“Những người muôn năm cũ”... không cũ

“Những người muôn năm cũ”... không cũ

Gợi bao... thanh xuân

Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa đăng tấm ảnh mà ông gọi là “rất quý” lên Facebook và nhờ bạn bè chỉ giúp tên những người trong ảnh. Ngay lập tức, bức ảnh hút cả nghìn người xem cùng hàng trăm lời... “chỉ giúp”. Hai gương mặt: Trần Đăng Khoa (giữa), Phạm Tiến Duật (bên phải) nhanh chóng được nhận ra, dù rằng hình dáng Trần Đăng Khoa có phần... khác lạ. Chỉ có nhân vật bên trái đã đem lại không ít lời phỏng đoán (ngay cả ở chú thích ảnh tại triển lãm cũng không ghi) để cuối cùng mới “chốt hạ” đấy là nhà thơ Vũ Duy Thông.

Từ đây biết bao ký ức tươi vui cùng ùa về với các văn nghệ sĩ: “Trông gày gò, phải cái thời ăn bo bo?”, “Rất nhớ thời trai trẻ gian khó nên ai cũng gầy nhưng rất vui”... Cũng từ đây, mọi người cùng ồ à gọi đấy là một bức ảnh quý xưa nay vẫn lan tỏa cảm xúc, ồ à giới thiệu: “Bộ ảnh tuyệt vời anh Khoa ơi, nhìn mộc mạc và gợi nhiều kỷ niệm thời bao cấp” (Đinh Hải)..., để rồi chợt nhớ tới người đã bấm máy lưu giữ lại những khoảnh khắc thanh xuân nơi mỗi người. Đấy chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường - người vừa giới thiệu đến công chúng cuốn sách ảnh “Những người muôn năm cũ” cùng với triển lãm trưng bày 30 tấm ảnh “muôn năm cũ” tại 70 Nguyễn Du, Hà Nội.

Có mặt trực tiếp tại buổi ra mắt sách và khai mạc triển lãm “Những người muôn năm cũ”, họa sĩ Đặng Thị Khuê bảo rằng bà suy nghĩ một điều là không có khái niệm thời gian ở đây. Hầu hết những người có mặt trong bức ảnh đều là những người bà quen biết từ rất lâu. Với nữ họa sĩ, kỹ thuật chụp không hề chỉnh sửa của Hà Tường nên rất thật, có khi ông chụp mà nhân vật không hay.

Không chỉ thế, sau lời chào gặp gỡ, họa sĩ Đặng Thị Khuê còn không khỏi ngỡ ngàng khi được tác giả Hà Tường nhắc: “Có ảnh của Khuê với Bùi Xuân Phái đấy”. Liền mua cho mình một cuốn sách, bà rất vui mừng khi gặp lại “cô Khuê” của gần 40 năm trước chụp cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái tại triển lãm của ông. “Ban đầu, tôi đã nhầm bức ảnh này với những bức ảnh tôi còn lưu giữ. Anh Hà Tường đã chụp chúng lúc nào mà tôi không biết” – họa sĩ Đặng Thị Khuê cảm động bày tỏ.

Nhớ thương... tươi ròng

Không chỉ được gặp lại thanh xuân của chính mình, đây cũng là dịp để các văn nghệ sĩ “gặp” lại những người “muôn năm cũ” mà theo nhà thơ Nguyễn Thụy Kha “những người còn trên dương thế chiêm ngưỡng lại kỷ niệm cũ mà tràn ngập nhớ thương còn tươi ròng trong bức ảnh”. Nỗi nhớ thương tươi ròng của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha là những Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thu Bồn, Phương Thanh. Đấy là những người cùng hiện diện trong bức ảnh được Hà Tường chụp năm 1983 ở ngay buổi tiệc trong căn gác sân thượng nhà ông ở 60 Hàng Bông, Hà Nội nhưng nay đều đã đến cõi thiên thai.

Còn nỗi nhớ thương tươi ròng của nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thường là sự nhắc nhớ về nhà thơ Phạm Tiến Duật – người đứng bên nhà thơ Trần Đăng Khoa. Thi sĩ lừng danh với bài thơ “Tiểu đội xe không kính” cùng rất nhiều tác phẩm tài hoa khác cũng đã rời xa bạn bè gần 15 năm. Riêng với họa sĩ Đặng Thị Khuê, bà là người được sống và làm việc với bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên – Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái) ở thời tiền đổi mới. Bà cũng chính là người đã trực tiếp phối hợp với đài truyền hình tổ chức triển lãm cho các họa sĩ tài danh này cách đây 35 năm nên không lạ trước những nét cọ hay tác phẩm hội họa để đời của họ.

Thế nhưng, lần này nỗi nhớ thương tươi ròng của nữ họa sĩ với những danh họa Việt là sự ngạc nhiên khi được gặp lại những người “muôn năm cũ” ấy qua những tấm hình mà Hà Tường chớp lại trong bối cảnh tự nhiên. Đó là một ông Phái rất bình dị, một ông Nguyễn Sáng ở tư thế rất hồn nhiên, không định trước, có lẽ vì ông không hề biết cú bấm máy của Hà Tường.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê bảo rằng, cái thú vị ở mỗi tấm ảnh là ở chỗ không chỉ ghi lại chân dung mà còn giữ được cả thần thái, không gian, kỷ niệm của ngày ấy. Vì thế, dù chỉ là những tấm hình dừng ở khoảnh khắc song dường như còn sinh động hơn cả một băng hình đang chuyển động. Tất cả những trạng huống ấy, khoảnh khắc ấy có lẽ là một khía cạnh để bộc lộ rõ hơn về mỗi danh họa.

“Tôi đã được gặp bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái thân quen ở góc độ khác với những tư thế rất đời mà không khỏi xúc động trước sự tài tình của anh Hà Tường. Và trên hết sự tài tình ấy là tấm lòng nhân hậu, sự trân trọng, yêu mến của người cầm máy đối với đồng nghiệp văn nghệ của mình. Nếu không có những điều đó thì không thể có được hiệu quả cuối cùng từ những tác phẩm của mình như thế này” – Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Sách ảnh “Những người muôn năm cũ” tập hợp 150 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường chụp trong 20 năm (1975 - 1995). Đấy là những bức ảnh đen trắng quý giá chụp những khoảnh khắc rất đỗi tự nhiên, không qua chỉnh sửa của các văn nghệ sĩ, nhà khoa học... như: Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Quách Thị Hồ...; bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái...; Trần Quốc Vượng, Từ Chi...

30 bức ảnh được chọn để triển lãm tại 70 Nguyễn Du, Hà Nội tới hết ngày 3/3 đang thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tranh thủ ghé tới triển lãm, anh Trần Việt Hà (Cầu Giấy) cho biết, đến đây anh được “gặp” rất nhiều văn nghệ sĩ, nhà khoa học mà anh mới được nghe và đọc trong sách vở. “Là thế hệ trẻ, chúng tôi rất mong có nhiều triển lãm ảnh chân thực, gần gũi như thế này. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu có ai đó giới thiệu về những bức ảnh hoặc bên cạnh chúng có những dòng thuyết minh, kể những câu chuyện” – anh Trần Việt Hà đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ