Những buổi học về lịch sử dân tộc
Để giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, các nhà trường ở các cấp học trong những năm gần đây đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như nói chuyện chuyên đề, gặp mặt truyền thống, trải nghiệm thực tế tại di tích lịch sử, gặp mặt các chứng nhân lịch sử. Trong các hoạt động ngoại khóa ấy, khách mời đặc biệt chính là các bác cựu chiến binh từng là những chiến sỹ tham gia các cuộc chiến tranh. Họ chính là những người trong cuộc, vào sinh ra tử để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Các buổi ngoại khóa truyền thống thường được các nhà trường tổ chức nhân các ngày lễ lớn như Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, Ngày thành lập Đoàn 26/3, Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, Ngày giải phóng Điện Biên, Ngày giải phóng miền Nam 30/4… Những ngày này, các nhà trường thường tổ chức ngoại khóa vào lễ chào cờ hoặc dành một khoảng thời gian hợp lí để tổ chức và mời các bác cựu chiến binh ở địa phương đến nói chuyện cùng các em HS.
Là thế hệ sinh sau thời chiến, những chiến công oanh liệt của cha anh trong những cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, những tấm gương chiến đấu dũng cảm, những trận chiến thắng lợi chỉ đến với các em HS các cấp qua những trang sách và trong những bài giảng của thầy cô. Nhưng ở các buổi gặp mặt truyền thống, được nghe các chứng nhân lịch sử kể về những câu chuyện chiến tranh hết sức chân thực và sinh động, các em HS như được hòa mình vào những cuộc chiến vô cùng oanh liệt và hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), bác Nguyễn Hưng Canh, người từng tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, mặc dù tuổi đã cao nhưng khi các nhà trường, Đoàn Thanh niên tổ chức gặp mặt truyền thống, bác đều vui vẻ nhận lời và mang đến cho thế hệ trẻ huyện Hạ Hòa những câu chuyện lịch sử vô cùng bổ ích.
Bác Nguyễn Hưng Canh lên đường nhập ngũ vào năm 1962 tại Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ Sư đoàn 312. Tiếp đó, bác tham gia học tập tại Trường sỹ quan Pháo cao xạ phòng không không quân. Tốt nghiệp ra trường ông lại cùng đồng đội chiến đấu ở khắp các chiến trường và giữ cấp bậc Trung tá tại Trung đoàn 547 Bộ Tư lệnh 559. Sau 26 năm tham gia kháng chiến, tháng 8/1988, bác Nguyễn Hưng Canh xuất ngũ trở về địa phương.
Bác từng kể cho HS các nhà trường về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời người lính chiến của mình như bác cùng đồng đội bắn rơi 1 máy bay AD5, trong đó có 1 tên giặc lái Mỹ nhảy dù ra bờ sông Păk Pa Năng. “Khi tên phi công nhảy dù ra vẫn còn sống nhưng bị thương. Lúc anh em chúng tôi xuống bờ sông thì tên giặc lái Mỹ đã chết và mắt còn mở.
Lúc đó, ba anh em đã vuốt mắt cho tên phi công và dùng hòm đạn của đơn vị chôn xác tên phi công bên bờ sông”, bác Canh kể lại. Những năm gần đây, bác cùng đồng đội trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã đi đến các nhà trường nhân dịp 22/12, Ngày giải phóng Điện Biên hay 30/4 để kể những câu chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ.
Em Đỗ Tiến Dương (HS Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ) chia sẻ: “Câu chuyện lịch sử của các bác cựu chiến binh đã giúp chúng em thêm niềm tự hào về thế hệ cha anh đi trước”.
Tiếp lửa truyền thống
Tại mỗi buổi tọa đàm truyền thống, lời kể say sưa của những cựu chiến binh, những anh Bộ đội Cụ Hồ đã làm sống dậy một thời chiến tranh oanh liệt của dân tộc. Những câu chuyện, những kỳ tích đã thu hút HS các nhà trường. Các em HS còn đặt ra các câu hỏi về các nhân vật lịch sử, các trận chiến, các kỳ tích mà các em chỉ biết qua sách vở.
Là người sinh ra và lớn lên trong lòng bản Tày, ông Ma Thanh Sợi (Bản Rịa - Nghĩa Đô - Bảo Yên - Lào Cai) là người từng tham gia chiến đấu ở Lào, từng chứng kiến cuộc chiến đấu giải phóng quê hương Nghĩa Đô. Vì thế, những kì tích trong các cuộc chiến đấu đã được ông Sợi kể cho thế hệ trẻ ở các nhà trường trên địa bàn xã tại các buổi gặp mặt truyền thống hay tại bia lịch sử trận Nghĩa Đô trên đồi cao. Các em HS người Tày rất hứng thú khi nghe ông Sợi kể về lịch sử truyền thống của bản làng mình.
Các bác cựu chiến binh sau chiến tranh, trở về địa phương; khi nhận được lời mời của các nhà trường, các bác đã chuẩn bị những câu chuyện lịch sử, chiến tranh, những kỷ vật đã theo các bác trong các cuộc chiến để kể và giới thiệu cho các em HS tại các trường.
Tại huyện Bảo Yên (Lào Cai), các nhà trường ở các cấp học đã coi khu di tích lịch sử trận Phố Ràng là nơi để các em HS có những bài học trải nghiệm quan trọng. Tại đây, qua những chuyến đi trải nghiệm thực tế tại di tích, các bác cựu chiến binh, những người từng tham gia chiến đấu ở trận Phố Ràng lừng danh đã kể cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện về những tấm gương anh hùng, những trận công đồn ở Phố Ràng.
Những buổi gặp mặt truyền thống nhân những ngày lễ lớn của đất nước tại các nhà trường thực sự là những buổi học thiết thực và quan trọng đối với các em HS. Sự hiện diện của các bác cựu chiến binh đã mang đến cho các em những bài học lịch sử mang niềm tự hào của dân tộc. Chính các bác bằng sự từng trải của mình đã tiếp lửa truyền thống oanh liệt và hào hùng cho các em HS. Từ đó, các em HS thêm niềm tự hào quyết tâm rèn luyện, học tập tốt.