Những người thầy "chỉ lối, tiếp sức" cho tôi trên đường văn

GD&TĐ - Từ Khoa Ngữ văn ĐHSP TP HCM trở thành người viết chuyên nghiệp, góp bút lực phát triển văn học đương đại có thể kể: Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Thi Ca, Cù Mai Công, Nguyễn Thái Dương, Ngô Ngọc Ngũ Long, Đoàn Vỵ Thượng…

PGS.TS khoa học Bùi Mạnh Nhị, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM trong đêm thơ Người khoa Văn 7/2007.
PGS.TS khoa học Bùi Mạnh Nhị, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM trong đêm thơ Người khoa Văn 7/2007.

Những người này đã học được cách dạy từ xa, bằng tác phẩm văn chương của mình. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện học nghề của cựu sinh viên sư phạm Lê Luynh, phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.

Viết văn, làm thơ nếu được coi là một nghề thì với tôi đó là một nghề rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ ngoài cái năng khiếu trời cho anh còn phải được sống trong một môi trường đậm chất văn và còn phải được ai đó dìu dắt ân cần. Với tôi điều may mắn là tôi gặp đươc những người thầy ở Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh! Các thầy không chỉ dạy văn cho tôi mà còn đưa tôi vào nghề văn với tất cả những yêu thương, dìu dắt.

Năm 1982, tôi là sinh viên năm thứ hai chuyển từ Trường ĐHSP Huế vào Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, được chọn cùng với một số sinh viên lớp văn 2A đi sưu tầm văn học dân gian xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Duyên may được gặp thầy Bùi Mạnh Nhị - Trưởng đoàn, một giảng viên trẻ năng động nhiệt tình và rất sôi nổi với chuyện văn chương. Tôi vốn cũng là dân mê văn nên hai thầy trò sớm có những sự đồng điệu.

Thầy Trần Hoàng vui mừng nhận sách tặng của trò Lê Luynh.
Thầy Trần Hoàng vui mừng nhận sách tặng của trò Lê Luynh.

Sau nhiều ngày cùng thầy đến các gia đình nghệ nhân để ghi chép các điệu hò, câu lý tôi đã được thầy hướng dẫn cách khai thác các nguồn tư liệu văn học dân gian.

Mặc dù không được học phần văn học dân gian tại giảng đường với thầy nhưng tôi - cậu sinh viên mới, được học thầy Nhị trên thực tế sống động ở một làng quê còn đậm chất văn học dân gian Nam Bộ.

Có một lần, thầy Nhị bảo tôi, tối nào rảnh qua thầy nói chuyện chơi. Trong nhật ký 27/3/1982, tôi ghi chép về cuộc gặp gỡ này: “Chiều nay khi các bạn gái T+T nấu ăn mình qua nhà thầy Nhị chơi và nói chuyện thơ văn. Mình đọc mấy bài thơ và thầy cũng đọc thơ của thầy cho mình nghe. Thầy khuyên mình nên tiếp tục làm thơ. Nếu không thành nhà thơ, thì cũng tạo ra chất thơ trong đời sống của mình”.

Lần đầu tiên, được nói chuyện với thầy Bùi Mạnh Nhị, nhà thơ Bùi Mạnh Nhị và toàn nói chuyện về thơ văn nên lúc đó tôi rất hưng phấn đọc thơ của mình! Đó là những bài thơ tôi mới làm khi về Tiền Giang. Sau khi nghe tôi đọc xong thầy bảo tôi chép những bàì thơ ấy đưa cho thầy.

Trong nhật ký ngày 29/3/1982 tôi ghi: “Hôm nay thầy Nhị cung cấp cho mình một phương pháp phân tích thơ, để từ đấy, ngộ ra cách xây dựng hình tượng thơ! Thầy nói, giảng một bài thơ nói riêng và những tác phẩm nói chung cần phải tìm hiểu kỹ ngay từ tiêu đề.

Như “Mồ Anh Hoa Nở”. Mồ có tính chất tĩnh, còn hoa nở là động. Hai thái cực trái ngược mờ chồng thành một nhất thể sống động!”. Chuyến sưu tầm văn học dân gian kết thúc tôi trở lại với giảng đường, sách vở… mọi chuyên dần trở lại với nếp sống thường ngày.

Những người thầy "chỉ lối, tiếp sức" cho tôi trên đường văn ảnh 2

Sáng ngày 21/5/1982 khi đến văn phòng khoa thì nhận được một bưu phẩm, tờ báo Văn hóa Văn nghệ Tiền Giang. Hơi lạ! Nhưng mở ra thì quá đỗi vui mừng! Có hai bài thơ: “Với Sông Tiền” và “Cánh đồng quê em” của tôi. Đây chính là những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo, những bài được gửi đi từ tay thầy Nhị. Tôi báo tin vui cho thầy, thầy chúc mừng tôi và dặn dò: “Em làm thơ được đấy, cố lên”.

Và rồi một duyên may lại đến đó là cuộc thi thơ Tri ân Thầy Cô giáo nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam do Khoa Văn trường tôi tổ chức. Tôi không nhớ mình đã dự thi mấy bài nhưng ngày công bố kết quả tôi được giải 3 với bài thơ: “Nét chữ thầy”. Và đặc biệt, bài thơ được in trên Báo Sài Gòn Giải phóng đúng vào ngày 20 tháng 11 năm 1982 trong khuôn khổ bài viết của thầy Bùi Mạnh Nhị về cuộc thi.

Sau cửa mở của thầy Nhị, thơ tôi lần lượt có mặt trên các báo TP Hồ Chí Minh: Tuổi trẻ, Phụ nữ, Văn nghệ… tôi thành “lều thơ” của trường, được thầy Trần Hoàng đang dạy môn Ngữ Pháp đưa tôi đến tham gia nhóm văn thơ thuộc Nhà Văn hóa Lao động thành phố, một “thi đàn” sáng giá với người mới tập viết như tôi.

Để chào mừng Xuân Giáp Tý, nhóm văn thơ  được  phép ra ấn phẩm “Người thợ” do chính thầy Trần Hoàng tổ chức thực hiện. Thầy Trần Hoàng bảo tôi: “Thơ nhiều người gửi rồi, em viết văn đi ”.

Vốn chưa viết truyện bao giờ nhưng muốn có bài đăng trên ấn phẩm Xuân nên tôi liều viết truyện. Đang phân vân viết gì, thì nghe mấy bà trong xóm bàn tán xôn xao về chuyện mấy người vượt biên bị bọn xấu lừa gạt “tiền mất tật mang”. Tôi nghĩ mình viết chuyện này nhưng viết thế nào để tránh nói thẳng vào đề tài nhạy cảm.

Thế là truyện đồng thoại “Chim én mùa xuân” được viết ngay trong đêm, kể chuyện một con chim cắt dụ mấy con chim én cả tin đi tìm “đất hứa”, để rồi thành mồi ngon cho cắt. Sáng hôm sau, tôi mang đến gởi thầy Trần Hoàng.

Thầy đọc rồi khích lệ: “Em viết truyện đồng thoại được đấy nên phát huy, biết đâu sau này truyện của em được chọn đưa vào sách giáo khoa”. Sau gần 30 năm, làm theo lời thầy, đồng thoại của tôi đủ để in thành sách, năm học mới 2020 - 2021 này, đồng thoại “Cây bút và thước kẻ” được tuyển vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ  mới.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi kể lại chuyện này để tự nhắc mình “không thầy đố mày làm nên” để tri ân những người không chỉ động viên khuyến khích mà còn chỉ lối, tiếp sức cho tôi trên đường văn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.