Những người thích ăn thạch buộc phải biết những điều này

Thạch có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể, lại giòn giòn sần sật rất dễ ăn nên ai cũng ưa thích. Nếu bạn bổ sung thạch vào chế độ ăn uống của mình, sẽ có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là làm giảm các rối loạn về da như viêm và mụn.

Những người thích ăn thạch buộc phải biết những điều này

Tốt trong việc duy trì trọng lượng cơ thể

Thạch là món ăn ít calo, vì vậy, nó giúp bạn duy trì trọng lượng lý tưởng của cơ thể. Hơn thế, không giống như những sản phẩm có vị ngọt khác, thạch có hàm lượng đường vừa phải và có vị thanh mát dễ chịu. Vì vậy khi ăn thạch, bạn không phải lo lắng cơ thể mình sẽ bị tăng cân.

Giảm cholesterol xấu

Bạn đã biết rằng khi lượng cholesterol xấu trong cơ thể tăng lên thì nó có thể khiến cho cơ thể gặp phải những cơn đau tim, đột quỵ và những bệnh tim mạch khác. Thạch rau câu là loại thực phẩm giúp giảm cholesterol xấu, và làm tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Điều này giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch.

Nhung nguoi thich an thach buoc phai biet nhung dieu nay - Anh 1

Ảnh minh họa.

Tốt cho da và giảm các rối loạn về da

Trong thạch chứa các axit amin tự nhiên, rất tốt cho da. Nó là tác nhân giúp hình thành của các tế bào mới trong cơ thể, giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa bình thường của con người. Vì vậy, nếu ăn một lượng vừa phải, làn da của bạn sẽ khỏe mạnh và hạn chế bị tổn thương.

Giúp ích trong bệnh viêm khớp

Thành phần chủ yếu trong thạch là gelatin (dạng keo – thành phần quan trọng trong điều trị khớp). Khi bổ sung thạch vào chế độ ăn uống của mình, bạn sẽ giúp các khớp xương tăng khả năng bôi trơn và ngăn ngừa tình trạng viêm khớp. Thạch cũng giúp giảm viêm do đau khớp gây ra.

Làm giảm căng thẳng

Axit amin thiết yếu có trong thạch rau câu có tác dụng giảm bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, khi ăn thạch, cơ thể bạn sẽ được bổ sung một lượng Inositol (vitamin B8) có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng thần kinh: rối loạn tri giác, tinh thần chậm chạp. Thạch rau câu cũng giúp làm giảm các triệu chứng nhẹ của bệnh trầm cảm ở phụ nữ.

Nhung nguoi thich an thach buoc phai biet nhung dieu nay - Anh 2

Mặc dù có một số lợi ích sức khỏe trên, tuy nhiên thạch không phải là món ăn thật sự chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt có nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ em. Đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi không nên cho ăn thạch vì thạch mềm, trơn nên dễ bị hóc, mà khi hóc rất khó lấy ra. Có rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do hóc thạch.

Để đảm bảo an toàn, chúng ta chỉ nên lựa chọn bột thạch có nguồn gốc hạn sử dụng rõ ràng và cơ sở uy tín. Khi chế biến, các bà nội trợ có thể kết hợp cùng các loại quả tự nhiên để tạo màu cho thạch, đồng thời, giúp bỏ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Không nên cho trẻ ăn thạch một mình

Hầu như, trẻ em ở lứa tuổi nào cũng đều thích ăn các loại thạch rau câu. Trên bao bì của các loại thạch đều có ghi “thạch hoa quả”, “thạch dưa hấu”, “thạch xoài”. “thạch sữa chua” ... khiến phụ huynh lầm tưởng thạch có thành phần từ hoa quả. Tuy nhiên, thực chất thành phần của thạch là đường, chất nhũ hóa sodium alginate, bột agar, hương liệu, phẩm màu, chất polymer sinh học tách ra các loại cây rong...

Ăn thạch chỉ giúp trẻ ngon miệng nhưng nếu ăn nhiều còn dễ đầy, chướng bụng, khó tiêu hóa. Khi ăn thạch, trẻ cũng rất dễ bị hóc, nghẹn, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Bác sĩ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và đưa tin nhiều về các trường hợp hóc thạch nhưng điều đáng buồn là cha mẹ vẫn cho trẻ nhỏ ăn thạch. Trẻ hóc thạch là lỗi tại người lớn, từ sự bất cẩn của chính người lớn chứ không phải do trẻ.

Lý giải về các trường hợp thương tâm trẻ tử vong do hóc thạch, bác sĩ Dũng khẳng định “Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất. Bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu ôxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, đầu trụ dễ trượt, dễ nát vụn.

Với trẻ chẳng may bị hóc thạch, ngay lập tức cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc làm này vô tình càng làm miếng thạch bị đẩy sâu vào bên trong, bít hết đường thở của trẻ, khiến trẻ tử vong nhanh.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ