Đời “hai sọt”
Đó là cái tên chung của họ, mà hầu hết đều là phụ nữ làm cái nghề lắm gian nan trắc trở, và cả những hiểm nguy về tính mạng cũng như tái sản này.
Mấy chục năm qua, họ đã gắn với đời mình nghề buôn thúng bán bưng, cọc cạch xe đạp, chật vật xe máy cà tàng khắp hang cùng ngõ hẻm phố thị, khắp những miền đồng quê khó nghèo, hay vùng biên viễn xa xôi. Họ chính là những người giúp cho hàng hóa, vật dụng đến được khắp mọi nơi.
Nói là hai sọt, nhưng thực chất thì mỗi chiếc xe chất đầy cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ bà con buôn làng. Những nơi có dấu xe của công ty “hai sọt” như thế này thường là các con đường làng bé tí, lắm ổ voi ổ gà hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp… mà xe hàng lớn, ô tô không thể nào đi được.
Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy cà tàng chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ là phụ nữ.
Chị Ngô Thị Liên đến từ huyện Chư Pah (Gia Lai) cho biết, đã 15 năm nay, chị gắn bó với chiếc xe cúp 50 gắn hai chiếc sọt phía sau này.
Chừng ấy năm gắn bó với nghề này là chừng ấy đêm chị thức trắng cùng những buổi chợ như thế này. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải đi xe máy khoảng 80 km xuống chợ đêm lấy hàng, rồi đưa lên khu vực thủy điện Ia Ly và thủy điện Sê San 3 bán lẻ.
Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần chị ngã dúi dụi.
Lúc ấy mới khoảng 2 giờ 30 phút sáng, khi hạt mưa còn nặng trên những triền lá thấp của vùng cao nguyên Pleiku (Gia Lai), chị Vũ Thị Huệ, 38 tuổi ở xã Nghĩa Hưng (Chư Pah, Gia Lai) đã sẵn sàng một chuyến bán hàng tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
Trong hai chiếc sọt của chị chất đầy nào cá khô, rau quả, gia vị, những thực phẩm dùng ngay được, cả những thứ để lâu được cả tháng trời như mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm và cả văn phòng phẩm như sách vở, bảng học sinh...
Những thức dùng đó chị mang vào các xã Đak Tơ Ve, Hà Tây, Đak Sơ Mei là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh để bán lại cho người dân nghèo.
Còn chị Bùi Thị Nhàn ở thôn 1, xã Chư Hdrông (TP Pleiku) gắn bó với 2 sọt hàng gần 17 năm nay. Đã qua tuổi 50 nhưng chị vẫn làm nghề vất vả này.
Chị thức dậy từ 2 giờ sáng đến chợ đêm Pleiku mua hàng hóa vật dụng rồi chất tất cả lên chiếc xe máy cà tàng đến những thôn làng xa xôi của huyện Đức Cơ.
Sau một ngày chạy xe đường trường với hai sọt hàng nặng trĩu, về tới nhà chị lại tất bật chăm sóc chồng con. Chị chia sẻ: “Cái nghề hai sọt này vất vả lắm! Nhưng được cái vui!
Mỗi sáng vào đến buôn làng, bà con đổ ra bên cạnh mình tay mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình nhà cửa, phố thị, chuyện đường sá, có khi có của ngon vật lạ họ lại mang ra đổi. Họ thương và quý vì mình thật thà, quan tâm đến họ!”.
Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, hài hước, thông tin mới kịp thời cho những người dân, người lính vùng biên giới.
Chị Ngô Thị Liên và chiếc xe hai sọt của mình.
Nụ cười và nước mắt trên đường trường lúc nửa đêm
Nếu không có các quầy hàng rong ruổi với những chiếc sọt hàng như thế thì cuộc sống của người dân nơi vùng xa, vùng khó nghèo sẽ chật vật đến đâu.
Ngày ngày, họ trông chờ vào hai sọt hàng của những tiểu thương đường trường, mà họ thường tự nhận mình là “dân hai sọt” mang đến mà thôi.
Chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng trên một tạ thường là rau quả, thịt cá, mắm muối, gạo, dầu... và không bao giờ quên bơm, keo, đồ vá săm và một chiếc gậy để phòng thân.
“Nhiều khi đường xấu nên ngã xe, hàng hóa đổ vung vãi, trời lại mưa gió, mấy người dân đi đường thấy vậy ùa đến giúp đỡ hàng, đôi lúc các bác còn mời mình vào nhà uống nước.
Có khi đi giữa đêm làm phận đàn bà bị các đối tượng chọc ghẹo, mình phải có sẵn vũ khí để chống cự, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Còn chuyện thủng săm, hư xe giữa đường là cơm bữa. chính vì thế chị em ở đây ai cũng biết sửa xe máy cả!” - Chị Huệ cười bộc bạch.
Đối với chị Huệ, chị Nhàn thì thường giấc ngủ ít khi được trọn vẹn, bởi luôn thấp thỏm sợ muộn giờ, hết những thứ hàng hóa cần thiết. Quàng vội tấm áo mưa đã bạc màu, chị cười rồi phóng vụt xe đi. Mười mấy năm gắn bó với nghề, chị đã thuộc lòng từng chỗ sụt lồi, ngoằn nghoèo trên đường vào các xã ấy.
Chị Nguyễn Thị Minh đã có hơn 13 năm gắn bó với nghề buôn bán mưu sinh trên chiếc xe hai sọt này. Vợ chồng chị Minh dường như đã quên mất nhịp sống của bao người bình thường.
Cứ thế ngày ngủ đêm thức, lấy đêm làm ngày lăn lộn mưu sinh. Chị kể, thường thường thì hai vợ chồng đi từ lúc xẩm tối để lấy hàng về chợ, đến lúc bán hết hàng về nhà thì con cái đã đi học cả.
Hai đứa con chị cũng ngoan ngoãn, thường bảo ban nhau học hành nên anh chị cũng yên tâm phần nào. Tôi hỏi làm việc vất vả thế thu nhập có khá không?
Anh chị cười giòn tan át hẳn cái lạnh đêm phố núi: “Kiếm được đồng tiền lúc nào chẳng khó khăn, nhất là trong cái thời buổi này. Mỗi đêm hai vợ chồng lăn lộn cũng kiếm được gần 200 ngàn. Vừa đủ gạo mắm và tiền học cho hai đứa nhỏ.
Cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi. Hồi đầu chưa quen cứ ngủ gà ngủ gật suốt. Giờ thì lấy đêm làm ngày thôi! Chỉ mong con cái ngoan ngoãn học hành thì vất vả mấy vợ chồng tôi cũng chịu được mà. Chúng tôi làm tất cả vì con thôi!”.
Chị kể nhiều hôm chị và các “đồng nghiệp” khác bị hỏng xe, phải nhịn đói giữa đồng không mông quạnh khiến họ khá lo ngại. Vì vậy mà mỗi lần vào buôn làng, các anh mong thấy nhà dân, thấy trẻ con vui chơi, đùa nghịch, bởi các anh tin nơi đó sẽ có những người dân thân thiện, nhiệt tình giúp chia sẻ khó khăn.
Rồi lắm hôm mưa gió đùng đùng, những chiếc xe như cục bùn di động, lăn lê bùn đất mãi có khi cả buổi chỉ chạy được hơn chục cây số.
Vui nhất với “hai sọt” như chị là nhận được sự mua hàng nhiệt tình của bà con và bắt gặp những đứa trẻ vây quanh, tíu tít cười nói bên chiếc xe cà tàng chở hàng.
Nhiều người phụ nữ buôn bán bằng hai chiếc sọt như thế này để mưu sinh và hy vọng vào tương lai tốt đẹp của những đứa con.
Mỗi khi những chuyến xe hai sọt như thế này đến các buôn làng, người dân ai cũng phấn khởi vì lại có thực phẩm tươi, chứ hàng ngày dùng thực phẩm khô mãi họ cũng chán.
Dẫu sức khỏe không bằng nam giới, thu nhập cũng không cao và lại ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng những người như chị Huệ, chị Nhàn, chị Bảo và biết bao nhiêu người phụ nữ làm nghề này trên cả nước đều chịu khó và có một nghị lực rất lớn.
Chính họ là một bộ phận không nhỏ để hàng hóa và mối quan hệ ấm áp tình người được duy trì trong bao nhiêu năm qua. Với họ, đó là những thử thách tất yếu để những con người dám bươn mình thách thức màn đêm, mưu sinh với nghề mua qua bán lại tồn tại được.
Trong đêm lất phất hơi sương lạnh, nhưng vẫn có những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên những khuôn mặt họ. Để kiếm được đồng tiền, người ta phải đánh đổi quá nhiều thứ.
Khi họ đã chọn chợ đêm làm chốn mưu sinh, họ đã chấp nhận hy sinh nhiều niềm vui của riêng mình. Và nhiều khi cũng không chỉ riêng mình họ, mà cả người thân, gia đình và kể cả là những đứa nhỏ cũng phải nương mình theo những đêm vật lộn của mẹ cha.
Kể về những nhọc nhằn bằng nụ cười ngượng nghịu, chị Liên tâm sự: “Cái giá của chừng ấy thời gian thức trắng đêm là tôi đã nuôi bốn đứa con ăn học, chỉ bằng chiếc xe 2 sọt này. Đứa lớn đã vào Đại học ở Đà Nẵng, mỗi tháng gửi khoảng ba triệu, chưa kể nhiều thứ tiền khác cho mấy đứa kia nữa…”
Tôi ước chừng cái tỷ lệ con cái học hành thăng tiến mỗi năm cũng tương đương với cấp số nhân những sọt hàng nặng trĩu của người mẹ 42 tuổi này.
Chị Liên bảo mỗi ngày chị chỉ được ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Thế là nhiều lắm rồi! Họ cặm cụi mưu sinh bất kể nắng mưa để đưa hàng hóa về với bà con và đặc biệt mong cho tương lai của những đứa con yêu của họ tươi sáng hơn họ. Riêng nỗi nhọc nhằn, vất vả chỉ riêng họ mới hiểu thấu và âm thầm chịu đựng qua tháng ngày.
Đêm lang thang phố thị, nhìn những con người cặm cụi mưu sinh dưới ánh đèn màu, tôi hiểu, với họ lam lũ cũng vì đàn con bé nhỏ, để mong sao có được cuộc sống ấm êm bên gia đình và một tương lai tươi sáng hơn.
Bởi đằng sau hàng ngàn số phận mưu sinh tại chợ đêm đó là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học, là những cha mẹ già được nuôi dưỡng, là những nhu cầu cuộc sống được đáp ứng.
Chỉ có nỗi nhọc nhằn và thiệt thòi là không thể đo đếm được, chỉ có mình họ biết, mình họ âm thầm chịu đựng mà thôi. Thi thoảng tôi nghe được đâu đó lời sẻ chia về cực nhọc một đêm của những con người lấy đêm làm ngày này. Phía hừng đông, mặt trời lên ửng đỏ, xua tan đi cái giá lạnh của đêm.