Hóa học: Giảm nhẹ phần toán, tăng cường nội dung lí thuyết, bản chất hóa học
Sau khi nghiên cứu đề thử nghiệm của Bộ GD&ĐT với môn Hóa học, thầy Nguyễn Công Quyết cho rằng, trong đề thi, tỉ lệ số câu lý thuyết là 26/40; số câu bài tập là 14/40.
Trong các câu lí thuyết (như câu 5, 6, 8, 9, 10, 11, 16, 22, 24, 28, 29, 30, 32, 33, 34 (tỉ lệ khoảng 15/40): Mỗi câu lí thuyết trên kiến thức không nằm chỉ ở một nội dung , mà nằm nhiều nơi, thậm chí kiến thức của cả một bài học được thu gọn vào một câu hỏi.
Do đó, để trả lời những câu lí thuyết trên đòi hỏi học sinh không chỉ biết, hiểu mà còn phải có khả năng hệ thống hóa, móc xích, tổng hợp kiến thức của nhiều nội dung.
Về phần bài tập: Nhiều bài trong đề thi cho luôn số mol của các chất, như vậy đã giảm nhẹ phần tính toán hơn. Phần bài tập từ câu 25 trở đi là những bài tương đối khó.
Muốn giải quyết được những bài đó, học sinh phải nắm thật chắc lí thuyết bởi hàm lượng dữ kiện liên quan đến lí thuyết trong đó khá nhiều.
Với các thầy cô giáo Trường THPT Yên Dũng só 3, đề thi thử nghiệm là tài liệu tham khảo cùng với sách giáo khoa, sách bài tập trong dạy học và ôn tập.
Từ đề thi thử nghiệm, định hướng dạy học, ôn tập là sẽ tăng cường câu hỏi lí thuyết, đặc biệt những câu có nội dung tổng hợp trong dạy học, ôn tập và kiểm tra.
Thầy Nguyễn Công Quyết lưu ý: Từ tỉ lệ câu lí thuyết, nội dung câu hỏi lí thuyết, số liệu trong phần bài tập có thể thấy môn Hóa học tiến tới sẽ giảm nhẹ phần toán nhưng tăng cường nội dung lí thuyết, bản chất hóa học.
Vì vậy, trong quá trình học, học sinh cần nắm chắc lí thuyết, khi ôn tập cần hệ thống hóa kiến thức không chỉ một bài, một chương mà có thể phải xuyên bài, xuyên chương.
Vật lí: Học sinh nên làm quen với các bài toán đồ thị nhiều hơn
Nhận định về đề thi thử nghiệm môn Vật lí, thầy Lê Đắc Duẩn nhận định: Đề có cấu trúc 4-2-3-1, có sự phân hóa cao và mang tính thực tiễn hơn đề minh họa lần một của Bộ GD&ĐT. Học sinh có thể đạt 6-7 điểm không khó.
Theo thầy Lê Đắc Duẩn, giáo viên cần cho học sinh nghiên cứu, tìm hiểu đề, tìm ma trận đề thi. Cho học sinh làm thử và kiểm tra thời gian, đánh giá học sinh và đề.
Về ôn tập, cần ôn tập theo chuẩn kiến thức kĩ năng, bám sát sách giáo khoa cơ bản lớp 12. Định hướng học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế và làm quen với các bài toán đồ thị nhiều hơn.