Ngày lễ Halloween có những món ăn truyền thống, mang ý nghĩa riêng như kẹo táo, bánh linh hồn, súp bí đỏ, Barnbrack, Colcannon...
Theo truyền thống, lễ hội là thời điểm mà những người ngoại giáo tích trữ nguyên vật liệu và giết mổ vật nuôi để dự trữ trong mùa đông. Người Gaelic tin rằng vào ngày 31 tháng 10, bây giờ được biết đến là lễ Halloween, là thời điểm ranh giới giữa sự sống và cái chết biến mất và cái chết trở nên nguy hiểm cho sự sống do những nguyên nhân như bệnh tật hoặc phá hoại mùa màng. Các lễ hội thường có liên quan đến lửa ăn mừng, khi đó thì xương của các con vật nuôi bị giết thịt được ném đi.
Trang phục hoá trang và mặt nạ cũng được mặc trong lễ hội nhằm cố gắng bắt chước các linh hồn quỷ dữ hay làm xoa dịu chúng. Và cùng với những trang phục ghê rợn đó là những món ăn cũng không kém phần ghê rợn trong bữa ăn dành cho gia đình mình mà có hình dạng dường như thường ngày chỉ dành cho ma quỷ ăn. Những món ăn đặc trưng của ngày Halloween là món súp bí, trẻ con thì mê mẩn Bánh Halloween, Bánh quy Halloween vì hình dáng ngộ nghĩnh và màu sắc rực rỡ…
Tuy nhiên, các món ăn trong ngày Hallowen cũng được làm rất sáng tạo để không khí tiệc trở nên thật rùng rợn. Từ những món ăn ngọt các loại bánh đến các loại đồ ăn mặn đều được người ta sáng tạo theo những phong cách quái dị nhất mà không phải ai cũng dám ăn.
Những món ăn cho ngày Halloween nhìn đã thấy sợ hãi
Đơn giản bạn có thể mua xúc xích về, sau đó rửa sạch vây cá cắm ở đầu của cây xúc xích để tạo ra một món ăn như những ngón tay của con người thật. Hay Bánh sô-cô-la nhân kem cắt hình ma trơi. Những ống máu ma cà rồng được làm từ nước bí rợ đặt trong lồng gỉ sắt.
Hay từ xúc xích và bột mì, người ta có thể làm hình một xác ướp bằng cách bạn cán bột mì mỏng và quấn quanh những cây xúc xích bớt lại phần đầu để làm mặt. Dùng sô cô la hay dùng những hạt đỗ đen để làm mắt.
Để thêm rùng rợn hơn cũng từ bột mì, có thể nặn bột thành những cái xương người sau đó đem chiên vàng. Thay vì dùng bột mì, có thể cắt khoai tây thành hình chiếc xương người hay dùng dao nhọn khoét lỗ thành hình người rồi đem chiên đến khi vàng. Hoặc người ta dùng bột mì nhào kỹ sau đó viên thành những viên nhỏ có chiều dài khoảng 30 cm sau đó phần dưới bóp nhẹ từng phần tạo phần ngón tay. Còn phần trên nặn thành hình móng tay hoặc có thể dùng hạt dưa cắm lên đầu ngón tay để làm móng nhưng không phải ai cũng dám ăn.
Những món ăn phổ biến trong ngày Halloween
Súp bí đỏ
Những chiếc lồng đèn bí đỏ là biểu tượng của ngày Halloween mà món súp chế biến từ nguyên liệu này cũng là một món ăn không thể thiếu vào những ngày cuối tháng 10. Ở từng vùng, từng quốc gia có những công thức chế biến món súp khác nhau, phổ biến nhất vẫn là súp bí đỏ nấu với thịt bò hay cừu cùng bí đỏ xắt hạt lựu và các rau củ khác rồi thêm sữa hoặc kem tươi.
Ngoài món súp, bí đó còn được chế biến thành các loại bánh bông lan, bánh nướng nhân bí đỏ…
Kẹo táo
Một trong những phong tục của ngày Halloween là phát kẹo cho trẻ em. Bởi vậy, kẹo trở thành một món ăn không thể thiếu trong đêm hội ma quái, đặc biệt là kẹo táo được trẻ nhỏ yêu thích. Những quả táo được nhúng đều qua si rô hay đường đỏ rất đẹp mắt và ngon miệng.
Ngày nay kẹo táo còn được trang trí thêm chocolate, đậu phộng hay kẹo cốm đủ màu rực rỡ.
Bánh linh hồn
Món ăn này được sử dụng rất nhiều trong đêm Halloween. Bánh linh hồn có nguồn gốc từ phong tục của nước Anh. Người ta tin rằng khi những linh hồn thức dậy và đi lại trên trái đất vào ngày 31/10, nếu được ăn bánh, họ sẽ không làm tổn hại đến con người.
Một số vùng của Đức làm bánh linh hồn màu đen, trong khi người dân Áo thường đặt bánh trên mộ. Chiếc bánh linh hồn truyền thống là bánh quy có nho khô xếp thành hình chữ thập ở mặt trên, có vị như bánh quy quế của Việt Nam. Để tạo nên sự đa dạng và tượng trưng cho ngày lễ ma quỷ, món này cũng được trang trí với nhiều hình thù khác nhau như đầu lâu, con nhện, các hình ma quỷ rùng rợn…
Bánh barnbrack
Barnbrack do người Ai len chế biến đầu tiên và đã nhanh chóng trở thành món bánh truyền thống trong lễ hội Halloween khắp thế giới. Món này được dùng để tráng miệng. Cho tới nay, không có một công thức cố định nào, thông thường người ta dùng vỏ quả và các loại hoa quả sấy khô làm nguyên liệu chính cho barnbrack.
Điểm đặc biệt của barnbrack là bên trong luôn ẩn giấu những đồ vật mang dấu hiệu tiên đoán tương lai. Ba đồ vật được trộn vào cùng với nhân bánh barnbrack truyền thống là một đồng xu, một miếng vải và chiếc nhẫn. Đồng tiền xu là biểu tượng cho sự may mắn về tiền bạc. Ngược lại, miếng vải tượng trưng cho sự khó khăn về tài chính. Còn chiếc nhẫn lại đem tới dự đoán về chuyện tình cảm của người nhận được nó.
Colcannon
Colcannon là bánh khoai tây nghiền truyền thống không thể thiếu trong ngày Halloween của người dân Ailen. Đây cũng là một trong những món ăn của lễ hội ma ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên liệu chính của bánh là khoai tây nghiền, rau cải xoăn hoặc cải bắp, muối, hạt tiêu... Ngoài ra còn cho thêm sữa, kem, tỏi tây, hành hay thịt bắp cho món ăn thêm đậm đà, ấm áp.
Tương tự như barnbrack, trong món colcannon cũng được giấu một đồng tiền hay một chiếc bùa may mắn. Đây là một trò chơi thú vị vào ngày Halloween, mang đến một sự bất ngờ nho nhỏ và là nghi thức truyền thống khi thưởng thức ẩm thực lễ hội.