Điển hình như trường hợp Lan phu nhân (nhân dân thường gọi là Nguyên phi Ỷ Lan), bất ngờ trở thành vợ của vua Lý Thánh Tông trong một chuyến nhà vua đi du ngoạn ở vùng Kinh Bắc.
Bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng, năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066), vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai, thường đi các đền chùa để cầu tự. Mỗi khi ngự giá đến đâu, người xem chật đường.
Khi đến làng Thổ Lỗi (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay), có người con gái hái dâu đứng tựa vào khóm cỏ lan, nhà vua lấy làm lạ, cho vời vào cung lập làm Lan phu nhân.
Đến khi phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông sau này), vua Thánh Tông mừng lắm. Ngày hôm sau lập hoàng tử làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong Lan phu nhân làm thần phi, lại gọi là nguyên phi. Sau đó vua cũng cho đổi làng Thổ Lỗi làm làng Siêu Loại, vì là sinh quán của nguyên phi.
Sau khi Lý Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên kế vị, đã phong Nguyên phi lên làm Hoàng Thái phi rồi Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Bìa cuốn truyện tranh Ỷ Lan Nguyên phi của NXB Trẻ.
Một người con gái hái dâu khác cũng bất ngờ được vị quân vương để mắt rồi trở thành phu nhân quyền quý của chúa Nguyễn, sau này được truy phong lên là Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Đó là người con gái họ Đoàn, con gái thứ ba của Thạch quận công Đoàn Công Nhạn và phu nhân Vũ Thuận Hòa, quê ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Bộ sách Đại Nam liệt truyện, quyển Truyện các hậu phi, cho biết, bà là người "tính linh mẫn", lúc 16 tuổi, nhân đêm trăng đi hái dâu ở bãi sông, ngắm trăng mà hát, gặp lúc Thế tử Nguyễn Phúc Lan theo hầu Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vào tuần tra Quảng Nam, đêm trăng xuống đi thuyền câu cá.
Nghe người con gái hát rằng "Tai nghe chúa ngự thuyền rồng. Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa", Thế tử lấy làm lạ, sai người tìm hỏi, biết là con gái họ Đoàn, bèn cho vào hầu nơi tiềm để. Sau Thế tử nối ngôi cha, dân chúng Đàng trong gọi là Chúa Thượng, bà cũng trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.
Đoàn phu nhân là người tính tình mẫn tuệ, hiền thục nên được chúa rất sủng ái. Bà sinh được một con trai là Nguyễn Phúc Tần, sau này nối ngôi chúa, dân gian gọi là Chúa Hiền, đến đời vua Gia Long đã truy phong chúa là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế.
Sử nhà Nguyễn ghi rõ bà mất ngày 17 tháng 6 năm Tân Sửu (1661), táng tại lăng Vĩnh Diên ở làng Chiêm Sơn, ở gò Cốc Hùng, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, truy tôn chúa Thượng là Hiếu Chiêu Hoàng đế, miếu hiệu là Thần Tông, bà cũng được truy phong là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Còn sách Kể chuyện về các vua Nguyễn của tác giả Tôn Thất Bình (NXB Văn hóa Thông tin, 2008) kể chuyện “kiếm vợ” của Thành Thái cũng rất độc đáo.
Đó là vào một ngày Tết Nguyên đán, nhà vua cải trang thành dân thường, tính đi “liều” lên Kim Long để tìm chọn một quý phi. Đến nơi nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò ra về.
Vua Thành Thái để lại giai thoại "kiếm vợ" ở đất Kim Long khá ly kỳ.
Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô lái đò, khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng nhà vua bỗng xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ lùng... Ông gọi cô gái đang ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”.
Cô lái đò nhìn ông khách lạ đời đáp: "Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chứ!". Thấy thế, vua Thành Thái đổi giọng: “Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”.
Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ chỗ khác. Một quan khách qua đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như vừa mới dự lễ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo cô lái đò: “Nì, o tê! O cứ nói “ưng” để coi thử nờ!”. Và cô lái đò đánh bạo nói: “Ưng!”.
Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo: "Rứa thì quý phi ngồi nghỉ để trẫm chèo cho!". Nói rồi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên, vui vẻ của mọi người...
Đến trước kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người: "Thôi thiên hạ đứng dậy trả tiền đò cho trẫm và tiễn đưa quý phi vào cung". Vậy là cô lái đò làng Kim Long vào nội cung, làm quý phi của vua Thành Thái.
Tác giả Tôn Thất Bình cũng cho rằng từ câu chuyện này mà dân gian mới sáng tác ra câu ca dao:
Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê một nàng kiều nữ đất Kim Long là con gái út của Vĩnh quốc công Nguyễn Hữu Độ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm Huyền phi, sinh hạ được hai người con.