Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố vào tháng 4 của Chương trình nghiên cứu Internet & Xã hội (VPIS), do Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn và Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp tổ chức cho biết, hiện tượng lăng nhục hay thậm chí vu khống trên mạng xã hội đã trở nên đáng báo động.
GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, cho biết: "Trong số 3.000 người chúng tôi điều tra, có tới gần 80% đều là nạn nhân hoặc bị tác động bởi các phát ngôn gây thù ghét, chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, vùng miền...
Chỉ trong một tích tắc người ta có thể truyền tải thông điệp của mình tới hàng triệu người trên trái đất, nếu đấy là thông tin xấu thì có thể phát tán nhanh hơn bất cứ thời điểm nào".
Các lời buộc tội, phát ngôn chưa được xác thực đầy rẫy trên Facebook đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng nghìn người. Tuy nhiên, trên Facebook còn tồn tại nhiều mối nguy khác.
Ví dụ, một nhóm mua bán thuốc nổ - mặt hàng bị pháp luật cấm, nhưng được bán công khai trên Facebook. Người mua chỉ cần liên hệ là sẽ có hàng. Các nhóm Facebook như thế này có thể liên kết hàng triệu kẻ bán, người mua với nhau.
Gần đây, trên Facebook đã xuất hiện thêm các nhóm kín, bí mật, hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Những nhóm kín hiện đang là một vấn đề đau đầu với các nhà chức trách ở nhiều quốc gia.
Facebook mới đây đã tăng cường 3.000 nhân viên vào đội ngũ kiểm soát nội dung, tuy vậy với gần 2 tỷ người dùng từ khắp các quốc gia, đây là việc rất khó khăn.
Hiện tại, đại diện Facebook đã cam kết với Chính phủ Việt Nam sẽ xoá bỏ các nội dung phi pháp và hai bên đang phối hợp để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này.
Tuy nhiên, cho đến khi các nội dung trên mạng xã hội được kiểm soát hiệu quả, mỗi người dùng cần phải tỉnh táo và sàng lọc thông tin một cách cẩn thận.
Bình luận