Những môn học khác lạ ở trường phổ thông không phải nước nào cũng có

HS Đức có thể tham gia làm tình nguyện viên trong môn học hạnh phúc.
HS Đức có thể tham gia làm tình nguyện viên trong môn học hạnh phúc.

Hạnh phúc (Đức)

Làm thế nào để hạnh phúc? Nhiều người trong chúng ta muốn biết điều bí mật này. Tại Đức, trẻ em học để sống hòa hợp với chính bản thân và thế giới tại trường học. Các bài học về hạnh phúc đã có mặt tại hơn 100 trường học. Không có thi cử đối với môn hạnh phúc nhưng trong năm HS cố gắng biến dự án về lòng tốt của mình thành hiện thực. Ví dụ, các em quay một video khiến ai đó vui hơn và có thể trở thành tình nguyện viên một tổ chức từ thiện.

Ngoài Đức, một số trường ở Bhutan, Crete và Australia cũng dạy môn này. Ở Australia, môn này được gọi là “GD tích cực”, dựa trên nghiên cứu của Martin Seligman – người vẫn tích cực tìm kiếm con đường dẫn tới hạnh phúc.

Khám phá (Mỹ)

Đây là một môn học thực tế. HS có thể đi tới các nơi trong thị trấn, ví dụ tới một trang trại địa phương, chợ, nhà hàng hay nhà máy xử lý rác. Bài học diễn ra một tuần một lần và kéo dài 5 giờ. Sau mỗi chuyến đi, GV thảo luận về phần lý thuyết của bài học. Nếu bài học về thực phẩm, trẻ em được tìm hiểu thực phẩm đến từ đâu, giá cả ra sao, cách trồng rau v.v…

Sau khi biết được thông tin, HS “mở một nhà hàng”, các em mua và chuẩn bị thực phẩm, phục vụ bàn ăn và tự dọn dẹp. Ngoài ra, môn này thường bao gồm phát triển thương hiệu của nhà hàng, nghiên cứu hệ thống sản xuất thực phẩm, tính toán lợi ích của thực phẩm, thu hoạch và học cách thuê nhân công.

Truyền thông (Tây Ban Nha)

Truyền thông là môn bắt buộc ở Tây Ban Nha đối với HS từ lớp 3 tới lớp 11. Trong môn học này, HS được xem phim, nói chuyện về các tình huống khác nhau. Các chủ đề như giao tiếp với người khác, giải quyết các vấn đề khác nhau sẽ được thảo luận. Trẻ em sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc và lắng nghe người khác. Mỗi tuần, họ đều thảo luận về các vấn đề nghiêm trọng của xã hội.

Một môn học tương tự cũng có mặt ở Israel. Theo đó, một số HS chia sẻ điều khiến họ lo lắng và cả lớp sẽ thảo luận các giải pháp để giải quyết.

Nội trợ và làm khách hàng (Thụy Điển)

Môn học nội trợ này không chỉ dành cho các bé gái mà còn cho các bé trai. Mọi người ngồi cùng nhau, may vá, dùng búa, đóng chuồng chim… Tất nhiên, các em còn học nấu ăn nữa. Đặc biệt, HS ở đây còn có một lớp lý thuyết là: quy tắc ăn uống lành mạnh, tính toán các chất dinh dưỡng quan trọng và thậm chí là lập ngân sách.

Những cô cậu bé Thụy Điển được coi như người lớn: các em được dạy phải tiết kiệm và tự lập. Vì vậy, cùng với môn nội trợ, GV còn nói kỹ năng làm khách hàng. Thực tế, điều này có nghĩa rằng HS học về quyền của mình và cách đấu tranh trong một cửa hàng hay trong một văn phòng.

Học trong rừng (Anh)

Ở trong rừng nhưng ngay từ nhỏ, HS Anh lại cảm thấy như ở nhà. Từ bé, các em đã biết cách định hướng trong rừng, cưa cành cây, đốt lửa, dựng chòi, phân biệt các loài cây có thể ăn được. Tại một số trường, các em được học trong rừng hàng ngày. Việc này có thể diễn ra dễ dàng vì có một khu “rừng” nhỏ (một khu vực có cây) không xa trường học và chỉ cần đi bộ 10 phút.

Tranh luận (Hà Lan, Israel)

Ở Hà Lan, những bài học này được dạy trong các lớp ngôn ngữ. Trẻ em được chia thành 2 đội để bảo vệ quan điểm của mình. Các em không được chọn quan điểm mà mình thích nhất, điều này tùy vào may mắn. GV ước tính xem thông tin sẽ được trình bày như thế nào cho đúng đắn. Quan trọng là GV theo dõi bất kỳ dấu hiệu gây hấn nào xuất hiện trong cuộc tranh luận. Kết quả là trẻ em học cách tha thứ với người khác và chúng hiểu rằng mọi vấn đề đều có ít nhất 2 mặt.

Môn học này cũng được dạy ở Israel. Tại đây, HS thảo luận về kỹ thuật nói, nội dung, ngôn ngữ cơ thể, bắt chước và các cảm giác bên trong xuất hiện trong một cuộc tranh luận.

An toàn trên mạng (Israel)

Nếu người lớn cảm thấy khó rời mạng xã hội thì trẻ em cũng vậy. Những blogger trẻ đăng vô số ảnh, video lên kênh YouTube của mình. Phụ huynh và thậm chí bác sĩ phải lo ngại vì sự phụ thuộc ngày càng tăng của trẻ vào công nghệ. Đó là lý do tại sao an toàn trên mạng là môn học xuất hiện ở nhiều trường học của Israel.

GV sẽ nói cho HS về quy tắc ứng xử trên mạng và chia sẻ bí quyết để phản ứng và trả lời những bình luận tiêu cực.

Ngoài ra, HS còn học cách tránh bị tin tặc lừa, tránh không để máy tính hay điện thoại của mình bị nhiễm virus và cách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt chứng nghiện game cũng được chú ý.

Trí tuệ nhân tạo (Trung Quốc)

Môn trí tuệ nhân tạo (AI) được dạy ở các trường tiểu học, THCS Trung Quốc. Đây là một điều mới có trong năm nay. Trong bộ sách 10 quyển, HS không chỉ học về lịch sử phát triển của AI mà còn về cách sử dụng nó. Ngoài lý thuyết buồn tẻ, HS được chế tạo robot để thực hành những gì đã học.

Yoga (Anh, Mỹ, Australia)

Các lớp học yoga đã xuất hiện ở Anh, Australia và Mỹ tại các trường THCS và THPT. Các bài học diễn ra 2 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 40 phút. Trước khi dạy, GV phải trải qua 6 tuần chuẩn bị. Họ quan tâm tới việc hệ thống thần kinh trẻ em hoạt động như thế nào và giúp những em cảm thấy khó thiền. Trẻ nhỏ tuổi chỉ thiền vài phút để bình tĩnh và luyện sự kiên nhẫn. Trẻ lớn học học cách xử lý xung đột vốn không thể tránh được trong bất kỳ nhóm tuổi nào. Họ học cách diễn đạt bằng cảm xúc và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh.

HS được học các bài học thở và bình tĩnh thông qua giao tiếp phi bạo lực. Điều cốt yếu là suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà bạn có thể nói để truyền đạt cảm xúc đúng cách.

Lướt sóng (Australia, New Zealand, Hawaii)

Ở những nước có biển bao quanh, người dân đều lướt sóng suốt năm. Người Australia học cách lướt sóng ngay từ nhỏ trong môn học bắt buộc. Môn học này tốt chơ cơ thể và dạy các em sống hòa hợp với thiên nhiên, cách kiểm soát thiên nhiên. Không phải trẻ em nào cũng may mắn được học môn này, nó chỉ dành cho các em sống gần biển. Những em sống xa biển có thể phải học bơi.

Ngưỡng mộ thiên nhiên (Nhật Bản)

Người Nhật cho rằng nghiên cứu thiên nhiên là không đủ, chúng ta nên ngưỡng mộ nó – đây là một thái độ đúng đắn. Tại đây, trước đạo Phật đã có Thần đạo và một trong những nguyên tắc của đạo này là ngưỡng mộ thiên nhiên. Hiện nhiều trường học Nhật dưa ra chủ đề ngưỡng mộ thiên nhiên và đây là điều bắt buộc.

Đây không phải là môn học buồn tẻ mà là những chuyến đi thú vị. HS không chỉ được chứng kiến những nơi đẹp, cây cối, chim chóc, động vật… qua tranh ảnh mà còn trong cuộc sống thật. GV dạy các em biết yêu thế giới quanh mình và thận trọng với những gì mình làm trong tự nhiên.

Cuối khóa học, các em phải giải thích được tại sao mình thích một trải nghiệm nào đó nhất. Trẻ sẽ được chấm điểm cho kiến thức và kỹ năng của mình và cuối năm các em sẽ có một kỳ thi đặc biệt.

Khoa học cuộc sống (Thổ Nhĩ Kỳ)

Trong 3 năm đầu ở trường học, HS có 4 bài học chính: tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, toán, ngoại ngữ và Hayat Bilgisi – khoa học cuộc sống. Trong môn khoa học cuộc sống, HS bắt đầu học về thế giới quanh mình, cách chăm sóc sức khỏe, thiên nhiên, tại sao phải tôn trọng mọi người mà không có ngoại lệ, điều gì xảy ra trên đất nước và thế giới…

GV cũng nói về các nghi thức xã giao và quy tắc hành vi khi đến thăm nhà người khác. Trẻ em được học cách cư xử tốt, cách lịch sự nhưng an toàn với người lạ. Lên lớp 4, môn này sẽ được thay thế bằng môn nghiên cứu khoa học và xã hội.

Đạo đức (Việt Nam)

Trẻ em Việt Nam được học phân biệt điều tốt, xấu khi 6 tuổi. Trong chương trình học, có một môn học bắt buộc là “đạo đức”. GV không chỉ nói rằng “đây là điều đúng đắn cần làm” mà còn giải thích tại sao việc này là đúng và những hành động nào nên làm cho HS.

Theo Bright Side

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ