hình học, y học, triết học, thiên văn học...

Đam mê theo đuổi và nghiên cứu học thuật, mãi đến những năm 50 tuổi, Pythagoras mới trở lại quê nhà. Sau này, ông mở một trường học tại miền Nam Italy. Tại đây, Pythagoras thu nhận hàng trăm học sinh.

Đặc biệt là ngôi trường này chấp nhận cho cả phụ nữ theo học. Ở đó, Pythagoras đưa ra chương trình 5 năm học gồm 4 bộ môn chính là: Hình học, Toán học, Thiên văn và Âm nhạc. Song, chỉ những môn sinh từ năm thứ 3 trở lên mới được ông trực tiếp giảng dạy.

Albert Einstein

nhung-nha-giao-lam-thay-doi-the-gioi-3.jpg
Albert Einstein.

Albert Einstein - nhà vật lý lý thuyết, tác giả và giáo viên nổi tiếng thế giới. Ông sinh năm 1879, mất năm 1955, được coi là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Einstein nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát. Ngoài ra, ông cũng có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lý thuyết cơ học lượng tử.

Thuyết tương đối và cơ học lượng tử là hai trụ cột của vật lý hiện đại. Công thức E = mc2 của Einstein, phát sinh từ thuyết này, được mệnh danh là phương trình nổi tiếng nhất thế giới.

Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lý năm 1921 vì những đóng góp của ông cho vật lý lý thuyết và đặc biệt là vì khám phá ra định luật hiệu ứng quang điện, một bước quan trọng trong sự phát triển của thuyết lượng tử. Những thành tựu trí tuệ và sự độc đáo của Albert Einstein đã giúp ông được gọi là thiên tài.

Albert Einstein sinh ra ở Ulm (Đức) trong một gia đình người Do Thái, theo học một trường tiểu học Công giáo ở Munich từ khi 5 tuổi. Nhiều người nghĩ, thiên tài như Albert Einstein sẽ bộc lộ năng khiếu từ sớm, nhưng thực tế ông không phải là thần đồng.

Là một thiên tài lỗi lạc nhưng Albert Einstein được cho là mắc chứng tự kỷ thể nhẹ và không thể nói một cách thoải mái, suôn sẻ cho đến khi gần 6 tuổi. Khi còn nhỏ, Albert thích chơi một mình hơn là với bạn đồng trang lứa và dường như gặp khó khăn lớn trong việc học nói. Cha mẹ ông từng lo lắng đến mức phải hỏi ý kiến bác sĩ. Ngay cả khi bắt đầu nói, Albert vẫn có thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần các câu nói với chính mình.

Khi lớn hơn và bắt đầu đi học, Einstein đã phát triển một thái độ nổi loạn đối với giáo viên nói chung. Có lẽ đó là kết quả của việc quá thông minh nhưng không thể giao tiếp, kết nối với người khác. Ở trường Công giáo, các giáo viên đối xử công bằng với Albert Einstein nhưng ông liên tục bị các học sinh khác bắt nạt vì là người Do Thái. Tuy nhiên, dần dần, Albert Einstein bắt đầu thể hiện khả năng nổi trội trong môn Toán và Vật lý.

Sau này, Albert từng nói rằng, có lẽ khả năng suy nghĩ theo những cách độc đáo và phát triển các khái niệm khoa học mới, khác biệt đến từ việc ông thích suy nghĩ bằng hình ảnh hơn là bằng lời nói. Ông cũng thích nổi loạn và suy nghĩ về mọi thứ theo những cách không bình thường.

12 tuổi, cậu bé Einstein đã tự học đại số và hình học Euclid chỉ trong một mùa Hè. Einstein cũng đã khám phá cách chứng minh của riêng mình về Định lý Pythagoras ở tuổi 12. Albert Einstein đam mê hình học, đại số và tự học phép tính năm 12 tuổi. Ông nói rằng, khi mới 14 tuổi, ông đã thành thạo phép tính tích phân và vi phân.

Năm 13 tuổi, Albert Einstein bắt đầu quan tâm sâu sắc hơn đến Triết học và Âm nhạc. Einstein đọc say mê cuốn “Phê phán lý tính thuần túy” của Kant. Đây là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức. Năm 1895, ở tuổi 16, Einstein đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Ông không đạt điểm yêu cầu chung của kỳ thi nhưng đạt điểm xuất sắc trong môn Vật lý và Toán học.

Theo lời khuyên của Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Einstein theo học một ngôi trường ở Aarau (Thụy Sĩ) vào năm 1895 và 1896 để hoàn thành chương trình trung học của mình. Vào tháng 9/1896, Einstein hoàn thành kỳ thi tú tài của Thụy Sĩ với hầu hết là điểm cao. Trong đó, điểm cao nhất thuộc về môn Vật lý và Toán học.

Năm 17 tuổi, Albert Einstein đăng ký học chương trình cấp bằng sư phạm Toán và Vật lý kéo dài 4 năm tại Trường Bách khoa Liên bang. Năm 1900, Einstein vượt qua kỳ thi Toán, Vật lý và được cấp bằng sư phạm.

Trong năm 1905, Albert Einstein viết bốn bài báo mang tính đột phá về hiệu ứng quang điện, chuyển động Brown, thuyết tương đối đặc biệt và sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng. Các bài báo đã khiến Albert Einstein trở nên nổi tiếng trong giới hàn lâm. Ông được trao bằng Tiến sĩ khi mới 27 tuổi.

Đến năm 1908, Albert Einstein được công nhận là nhà khoa học hàng đầu và được bổ nhiệm làm giảng viên tại Đại học Bern (Thụy Sĩ). Ông được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư năm 30 tuổi. Einstein từng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Czech, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Anh...

Trong suốt cuộc đời của mình, Einstein xuất bản hàng trăm cuốn sách và bài báo. Ông viết hơn 300 bài báo khoa học và 150 bài báo phi khoa học. Năm 2014, các cơ quan lưu trữ đã công bố nhiều bài báo đặc biệt của Einstein bao gồm hơn 30 nghìn tài liệu độc đáo.

Einstein không chỉ là nhà vật lý nổi tiếng mà ông còn rất đam mê âm nhạc. Trong nhật ký của mình, ông từng viết: “Nếu tôi không phải là nhà vật lý, có lẽ tôi sẽ là nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ về âm nhạc. Tôi nhìn cuộc sống của mình qua âm nhạc... Tôi có được niềm vui trong cuộc sống chính là từ âm nhạc”.

Albert Einstein qua đời vào năm 1955, hưởng thọ 76 tuổi. Trước khi ra đi, ông đã yêu cầu thi thể của mình được hỏa táng nhưng nhà nghiên cứu bệnh học nổi tiếng Thomas Harvey đã giữ lại bộ não của Albert Einstein với hy vọng mở khóa những bí mật về tài năng của nhà vật lý lỗi lạc này.

Theo JCBN School; Insider

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ