(GD&TĐ) - Đăk Long và Đăk Blô là hai xã nằm ở vùng biên giới phía Tây Bắc của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum giáp với nước bạn Lào. Hơn mười năm về trước, Đăk Long, Đăk Blô vẫn còn là một vùng đồi núi xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân lạc hậu, quanh năm đói nghèo, nhưng giờ đây cảnh “tù mù” vì thất học đã không còn. Làm nên kỳ tích đó chính là nhờ những sự hi sinh thầm lặng của những người giáo viên đang ngày đêm cắm thôn bản, bám trường nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với khát vọng giúp trẻ em nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Điều kiện học tập của học sinh Trường TH Đăk Blô ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng |
Vượt hàng trăm cây số, lên với trẻ em miền núi từ năm 1997, cô giáo Hoàng Thị Hải, quê Nghệ An vẫn nhớ như in những ngày mới về nhận công tác tại trường. Cô giáo Hoàng Thị Hải, Trường Tiểu học Đăk Long, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei tâm sự: “Lúc đó đường sá đi lại khó khăn, xe cộ lại không có. Mỗi lần muốn đi về dưới miền xuôi, chúng tôi phải đi bộ 2 ngày đường mới ra tới quốc lộ 14”.
Dạy học sinh dân tộc thiểu số mà người giáo viên không biết ngôn ngữ bản địa thì xem như thất bại. Bởi vậy, những người giáo viên nơi đây đã tự mày mò học ngôn ngữ của đồng bào. Qua đó, giáo viên còn có cơ hội để hiểu hơn hoàn cảnh gia đình từng học sinh. Vì lẽ đó mà đối với học sinh, giáo viên nơi đây gần gũi như người thân trong dân bản. Em Y Giang, học sinh lớp 5A, Trường TH Đăk Long, bộc bạch: “Cô giáo thường đến nhà em và các bạn trong làng thăm hỏi, động viên chúng em đến lớp thường xuyên.”
15 năm làm nghề dạy học cũng là khoảng thời gian cô Hoàng Thị Hải gắn bó với con em đồng đồng bào dân tộc Giẻ vùng biên giới này và nhiều năm liên cô là giáo viên dạy giỏi của trường. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học tại trường, cô còn tích cực tham gia các lớp xóa mù chữ ở địa phương.
Đối với cô Hải, những kỉ niệm và tình cảm yêu mến của học trò dành cho cô chính là động lực để cô tiếp tục cống hiến. Cô Hải bộc bạch: “Chúng em ở đây, ở giữa bốn bề núi rừng heo hút này ngày lễ, tết cũng giống như ngày thường. Có chăng cũng chỉ gói kẹo, bình trà mà giáo viên tự tổ chức ngày lễ cho mình. Những lúc đó, giáo viên thường hát cho nhau nghe, rồi ôm nhau khóc. Những năm gần đây, vào ngày 20/11 cũng có ít học sinh mang quà cho tặng cô những món quà đơn sơ như quả bí, cân gạo. Đó là những kỉ niệm mà những người giáo viên cắm bản như em không bao giờ tôi quên được…”
Rời Trường TH Đăk Long, chúng tôi đến thăm Trường TH Đăk Blô (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) được gọi là vùng đất phía sau cổng trời. Nơi đây khí hậu gần như ẩm ướt quanh năm. Một năm chỉ có ba tháng nắng. Cũng như các thầy cô giáo người địa phương khác, sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm, cô Y Hạnh về lại địa phương nhận công tác từ năm 1996. Với cô những ngày đầu bước vào ngành là khoảng thời gian đầy kỉ niệm khó quên. Cô Y Hạnh chia sẻ: “Về nhận công tác tại trường Đăk Blô, nói chung hồi đó đi lại rất là khó khăn. Từ trung tâm huyện vào xã Đăk Blô phải đi bộ mất 2 ngày đường. Trường lớp thì chưa có, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nhà ở thì tạm bợ, học sinh chưa biết tiếng phổ thông. Học sinh cũng chưa có ý thức đến trường, đến lớp. Thầy cô giáo phải tới nhà học sinh vận động, giải thích và thuyết phục nhiều lần mà có khi thất bại”.
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với niềm say mê công việc, tình yêu thương đối với học trò nghèo vùng biên giới, cô Y Hạnh đã có hơn 16 năm công tác tại trường. Với lợi thế là một người dân địa phương, cô thường xuyên đến nhà các phụ huynh thăm hỏi, động viên chuyện học của con em. Đồng thời, cô còn hướng dẫn các giáo viên trẻ mới vào nghề học ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và phong tục tập quán địa phương.
Nhìn lớp học của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thủy, với những dụng cụ dạy học đều do chính tay cô làm ra, chứng tỏ rằng phong trào tự làm đồ dùng dạy học được giáo viên ở đây tham gia rất tích cực. Cũng như cô Y Hạnh, cô Thủy cũng tự nguyện lên với xã biên giới Đăk Blô này để đem con chữ cho trẻ em nơi vùng biên giới. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, cô Thủy chưa một lần đặt chân đến Tây Nguyên. Năm 2009 vừa nhận công tác tại Trường TH Đăk Blô, cô không thể nào hình dung được những nỗi vất vả mà một giáo viên ở nơi núi cao, rừng sâu này phải gánh chịu.
Thầy Nguyễn Văn Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường TH Đăk Blô, kể: “Các thầy cô giáo phải vượt qua bao nhiêu là đồi dốc, suối đèo để đến với bản làng, mang đến cái chữ cho con em đồng bào. Bây giờ có thuận lợi nhiều hơn so với trước, điều kiện đi lại có phần tốt hơn, cơ sở vật chất trường lớp cũng đã được cải thiện và được đầu tư mua sắm đảm bảo phục vụ tốt công tác giảng dạy. Phụ huynh cũng nhận thức được lợi ích từ việc học của con em mình. Một điều đáng quý hơn nữa là, có nhiều thầy cô giáo dù đã đầy đủ điều kiện luân chuyển công tác về những địa bàn thuận lợi hơn nhưng các thầy cô tình nguyện gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng biên giới, với con em đồng bào còn lắm nghèo khó này”.
Cô giáo Hoàng Thị Hải, cô Y Hạnh, hay cô Nguyễn Thị Thủy chỉ là 3 trong rất nhiều thầy cô giáo đang quyết tâm bám trường, cắm bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Đăk Glei để mang con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Với mong ước bằng tình yêu thương, trách nhiệm của người giáo viên thầm lặng “cõng chữ lên non” mang ánh sáng văn hóa cho vùng cao biên giới xa xôi còn lắm gian khó này.
Với một huyện xa xôi nhất tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Glei có hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số và có 4 xã đặc biệt khó khăn, đời sống còn nhiều khó khăn thì vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ từ các ban ngành. Bởi vậy, niềm mong ước của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Trường Tiểu học Đăk Blô, xã Đăk Blô, cũng là ước muốn của đội ngũ giáo viên nơi đây: “Mong sao trong thời gian tới chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống kinh tế của bà con, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Để rồi để bà con có điều kiện chăm lo cho con em mình đến lớp học chữ, bài trừ được các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới!”
Đại Thắng - Thanh Thảo