Những lưu ý quan trọng khi xét tuyển đại học năm 2024

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh một số điểm quan trọng khi xét tuyển đại học năm 2024.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội tại Ngày hội thông tin tuyển sinh - HANU OPEN DAY 2024.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội tại Ngày hội thông tin tuyển sinh - HANU OPEN DAY 2024.

Ổn định quy chế

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục đại học, chúng tôi khuyên thí sinh, cần chọn ngành học trước rồi mới chọn trường.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.

Năm nay, Bộ GD&ĐT giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai năm trước. Điều này, giúp thí sinh ổn định tâm lý và vững tâm hơn. Với những thí sinh lần đầu tiên ứng tuyển có thể sẽ gặp bỡ ngỡ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, giống như năm trước, năm nay toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm thí sinh cần lưu ý.

Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.

Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý là, việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Theo đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và không được bỏ lỡ thời hạn xét tuyển.

“Dù được các em thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng nên nhớ đó chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa thể trúng tuyển chính thức”- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường.

Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1), sau đó đến nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học . Ảnh: Đức Hiệp.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học . Ảnh: Đức Hiệp.

Chiến thuật cần lưu tâm

Một chiến thuật mà thí sinh cần lưu tâm là, các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học và đó là ngành học yêu thích nhất. Nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1 trên Hệ thống thì chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển vào ngành học đó.

Nếu các cơ sở giáo dục đại học có thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh thì các trường sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên toàn hệ thống sẽ giữ ổn định, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy, cô ở trường, Bộ GD&ĐT, còn thí sinh sẽ được đảm bảo quyền lợi tối đa.

Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm, để đảm bảo tối đa các quyền lợi cho các em, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nhắc lại, dự kiến quy chế tuyển sinh năm nay giữ ổn định như hai năm trước. Vì thế, những điểm liên quan đến xét tuyển sớm cũng giữ nguyên như hai năm vừa qua.

Theo đó, nguyên tắc quan trọng là: thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển sớm sẽ không phải xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là, về quyền lợi, các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác ở những phương thức khác, thay vì bắt buộc phải xác nhận nhập học ngay.

Việc nhập học hay không sẽ tùy thuộc vào Hệ thống xác định thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào. Các nguyện vọng có thể bao gồm: xét tuyển sớm, các phương thức truyền thống với cơ sở dữ liệu được nhập một cách đồng bộ lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.

Một trong những ưu điểm giúp tăng cơ hội cho thí sinh là: khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống, các em không cần lựa chọn phương thức, mà chỉ cần lựa chọn ngành, trường học mà mình mong muốn được theo học.

Hệ thống sẽ tự động rà soát tất cả dữ liệu đang có để xem xét. Lúc này, nếu thí sinh trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào trong số dữ liệu có trên Hệ thống thì các em sẽ được xác nhận trúng tuyển. Đó là nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể dành cho các em.

“Điều này khẳng định ưu việt khi chúng ta tham gia vào hệ thống xét tuyển. Rõ ràng nguyện vọng của các em có thể rất nhiều, nhưng các em phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn.

Liên quan đến việc các trường đại học đưa chứng chỉ ngoại ngữ trở thành một trong các tiêu chí tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhìn nhận, thay vì là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những tiêu chí để kết hợp với những kết quả quan trọng khác của thí sinh như: kết quả học tập THPT hay điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ưu thế của các chứng chỉ này thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng hoặc chương trình liên kết với các đối tác nước ngoài.

Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu, do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để sinh viên có thể theo học.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ Chương trình Toạ đàm: "Những chiến thuật tạo lợi thế trong tuyển sinh năm 2024" do Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ