Những lý do dẫn trẻ đến hành vi xấu

GD&TĐ - Không ai muốn con mình ăn trộm. Do đó, hầu hết phụ huynh đều cảm thấy lo lắng khi phát hiện con mình ăn trộm.

Để ngăn chặn hành vi trộm cắp, cha mẹ có thể nhấn mạnh với trẻ về sự trung thực. Ảnh minh họa: ITN.
Để ngăn chặn hành vi trộm cắp, cha mẹ có thể nhấn mạnh với trẻ về sự trung thực. Ảnh minh họa: ITN.

Tiến sĩ Arthur Lavin - bác sĩ nhi khoa và Chủ tịch Ủy ban Tâm lý xã hội của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, điều quan trọng nhất là giải quyết hành vi trộm cắp theo cách dạy cho trẻ em rằng, đó là việc làm sai và thúc đẩy con không tái phạm.

Không ai muốn con mình ăn trộm. Do đó, hầu hết phụ huynh đều cảm thấy lo lắng khi phát hiện con mình ăn trộm. Cho dù, trẻ mẫu giáo lấy một thanh kẹo từ lối đi trong cửa hàng tạp hóa, hay đứa trẻ 7 tuổi mang về nhà một món đồ chơi từ nhà bạn, hoặc trẻ 14 tuổi lấy sơn móng tay từ cửa hàng thuốc, điều đó có thể rất khó chịu nếu trẻ ăn trộm.

Nhiều phụ huynh thậm chí không biết phải làm gì để hạn chế hành vi đó. Tuy nhiên, những sự cố này không phải là hiếm hoặc bệnh lý, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và khi thanh, thiếu niên bắt đầu vượt qua ranh giới ở tuổi dậy thì.

Tất cả chúng ta đều có xu hướng tò mò và khao khát những gì mình không thể có. Tiến sĩ Lavin giải thích: “Nếu bạn bảo trẻ đừng làm điều gì đó hoặc chúng không thể lấy thứ gì đó, chúng sẽ muốn nó”. Việc đạo đức hóa hành vi trộm cắp là điều dễ hiểu, nhưng nó không chỉ đơn giản là hành vi xấu hay sai. Điều đó có nghĩa là trẻ cần học tại sao hành động theo sự thôi thúc đó là sai và biết cách kháng cự.

Tiến sĩ Candice W. Jones - bác sĩ nhi khoa ở Sanford, Florida (Mỹ) cho biết, việc xem xét các lý do đằng sau hành vi đó có thể giúp phụ huynh quyết định cách xử lý tiếp theo.

Có nhiều sự phức tạp và cảm xúc tiềm ẩn ảnh hưởng đến quyết định trộm cắp của trẻ. Tiến sĩ Jones cho biết, nhận thức được và giải quyết những sắc thái này, đồng thời đưa ra hậu quả cho hành vi sai trái, có thể giúp ngăn chặn việc trẻ ăn trộm trong tương lai.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Lavin, điều quan trọng là phải xem xét độ tuổi, sự trưởng thành của trẻ, những gì đã bị đánh cắp và bối cảnh. Ví dụ: Việc lấy một thứ gì đó từ cửa hàng hoặc một người lạ sẽ khác khi trẻ ăn trộm từ một thành viên trong gia đình hoặc trong nhà.

Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến trẻ ăn trộm:

Thiếu kiến thức và hiểu biết

Việc trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo lấy đồ của người khác là điều bình thường. Ở độ tuổi này, trẻ chưa có hiểu biết rõ ràng về việc hành vi trộm cắp ảnh hưởng đến người khác như thế nào và có thể gây hại ra sao.

Tiến sĩ Jones cho biết: “Trẻ mới biết đi trải qua giai đoạn “của tôi”. Chúng có thể lấy thứ gì đó nhưng không thực sự là ăn trộm”. Trẻ cũng có thể lấy thứ gì đó từ cửa hàng chỉ vì không hiểu quyền sở hữu hoặc kinh tế hoạt động như thế nào. Đối với trẻ ở tuổi này, tất cả các mặt hàng dọc theo lối đi dường như đều có thể cầm về được. Khái niệm mua thứ gì đó có thể chưa được trẻ hiểu rõ cho đến khi học mẫu giáo hoặc muộn hơn.

Vì vậy, phụ huynh hãy bắt đầu nói chuyện với con về sự đồng cảm và tại sao ăn trộm là sai. Từ đó, trẻ có thể học cách tôn trọng tài sản của người khác. Hãy giải thích rằng, chúng ta cần mua để sở hữu và mang một món đồ về nhà.

Ngoài ra, gia đình cũng nên tổ chức các cuộc trò chuyện thường xuyên về tầm quan trọng của việc không chạm vào đồ đạc của người khác. Phụ huynh có thể đưa ra ví dụ về việc muốn đồ đạc của mình được bảo vệ và tôn trọng, cũng như thể hiện sự tôn trọng tương tự với người khác.

Hãy đưa ra hình phạt ít nghiêm trọng hơn khi trẻ nói thật về hành vi sai trái. Ảnh minh họa: ITN.

Hãy đưa ra hình phạt ít nghiêm trọng hơn khi trẻ nói thật về hành vi sai trái. Ảnh minh họa: ITN.

Khó kiểm soát

Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự bốc đồng. Trẻ có thể chỉ đơn giản là bị thôi thúc chạm vào và tiếp đến là lấy thứ gì đó mà không hề nghĩ đến quyền sở hữu. Hoặc, trẻ không nhớ rằng, món đồ đó có thể nằm ngoài giới hạn. Trong tình huống này, trẻ có thể nhanh chóng bỏ đồ vật mình muốn vào túi mà không cần cân nhắc đến hậu quả. Do đó, cha mẹ cần dạy con kiểm soát cơn bốc đồng và chịu trách nhiệm ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Tiến sĩ Lavin cho biết, sau khoảng 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thử sức với những trò nghịch ngợm và có xu hướng làm theo sự tò mò của mình. Ví dụ, nếu phụ huynh yêu cầu con không được ném thìa hoặc chạm vào thứ gì đó, trẻ có thể vẫn làm ngược lại. Những đứa trẻ lớn hơn, thậm chí cả trẻ vị thành niên và thanh, thiếu niên, cũng có thể làm điều gì đó một cách bốc đồng. Tiến sĩ Lavin nói: “Trẻ em đôi khi làm mọi việc mà không suy nghĩ và không nhận ra hậu quả”.

Áp lực từ bạn bè

Tiến sĩ Lavin cho biết áp lực từ bạn bè phổ biến và mạnh mẽ hơn khi trẻ từ 6 hoặc 7 tuổi trở đi. Thanh, thiếu niên có thể ăn trộm vì nghĩ rằng, việc đó có vẻ thú vị và mọi người khác đều làm như vậy. Hoặc, trẻ có thể cảm thấy thú vị mà không thực sự nghĩ đến hậu quả. Trẻ có thể bị bạn bè gây áp lực buộc phải lấy hàng từ cửa hàng hoặc trộm tiền từ chiếc túi không có người trông trong phòng thay đồ.

Vào những lúc khác, thanh, thiếu niên ăn trộm vì muốn có những món đồ đẹp mà chúng không được phép có hoặc không đủ khả năng mua. Một số thanh, thiếu niên ăn trộm như một cách để nổi dậy chống lại cha mẹ. Ở độ tuổi này, trẻ biết việc mình làm là sai và có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nếu hành vi trộm cắp không được giải quyết hiệu quả.

Rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về hành vi như trộm cắp. Ảnh minh họa: ITN.

Rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về hành vi như trộm cắp. Ảnh minh họa: ITN.

Sức khỏe tinh thần

Rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về hành vi như trộm cắp. Một đứa trẻ đang phải vật lộn với các vấn đề về tình cảm hoặc gia đình, chẳng hạn như đối mặt với cái chết hoặc việc cha mẹ ly hôn, có thể bắt đầu hành động bằng cách ăn cắp.

Một đứa trẻ đang phải đối mặt với chứng trầm cảm hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần khác có thể sử dụng hành vi trộm cắp như một cách để đối phó. Trong khi đó, những đứa trẻ cảm thấy cô đơn có thể trộm cắp để được chú ý hoặc kêu cứu.

Tại sao cần phải hành động

Điều quan trọng là phải giải quyết mọi vụ việc trộm cắp ngay lập tức. Nếu không được kiểm soát, những hành vi này có thể gia tăng hoặc trở thành vấn đề cấp bách hơn, báo hiệu mối lo ngại về sức khỏe tâm thần.

Tiến sĩ Lavin cho biết, điều quan trọng đơn giản là cha mẹ phải phản ứng phù hợp và sử dụng tình huống này như một thời điểm để giáo dục con. Nếu trẻ ăn trộm thứ gì đó, cha mẹ hãy can thiệp ngay lập tức. Sau đó, nói chuyện với trẻ về những gì đã xảy ra.

Tiến sĩ Lavin khuyên, hãy sử dụng các chiến lược kỷ luật để trẻ hiểu rõ rằng, ăn trộm là sai và vi phạm lòng tin. Một phản ứng lành mạnh có thể khiến trẻ phải suy nghĩ kỹ nếu chúng bị cám dỗ ăn trộm lần nữa. Từ đó, trẻ sẽ tự ngăn chặn hành vi trộm cắp trở thành thói quen.

Chiến lược kiềm chế hành vi trộm cắp

Cho dù trẻ mang về nhà một món đồ đáng ngờ từ trường mà chúng nói là món quà, hay khi cha mẹ bắt gặp con lấy thứ gì đó từ cửa hàng, cách phụ huynh giải quyết vấn đề sẽ ảnh hưởng đến khả năng trẻ sẽ lấy trộm lần nữa.

Tiến sĩ Jones nói: “Là cha mẹ, hãy dành chút thời gian để giải quyết cảm xúc của mình và bình tĩnh trước khi phản ứng”. Khi đã suy nghĩ rõ ràng, phụ huynh hãy chuyển sang giải quyết vấn đề với con.

Để ngăn chặn hành vi trộm cắp, cha mẹ có thể nhấn mạnh với trẻ về sự trung thực. Việc thường xuyên trò chuyện về vấn đề này có thể giúp ích rất nhiều trong việc ngăn chặn trẻ nói dối và trộm cắp. Hãy cho trẻ biết rằng, nếu có thói quen nói dối, điều này sẽ làm xói mòn lòng tin của mọi người và có thể khiến cha mẹ phải giám sát con chặt hơn.

Hãy đưa ra hình phạt ít nghiêm trọng hơn khi trẻ nói thật về một hành vi sai trái. Đồng thời, hãy khen ngợi trẻ vì sự trung thực đó. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là để trẻ thoát khỏi tội lỗi, mà chỉ là tạo động lực để trung thực.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và độ tuổi của trẻ, trộm cắp cũng có thể là hành vi vi phạm lòng tin cần được sửa chữa. Tiến sĩ Lavin cho biết: “Cần phải có một con đường để khôi phục lại niềm tin đó và hãy giao điều đó cho đứa trẻ”.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy trẻ tôn trọng tài sản. Tiến sĩ Jones nói: “Phụ huynh hãy yêu cầu con giải thích tại sao ăn trộm là sai”. Ngoài ra, cũng rất hữu ích khi thảo luận về hậu quả pháp lý của hành vi trộm cắp, đặc biệt là đối với trẻ lớn. Từ đó, giúp trẻ hiểu đầy đủ rằng, con có thể gặp rắc rối nghiêm trọng nếu ăn trộm.

Cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu về quyền sở hữu bằng cách bắt con chịu trách nhiệm về đồ đạc của mình. Ví dụ, hãy nói về tầm quan trọng của việc đối xử nhẹ nhàng với đồ chơi. Tạo các quy tắc xung quanh sự tôn trọng để đảm bảo mọi người đều hỏi trước khi mượn đồ và gõ cửa trước khi vào phòng người khác. Thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo quản tốt đồ mượn và trả lại cho chủ nhân.

“Nhiệm vụ của cha mẹ là chỉ cho con mình biết ranh giới nằm ở đâu, cũng như hậu quả của việc vượt qua chúng là gì”, Tiến sĩ Lavin nhấn mạnh.

“Việc trẻ nhỏ lấy kẹo ở bát trong phòng khách mà không xin phép là sai. Sai vì đó là vi phạm nội quy chứ không phải vì phạm tội. Lấy tiền cũng ảnh hưởng đến việc đó. Vì vậy, ngay cả trong nhà cũng có ranh giới. Biết lý do tại sao trẻ lại lấy món đồ đó và động cơ là gì sẽ giúp phụ huynh lập ra một kế hoạch hiệu quả hơn để giải quyết hành vi”, Tiến sĩ Lavin nói.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.