Những ngôi mộ trong khuôn viên trường học

GD&TĐ - Những khu mộ chung của người dân địa phương tồn tại hàng chục năm nay trong khuôn viên trường học là nỗi ám ảnh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh. 

Những ngôi mộ trong khuôn viên trường học

Điều đáng quan tâm là trong nhiều năm nay, người dân vẫn tiến hành chôn cất người chết tại đây, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, vệ sinh môi trường khu vực trường học và tâm lý lo sợ cho giáo viên, học sinh.

Ngành GD-ĐT địa phương, nhà trường đã liên tục kiến nghị di dời các khu mộ ra khỏi khu vực trường học nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ám ảnh và bất an

Giáo viên, học sinh Trường TH Lê Hồng Phong (xã Ia Trôk, huyện Ia Pa, Gia Lai) hàng chục năm nay luôn phải dạy và học “trong nỗi sợ hãi”, các khu mộ chung của người dân địa phương cứ mở rộng lấn dần sang các dãy phòng học, nhà công vụ của giáo viên.

Đến nay, khu mộ chung chỉ còn cách vài ba bước chân, nằm sát các dãy phòng học. Mỗi khi có người chết, người dân lại mang vào chôn là nỗi lo sợ cứ ám ảnh mãi, ảnh hưởng đến việc học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên – Giáo viên môn Mỹ thuật (Trường TH Lê Hồng Phong), cùng chồng và con nhỏ gần 3 tuổi sống tại khu nhà công vụ nhà trường luôn bị ám ảnh với khu mộ chung trong khuôn viên trường.

10 năm về dạy tại trường, tâm trạng cô luôn bị ám ảnh về khu mộ, nhất là từ khi lập gia đình, sinh con nhỏ thì nỗi lo sợ càng lớn hơn. “Mỗi khi có người chết đưa vào chôn cất trong khu mộ là gia đình phải đóng cửa bỏ đi nơi khác sống vài ba hôm rồi mới dám trở về. Nếu không mượn được chỗ sống tạm thì đóng cửa suốt ngày, không dám mở, bước ra ngoài” - Cô Nguyên cho hay.

Theo nhiều giáo viên trong trường, khu nhà mồ được chôn theo hủ tục của người Jrai làng Bôn Tông Se. Một ngôi mộ chung dành chôn cất cho hàng chục người, hễ có người chết, qua đời là người dân đập nắp khu mộ, đặt người chết vào khu mộ, rồi đậy nắp lại. Khu nhà mồ này được hình thành từ sau giải phóng. Trong mỗi ngôi mộ lại có đến hàng chục bộ hài cốt được chôn chung với nhau.

Cô Nguyên cho biết: Theo tục lệ ma chay của làng, khi trong làng có người chết, người thân và làng xóm sẽ đặt thi thể người mất vào quan tài đục bằng thân cây rồi chôn xuống lòng đất.

Và khi trong làng có người khác chết, họ lại tiếp tục đào ngôi mộ mới chôn kia ra, để đặt thi thể người mới mất chôn chung cùng trong ngôi mộ của người đang nằm trong quan tài kia.

Hiện nay, những khu mộ chung này không còn được làm bằng thân cây nữa mà được xây bằng xi măng, gạch đá ngay trên mặt đất. Cứ như vậy, những người chết trong làng sẽ được chôn cùng một quan tài, trong một ngôi mộ cho đến khi… đầy hài cốt thì thôi.

“Việc tổ chức chôn cất người quá cố của người dân nơi đây thường kéo dài nhiều ngày. Trong những ngày này, họ tổ chức làm lễ, ăn uống, suốt ngày đêm nên buộc nhà trường phải cho học sinh nghỉ học” - Cô Nguyên nói.

Cần sớm quan tâm giải quyết

Theo cô Mai Thị Tuyết - Hiệu trưởng, khu nhà mồ này có từ trước khi thành lập trường, đến nay vẫn còn chôn cất, gần đây nhất là vào năm 2016.

Vì nhà mồ nằm ngay trong trường nên mỗi khi có đám ma là trường phải cho học sinh nghỉ học để làng tổ chức ma chay, rồi sau nhà trường lại lên kế hoạch dạy học bù cho học sinh.

Mỗi lần như vậy, môi trường trong trường học đều rất mất vệ sinh, mùi rượu và thức ăn thừa bốc lên, giáo viên trong trường phải ra dọn sạch sẽ rồi mới cho học sinh đi học được.

Cô Tuyết cho biết: Để trả lại môi trường trong lành, cũng như khuôn viên trường học, nhà trường đã kiến nghị với chính quyền xã Ia Trôk sớm di dời khu mộ nhưng đến nay vẫn chưa di dời được. Mong rằng, chính quyền địa phương kịp thời quan tâm, có hướng giải quyết để giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy, học tập.

Trao đổi về vấn đề này với lãnh đạo chính quyền xã Ia Trôk, bà Võ Thị Liễu – Bí thư Đảng ủy xã Ia Trôk - cho hay: Trong thời gian qua, lãnh đạo, chính quyền UBND xã Ia Trôk cũng đã nhìn nhận được vấn đề này và tích cực vận động nhân dân di dời khu nhà mồ ra khỏi khuôn viên trường, tuy nhiên gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn nên chưa giải quyết được.

Hiện nay, với quyết tâm trả lại lên môi trường, khuôn viên cho trường học, chính quyền địa phương đang khẩn trương tìm quỹ đất, xin thêm nguồn kinh phí để di dời khu mộ ra khỏi trường học.

Theo thầy Phạm Văn Đức – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Pa, hiện nay trên địa bàn huyện Ia Pa không chỉ duy nhất Trường TH Lê Hồng Phong có khu mộ chung nằm trong khuôn viên, mà còn 3 ngôi trường khác cũng gặp phải tình trạng này.

Tuy nhiên, vấn đề ở Trường TH Lê Hồng Phong có phần nổi cộm hơn vì người dân vẫn đưa người chết vào chôn trong khu mộ, còn những khu mộ ở các trường khác thì đã chấm dứt.

Trước vấn đề này, ngành GD&ĐT cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều lần với chính quyền địa phương sớm giải quyết nhưng đến nay chưa thể giải quyết.

“Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia Pa đã có buổi làm việc với Phòng GD&ĐT huyện để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017 – 2018, nhân đây, ngành GD&ĐT huyện cũng đã có kiến nghị, đề xuất phương án giải quyết.

Đến ngày 20/4/2017, Bí thư Huyện ủy đã có văn bản gửi các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện. Chính các xã cũng yêu cầu nhanh chóng giải quyết về việc giải tỏa, di dời nhà dân và khu nhà mồ trong khuôn viên của 4 đơn vị trường học.

Bởi vậy, ngành GD&ĐT huyện Ia Pa mong rằng chính quyền địa phương sớm quan tâm giải quyết, giúp các trường học ổn định hoạt động, giáo viên, học sinh yên tâm dạy học” - Thầy Đức bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ