Xã Bát Mọt, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) có 17 km đường biên giới với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Nhờ diện tích rừng tự nhiên khá lớn, đa dạng và phong phú mà đời sống của người dân vùng biên đã, đang ngày càng thay đổi.
Cha truyền con nối giữ rừng
Xã Bát Mọt là địa bàn cao, xa, khó khăn nhất của huyện Thường Xuân và cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 100km. Dù đường lên xã vùng biên này đã được rải nhựa phẳng lì, nhưng cũng phải mất gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới được trung tâm xã, đường đèo dốc quanh co, gấp khúc.
Ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Lang Thanh Ngọc (70 tuổi) ở bản Chiềng, xã Bát Mọt. Đây là hộ gia đình đang tham gia chăm sóc, bảo vệ 30 ha rừng tự nhiên (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân).
Năm nay đã 70 tuổi, ông Ngọc vẫn thường xuyên đi thăm rừng. Ông khỏe mạnh, dáng người vạm vỡ, săn chắc. Theo ông Ngọc, năm 1999, khi Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân, ông mạnh dạn nhận 30 ha rừng tự nhiên để chăm sóc và bảo vệ.
“Ngày ấy, các con tôi đang còn nhỏ, hai vợ chồng không có công ăn, việc làm ổn định, nên đời sống khó khăn lắm. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng, tôi đã mạnh dạn đăng ký nhận 30ha rừng tự nhiên để trông coi, chăm sóc và bảo vệ.
Từ bấy đến nay, diện tích rừng mà gia đình tôi được giao bảo vệ, chăm sóc phát triển rất tốt và cũng chưa có vụ xâm hại rừng nào xảy ra. Tôi thường căn dặn vợ, con phải thường xuyên đi thăm rừng, phát quang, xử lý thực bì để phòng chống cháy rừng xảy ra”, ông Ngọc tâm sự.
“Ngày trước, tình trạng kẻ xấu lén lút chặt phá cây rừng tự nhiên ở vùng biên giới này cũng hay xảy ra. Vì vậy, gia đình tôi quyết tâm bảo vệ thật nghiêm ngặt diện tích rừng mà mình được Nhà nước giao quản lý, chăm sóc. Tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con dân bản là phải bảo vệ rừng thật tốt.
Mình bảo vệ, chăm sóc rừng càng tốt bao nhiêu, thì rừng sẽ mang lại lợi ích cho cuộc sống của mình bấy nhiêu. Vì bây giờ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân chăm sóc, bảo vệ rừng rất tốt. Mỗi năm, từ nguồn chính sách hỗ trợ này, gia đình tôi được nhận một số tiền lớn, để trang trải cho cuộc sống, vì vậy phải quyết tâm mà giữ lấy rừng”, ông Ngọc tâm sự.
Ở gần nhà ông Ngọc, có ông Lang Hồng Chuynh (64 tuổi), cũng là hộ gia đình đang tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên được Nhà nước giao khoán.
Theo ông Chuynh, ngày trước khi Nhà nước giao đất, giao rừng, do điều kiện của gia đang rất khó khăn và con cái còn nhỏ, nên không dám nhận nhiều. Hiện nay, gia đình ông chỉ có 3,8ha đất rừng, trong đó có 1,8 ha rừng tự nhiên và 2 ha rừng trồng.
“Mặc dù diện tích đất rừng ít, nhưng ngày trước, mình là Bí thư chi bộ, nên luôn tuyên truyền cho các đảng viên và bà con trong bản là phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bây giờ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền cho người dân bảo vệ rừng rồi, thì càng phải làm thật tốt.
Tôi cũng căn dặn các con trai, nếu sau này bố già yếu đi, các con phải thay bố làm việc đó, và đến khi các con cũng già yếu như bố, thì phải truyền lại cho đời cháu, chắt...để mà giữ lấy rừng, vì nó đem lại lợi ích cho cuộc sống của mình”, ông Chuynh chia sẻ.
Hưởng lợi từ rừng
Ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt thông tin, xã có gần 900 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp và có một số ít làm dịch vụ kinh doanh hàng hóa. Do đó, mức thu nhập bình quân của người dân xã Bát Mọt hiện mới đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Cũng theo ông Thiện, từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên, thì bà con địa phương rất phấn khởi. Chính sách ấy đã thúc đẩy tinh thần tự nguyện của người dân trong công tác giữ gìn an ninh rừng.
“Người dân đã nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ tài nguyên môi trường rừng rất tốt. Khi phát hiện vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh rừng, bà con nhân dân chủ động báo cáo chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan để cùng nhau ngăn chặn, giải quyết. Do đó, thời gian qua, trên địa bàn xã không xảy ra việc xâm lấn rừng trái phép”, ông Thiện chia sẻ.
“Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã phối hợp với các ngành chức năng, như: Bộ đội Biên phòng, lực lượng khu bảo tồn thiên nhiên, công an, người dân và cả lực lượng chức năng của huyện Sầm Tớ (nước bạn Lào) triển khai công tác tuần tra, bảo vệ an ninh rừng rất thường xuyên, chặt chẽ. Do đó, tình hình an ninh rừng trên địa bàn được đảm bảo an toàn, không xảy ra vụ việc đáng tiếc”, ông Nguyễn Văn Bính - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân thông tin.
Thấm đượm tình hữu nghị
Để phối hợp với nước bạn Lào giữ gìn an ninh rừng và biên giới, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, Đồn Biên phòng Bát Mọt, cán bộ, nhân dân xã Bát Mọt thường xuyên phối hợp với Đội Kiểm lâm huyện Sầm Tớ, Công an cửa khẩu Thà Lấu, Trung đội Biên phòng 216, Cụm trưởng cụm Phôn Xay (Lào) tổ chức tuần tra, giữ yên biên thùy.
Hồi tháng tư vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân phối hợp với Phòng Nông lâm, Đội Kiểm lâm huyện Sầm Tớ, tổ chức tuần tra rừng song phương, giao ban công tác phối hợp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) khu vực biên giới hai huyện Thường Xuân - Sầm Tớ (tỉnh Hủa Phăn, Lào).
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện bạn, tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, với mục đích giữ rừng, bảo vệ bình yên khu vực biên giới. Vừa qua, đơn vị chúng tôi cũng vừa phối hợp với phía bạn, do ông Thon Su Văn Tay - Trưởng phòng Nông lâm huyện Sầm Tớ làm trưởng đoàn đã tham gia tuần tra rừng và hội nghị giao ban.
Tại cửa khẩu Khẹo - Thà Lấu, hai bên thống nhất tuyến tuần tra, chia đội hình tổ chức kiểm tra rừng song phương. Qua cuộc tuần tra, cho thấy tình hình an ninh rừng khu vực biên giới hai huyện cơ bản ổn định.
Không phát hiện có dấu hiệu khai thác lâm sản trái pháp luật, không có cháy rừng, không có xâm canh, xâm cư trái phép qua biên giới. Đặc biệt, cột mốc giới quốc gia được xây dựng kiên cố, bảo vệ an toàn”, ông Bính chia sẻ.
Cũng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, sau khi kết thúc tuần tra rừng, hai bên đã tổ chức hội nghị giao ban để trao đổi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình phối hợp BVR, PCCCR khu vực biên giới hai huyện. Đồng thời, thông tin cho nhau biết về những nỗ lực, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và giữ bình yên khu vực biên cương.
“Tại cuộc giao ban ấy, ông Thon Su Văn Tay - Trưởng phòng Nông lâm huyện Sầm Tớ (Lào) cho biết, huyện Sầm Tớ đã thành lập Ban Quản lý bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng, bảo vệ thủy sinh cấp huyện. Đồng thời, chỉ đạo các cụm bản tuyên truyền cho người dân sinh sống ở khu vực biên giới không phát rừng già làm nương rẫy, không canh tác, phát đốt nương rẫy cũ gần biên giới...
Trong phối hợp bảo vệ rừng giữa hai bên, huyện Sầm Tớ đã được các huyện giáp ranh, Bộ đội Biên phòng Việt Nam giúp đỡ, tập huấn, hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật BVR, PCCCR... Trong thời gian tới, huyện bạn rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về kinh phí tập huấn và tuyên truyền để người dân bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Bính thông tin.
Việc phối hợp với các đơn vị chức năng và người dân nước bạn Lào để tuần tra, bảo vệ rừng, giữ sự bình yên nơi biên giới, đã thể hiện tình hữu nghị gắn bó keo sơn của nhân dân hai nước Việt - Lào.
“Khi được hưởng lợi từ rừng thì người dân tự nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ an ninh rừng rất tốt. Nhiều gia đình ở huyện Thường Xuân đã có cuộc sống ổn định nhờ chính sách của Nhà nước về hỗ trợ công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bà con sẽ tự nhận thấy giá trị thực tế, lợi ích trong cuộc sống... Do đó, tình hình an ninh rừng ở huyện Thường Xuân, đặc biệt là khu vực biên giới ngày càng được giữ vững”, ông Nguyễn Văn Bính - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết.