Đặc biệt hơn, sau 70 năm, những cảm xúc ấy được tái hiện tại Thành phố mang tên Bác qua chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, mở ra các không gian lịch sử hào hùng, sâu lắng.
Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh thêm nhộn nhịp khi là nơi tổ chức 2 triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau” và “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam”.
Trong đó, triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội - Di sản cho mai sau” đem đến góc nhìn khái quát về khu di sản Hoàng thành Thăng Long với hệ thống các di tích, công trình và các giá trị nổi bật toàn cầu; giới thiệu các hiện vật khảo cổ học, vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt hoàng cung.
“Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Ngày lịch sử ấy đã đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, trở thành một dấu ấn xúc động không quên đối với các thế hệ người dân Việt Nam” - Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành.
Cùng với đó, triển lãm còn giới thiệu các hoạt động, kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản từ năm 2010 đến nay.
Đặc biệt, người tham quan có dịp được chiêm ngưỡng các bảo vật quốc gia như phiên bản trống đồng Cổ Loa, đây là món quà ý nghĩa mà lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng cho TP Hồ Chí Minh; hay bát in nổi hình rồng làm từ gốm men trắng với những họa tiết thể hiện các ý nghĩa văn hóa từ ngàn đời của người Việt Nam.
Ngoài ra, khách còn có thể tham quan hệ thống di tích và di vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long qua hơn 1.000 năm lịch sử như: Kỳ Đài, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu…; nhìn ngắm hiện vật cổ tiêu biểu như ngói ống tạo hình rồng bằng men, tượng đầu rồng trang trí góc mái thời Lê Sơ, ngói ống lợp diềm mái trang trí hình rồng…
Ý nghĩa và giá trị của hình tượng rồng, phượng được thể hiện rõ qua các hiện vật khảo cổ học, kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt hoàng cung qua các triều đại… Nhất là, các diễn giải làm nổi bật một số hiện vật tiêu biểu như bát in nổi hình rồng bằng gốm men trắng, mô hình kiến trúc thời Lê Sơ (thế kỷ XV) bằng ứng dụng công nghệ hiện đại, đem đến cho du khách những hiểu biết đầy đủ hơn về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Đến cùng hai con khi Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa mở cửa, chị Phạm Thị Mai (42 tuổi, ngụ Quận 6) dẫn các con tham quan và làm “thuyết minh viên” để các bé hiểu thêm về lịch sử Kinh đô Thăng Long.
“Nhân kỳ nghỉ lễ, tôi dẫn hai con đi tham quan triển lãm, nhất là với những nội dung trưng bày về các di tích lịch sử các con chưa biết. Đi tới đâu tôi giới thiệu về các hiện vật tới đó. Hôm nay, các con học hỏi được nhiều điều hay và cảm thấy thú vị hơn vì được trải nghiệm góc nhìn mới. Đó là cách triển lãm khéo léo kết hợp giữa các hiện vật lịch sử và công nghệ số, tái hiện sống động các cổ vật”, chị Mai nói.
Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” thì giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa, từ khi học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước.
Triển lãm mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống và các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu “3D mapping”, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo (AI)... tạo điều kiện cho người xem tiếp cận quá trình hình thành và triết lý Nho giáo một cách sinh động.
Ông Nguyễn Gia Khánh (62 tuổi) từ Long An lên TP Hồ Chí Minh tham quan triển lãm. “Tôi tình cờ coi được trên tivi sự kiện này nên khi có cơ hội, tôi đã chạy từ dưới quê lên để được thấy Hà Nội ngay tại TP Hồ Chí Minh qua đó mở rộng kiến thức và tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam. Xem xong triển lãm, tôi nhớ đến Hà Nội và muốn đặt chân tới Thủ đô trong mùa Thu này”, ông Khánh nói.
Từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, chị Bùi Thị Hợi (30 tuổi, Quận 1) dẫn chị gái cùng hai cháu Minh Khang (5 tuổi) và Minh Anh (3 tuổi) đến tham quan các di tích lịch sử và thưởng thức chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”.
Chia sẻ về lý do đưa các bé đến tham quan các triển lãm, chị Hợi cho biết, mặc dù các bé còn nhỏ nhưng gia đình luôn ý thức được việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các con.
“Các con hào hứng khi tham quan bảo tàng, rất thích xem các mô hình, xe cộ ở bảo tàng… Đặc biệt, việc TP Hồ Chí Minh tái hiện hình ảnh Hà Nội xưa giúp cho người dân ở thành phố cũng như các tỉnh miền Nam chưa có điều kiện ra Hà Nội hiểu rõ hơn về đất Hà thành - một Hà Nội xưa và một Hà Nội phát triển như ngày hôm nay”, chị Hợi chia sẻ.
Hồi ức tươi đẹp
Trong khuôn khổ chương trình, tại khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng diễn ra trưng bày ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm giới thiệu các hình ảnh và tư liệu tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; hình ảnh, quy mô, tầm vóc phát triển của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Điểm nhấn của triển lãm nằm ở không gian tổ chức với nhiều khu vực đặc sắc. Trong đó, không gian “Hào khí Thăng Long” được thiết kế với cổng chào tái hiện biểu tượng Hà Nội và Tượng đài Cảm Tử, tạo nên không khí trang trọng và đầy ý nghĩa. Đặc biệt, di sản cầu Long Biên cũng được tái hiện tại đường hoa Nguyễn Huệ, nơi toàn bộ triển lãm hình ảnh được trưng bày, làm nổi bật một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.
Bên cạnh đó, các cảnh tiểu cảnh như Trung thu Hà Nội, hồ Gươm, phố Bích họa Phùng Hưng, sắc hoa Hà thành và trụ sở Báo Hànộimới đã làm phong phú thêm không gian sự kiện, mang đến cho người dân miền Nam cơ hội trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, vẻ đẹp của Hà Nội.
Tham quan triển lãm trưng bày ảnh tư liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Thành (89 tuổi, ở Quận 5) nhớ lại ký ức năm xưa khi tham gia Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô.
Ông Thành kể, cách đây 70 năm (tháng 7/1954), Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) thành lập Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô với hơn 300 đội viên, do ông Vương Bích Vượng (Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam) làm đội trưởng.
Các đội viên được chọn là học sinh cuối cấp trung học phổ thông trong các trường trung học kháng chiến thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra, đều là những cán bộ Đoàn, giỏi công tác xã hội. Trong đó, có một số đội viên biết tiếng Pháp để có thể giao tiếp với sĩ quan và nhân viên người Pháp khi tiếp xúc.
“Vinh dự được chọn vào Đội Thanh niên, tôi được lên Việt Bắc để học tám chính sách của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào vùng mới giải phóng; những vấn đề về thành thị; 10 điều kỷ luật trước khi vào tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của đội.
Sau khi học xong, hơn 300 đội viên được chia thành 30 phân đội, di chuyển về Thủ đô Hà Nội làm 3 đợt: Ngày 6/10, ngày 8/10 và ngày 9/10/1954. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là hỗ trợ quân đội tiếp quản những cơ sở được bàn giao lại; tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước ta, vạch trần những luận điệu phản tuyên truyền của địch; vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sôi nổi đón bộ đội và ban quân quản về tiếp quản Thủ đô.
Vào đến Hà Nội, tôi được phụ trách quản lý khu vực nhà thờ thành phố và chợ Đồng Xuân. Tôi có nhiệm vụ vận động dân ở khu phố mình phụ trách may cờ, viết khẩu hiệu trên chợ để chào đón bộ đội về. Lúc đó, tôi và các cô gái khác leo lên trên cao để viết khẩu hiệu, mỗi người đều hào hứng khi thành phố sắp được giải phóng”, ông bồi hồi kể lại.
Là người con của Thủ đô nghìn năm văn hiến, chị Nguyễn Minh Trang (35 tuổi, ở TP Thủ Đức) xúc động khi thấy cầu Long Biên được tái hiện tại triển lãm.
“Với người Hà Nội như tôi cùng nhiều người dân đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh, triển lãm về ngày 10/10 là dịp để chúng tôi nhìn lại để biết ơn các thế hệ đã hy sinh thân mình giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô, để tự hào về Thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến.
Nhìn cầu Long Biên cổ kính và đọc thêm các tư liệu lịch sử, tôi càng hiểu rõ hơn vì sao cây cầu là một chứng tích bền bỉ và trung thành với Thủ đô văn hiến, trái tim của cả nước, gắn chặt với ký ức hào hùng của con người và vùng đất này”, chị Trang chia sẻ.
Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Quận 3) cũng diễn ra triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Triển lãm tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa - nghệ thuật, ứng dụng công nghệ số giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho các em học sinh tại TP Hồ Chí Minh; cùng các hoạt động khác như tô màu di sản, in mộc bản chữ và hoa văn trên bia tiến sĩ, hỏi đáp AI với cụ rùa... Qua đây, các em nhỏ được giáo dục về tinh thần hiếu học với những giá trị truyền thống trong học tập có từ lâu đời, tinh thần tôn sư trọng đạo, trọng dụng nhân tài và tôn vinh những đóng góp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với văn hóa dân tộc.