Những mùa bão lụt

GD&TĐ - Tôi sinh ra nơi “rốn bão” miền Trung. Ngày tôi mở mắt chào đời cũng vào một đêm mưa bão. Mẹ tôi suýt chết vì không có bà mụ nào dám ra khỏi nhà đi đỡ đẻ cho mẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cha phải tự loay hoay làm lấy mọi việc trong khi ngoài trời giông gió gầm gào, giật rung từng hồi căn nhà tranh vách đất. May mà cha tôi tháo vát. May mà tôi “phước lớn, mạng lớn” nên cuối cùng cũng bật được oe oe tiếng khóc chào đời…

Tuổi thơ tôi đi qua suốt những mùa mưa bão. Miền Trung hiếm có năm nào không hứng bão. Những cơn bão đổ vào từ biển Đông năm to năm nhỏ.

Có năm còn hai ba trận. Mỗi trận bão đi qua luôn để lại cảnh hoang tàn đổ nát, rào giậu tiêu điều, vườn tược xác xơ. Ráng nhặt nhạnh, vá đắp, dựng xây vừa tạm yên yên đã lại phải đối mặt cùng cơn bão mới! Người ta nói: Người miền Trung cứ nghèo mãi, cực mãi là vì vậy.

Đổ mồ hôi sôi nước mắt cày cuốc tích cóp cả năm trường - lơ mơ chỉ một trận bão đi qua là… trắng tay! Chưa kể bão còn kèm theo mưa to gây lũ lụt. Nỗi ám ảnh về sự tàn phá của lũ lụt - người “anh em sinh đôi” của bão - đối với người miền Trung cũng không hề kém cạnh bao nhiêu… 

Ngày nhỏ nghe tới bão lụt thì thích, bởi háo hức theo kiểu trẻ con - như sắp được xem… chuyện lạ! Đứa trẻ cứ thắc mắc không hiểu vì sao qua mỗi mùa mưa bão tóc cha lại thêm nhiều sợi bạc, trán mẹ lại hằn thêm chi chít nếp nhăn? Ngày tôi mới “trổ giò” bước vào tuổi thanh niên (hơi quá khổ chiều cao), cái khung cửa căn nhà gạch cũ cha xây thấp tè - ra vô bôm bốp đụng đầu nếu quên khom - đã khiến tôi không ngớt càm ràm mỗi khi u đầu do sơ ý.

Tôi càm ràm cha mẹ không biết tính, cất chi cái nhà thấp, cửa nẻo ra vô phải khom chui như… hang chuột, bực bội quá chừng! Cha nghe, cười nụ không giải thích, còn mẹ khẽ khàng: Xứ mình quanh năm giông bão, nhà toàn vách đất vách vôi, xây cao cho bão nó thổi bay na (à) con? À, ra vậy, hèn chi thử rảo một vòng quanh xóm, những căn nhà cũ còn sót được xây từ lớp cha ông căn nào cũng thấp, giống y nhau… 

Tôi trưởng thành, lấy vợ sinh con, có gia đình riêng phải cưu mang, bắt đầu hiểu ra những nỗi nhọc nhằn cha mẹ phải một đời nếm trải.

Trận lụt kinh hoàng năm 1993, cả nhà tôi suýt chết chìm nếu nước không “thương” đưng (dừng) lại khi chỉ còn cách cái rầm (gác) đất gia đình tôi leo “tị nạn” độ chừng hơn tấc! Hoàn hồn xong lụt là đến bão. Cơn bão Kyle đổ bộ Phú Yên với sức gió cấp 10 giật trên cấp 12 đã nháy mắt lột sạch mái ngói căn nhà gạch cấp 4 cũ kĩ do mẹ cha xây.

Cùng đường, cả nhà người lớn trẻ con chỉ còn biết ôm nhau trốn dưới gầm chiếc phản gỗ với niềm hi vọng mong manh: May ra có nhà sập cây đè hoặc ngói phang thì cũng còn chút cơ may sống sót! Đêm kinh hoàng đó, vợ chồng tôi run bần bật trong khi lũ trẻ cứ vô tư ngủ ngon lành trong vòng tay ấm mẹ cha.

Kí ức ùa về, chợt nhớ tới cảnh ngày thơ ấu - vô tư háo hức cười reo mỗi lần có “thiên tai”, trong khi các đấng sinh thành mặt tái xám, tái xanh - nghĩ mà thương mẹ cha xưa đến quặn lòng!

Kí ức qua lâu rồi. Mẹ cha cũng đã ra người thiên cổ. Một đời chắt chiu dành dụm cuối cùng tôi cũng ráng xây được căn nhà gác mái bằng để thi gan cùng lụt bão miền Trung. Năm nay bão lại về.

Lần này thì đỡ run hơn nhờ cửa nhà vững chãi, nhờ thông tin chính xác về diễn biến bão từ các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, đã là người miền Trung thì không bao giờ có thể quẳng hoàn toàn gánh lo đối với thiên tai. Cuộc chiến ấy chắc chắn không bao giờ có hồi kết. 

Không sao, người miền Trung bao thế hệ gần như đã sinh ra, trưởng thành trong giông bão, đã “thấm” từ trong máu thịt cách sống chung cùng lụt bão. Cho dù cái giá phải trả đương nhiên cũng không phải nhẹ nhàng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.