Đó là thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và liên thông trình độ trong khu vực ASEAN.
Ở Việt Nam, ngành Giáo dục bằng nỗ lực cao nhất luôn cố gắng để học sinh được tiếp tục học tập, như chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” trong thời điểm dịch Covid - 19 kéo dài. Theo đó, các nhà trường đều đã tăng cường hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những hỗ trợ liên quan đến nội dung này, như: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; các doanh nghiệp viễn thông di động miễn phí toàn bộ cước phí dữ liệu truy cập các bài học cho học sinh, sinh viên và thầy cô liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD-ĐT; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho khoảng 37.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học… Những nỗ lực này đã tạo sự ổn định trong toàn hệ thống một cách hiệu quả, thiết thực.
Trong những ngày giãn cách xã hội tại Việt Nam vừa qua, dạy - học trực tuyến đã trở nên quen thuộc ở khắp các nhà trường theo đúng tôn chỉ "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học". Giờ đây dạy học trực tuyến và chuyển đổi số đã trở nên cấp thiết và là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, không chỉ khi đại dịch bùng phát và lan rộng, mà trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình và hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến.
Việt Nam và cộng đồng các quốc gia ASEAN đã và đang hướng đến liên thông trình độ trong khu vực ASEAN. Mục đích hướng đến là lao động, nhân lực đã và đang được đào tạo ở bất kỳ quốc gia nào thuộc ASEAN đều có thể tiếp tục học tập và làm việc ở một nước thành viên khác mà không mất thời gian gián đoạn chuyển tiếp.
Muốn vậy, cần phải hoàn thiện kết nối giữa các quốc gia, không chỉ giới hạn trong liên thông giáo dục, mà quan trọng hơn là làm thế nào để tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực. Quan điểm xuyên suốt ở mỗi quốc gia phải là đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo.
Hiện thực hóa điều này, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, các trường đại học và các cơ quan quản lý giáo dục đại học của các nước thành viên cần có những bước tiến xa hơn nữa trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo cũng như xây dựng cơ chế giám sát chung hài hoà, thống nhất. Các hoạt động liên thông trong giáo dục chỉ có giá trị khi các xác nhận đó được công nhận trong thực tế.
Covid-19 là thời điểm để các nước ASEAN quy hoạch và đổi mới định hướng phát triển của khu vực, trong đó cần chú trọng đến chuyển đổi số trong giáo dục. Đây là cơ hội và cũng là động lực để các quốc gia trong cộng đồng ASEAN thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên. Tất nhiên, để làm được điều này, cần phải xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số liên thông giáo dục giữa các nước trong đào tạo trực tuyến.