(GD&TĐ) - Sống trong thế kỷ XXI, thế kỷ của công nghệ thông tin, tri thức ngày càng nhiều, trong trường học không thể học thêm nhiều năm, học nhiều kiến thức là cần nữa, kiến thức chỉ là nền tảng cần thiết tối thiểu, còn cách thích ứng, xử lý thông tin, giải quyết tất cả các vần đề của cuộc sống, học tập và rèn luyện từ nhỏ đến lớn, điều cần nhất là tư duy, cách giải quyết vấn đề một cách sáng suốt.
Có thể nói chương trình sách giáo khoa, nội dung kiến thức dùng trong nhà trường, được coi là một lượng tri thức cung cấp cần thiết ở mức tối thiểu. Điều quan trọng nhất con người cần học tập và rèn luyện là nắm bắt được các quy luật về tự nhiên và xã hội, biết vận dụng linh hoạt (Học ít biết nhiều) để đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu và niềm mong mỏi của bản thân và xã hội.
Như vậy đòi hỏi chương trình kiến thức cung cấp trong nhà trường phải xác định được cái tối thiểu, (Tối cần thiết). Cần một đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo thông suốt, nắm bắt, và hiểu được bản chất của giáo dục, bản chất những công việc mà mình cần phải làm là ưu tiên: Phương hướng, cách giải quyết mọi vần đề, học ít biết nhiều, biết vận dụng linh hoạt vào cuộc sống hiện thực, nhìn nhận tổng quan về cuộc sống thật dung dị, đơn giản và gọn nhẹ.
Vấn đề nhận thức của cả xã hội về giáo dục phải được nhìn nhận lại một cách rõ nét, cả xã hội phải chịu trách nhiệm về sự phát triển, trưởng thành của con em mình. Những gì thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, rất sôi động của cuộc sống, của xã hội đang đóng góp rất lớn vào hành trang của các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, không hẳn tất cả đều quy trách nhiệm cho ngành giáo dục được.
Tôi có dịp được đọc các cuốn sách về cách giáo dục con của người Do Thái, của người Nhật và của người Mỹ, thì thấy rằng mỗi người cha, người mẹ trong gia đình đều là những người thầy rất có ý thức, thế hệ này đến thế hệ khác đã dày công trang bị cho con em mình những kiến thức quý báu từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, … điều đó khẳng định giáo dục đã được cả xã hội quan tâm chứ đâu chỉ là người thày ở trường học.
Chỉ khi trong mỗi gia đình nhỏ, mỗi người cha, mỗi người mẹ nhận thức sâu sắc về trách nhiệm lớn lao không chỉ chăm lo cho con em mình cái ăn cái mặc, cuốn sách, quyển vở, … mà còn có ý thức cao về việc trang bị, giáo dục, đào tạo, định hướng, làm gương cho con em mình thì đã góp phần rất lớn xây dựng nên một nền giáo dục Việt Nam với những bản sắc riêng của con người Việt Nam không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, khó khăn gian khổ nào.
Nguyễn Viết Phong