Một số lỗi thường gặp
Cô Nguyễn Thị Giang Hương, Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) chỉ ra một số lỗi thí sinh thường gặp khi dự thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, trước khi vào phòng thi, thí sinh thường hay quên Giấy báo dự thi, Căn cước công dân. Trường hợp này, thí sinh cần bình tĩnh, nhờ thầy cô giám thị hỗ trợ làm Giấy cam kết để đủ điều kiện thi bình thường.
Làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh hay viết nhầm số báo danh vào số phách, ghi số tờ giấy thi không đúng, phân bố thời gian làm bài không hợp lý giữa các phần, khiến cho cấu trúc tổng thể của bài thi không đảm bảo kết quả tối ưu nhất.
Bài thi các môn trắc nghiệm, nhiều thí sinh quên tô mã đề thi, thậm chí viết sai, viết nhầm mã đề thi, không tô đúng vào ô trả lời câu hỏi, tô lệch không đúng quy định… Những lỗi này đều khiến máy quét bài trắc nghiệm khó nhận diện đúng, chấm sai, chấm sót bài… Các em cần cẩn trọng khi tô số báo danh, mã đề thi, tô đáp án đúng, chuẩn, đậm rõ.
Một số thí sinh tẩy xóa đáp án nhiều dẫn đến rách, nhoè, mờ… phiếu trả lời trắc nghiệm. Giữ gìn Phiếu trả lời trắc nghiệm không cẩn thận, làm nhàu, gập phiếu cũng gây nhiều khó khăn khi chấm bài.
Hết bài thi buổi sáng, giờ nghỉ trưa không nhiều, đã có thí sinh ngủ quên, đi muộn, quá thời gian quy định, không được vào thi…
Có thí sinh gặp vấn đề về tiêu hoá, ăn thức ăn lạ, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, cần sự hỗ trợ, chăm sóc của nhân viên y tế…
Một số trường hợp, học sinh tâm lý không vững, xáo trộn cảm xúc, không kiểm soát được tâm trạng mình, dẫn đến khả năng tập trung làm bài không tốt.
Đã có học sinh vì áp lực mà thức quá khuya để ôn bài, dẫn đến sự thiếu tỉnh táo trong thời gian thi, không tập trung làm tốt bài làm của mình, không đủ điểm để qua liệt bài thi…
“Những lỗi thường gặp trên, nhiều năm qua vẫn còn, rất mong các thí sinh rút kinh nghiệm sâu sắc, làm bài học cho bản thân, chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nhất có thể để vững vàng, chinh phục Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024”, cô Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.
Để tránh lỗi sai đáng tiếc
Để đạt được kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cô Nguyễn Hương Giang lưu ý thí sinh cần nhớ rõ lịch thi vào 3 ngày 26, 27, 28/6/2024. Thí sinh phải nắm chắc các mốc thời gian quan trọng được quy định trong lịch thi để chủ động đến sớm và chuẩn bị cho mình một tinh thần tốt nhất trước khi vào làm bài thi. Tránh những trường hợp đến quá sát giờ, đều rất vội vàng, tâm lý dễ bị ảnh hưởng.
Chuẩn bị những đồ dùng học tập cần thiết để mang vào phòng thi đúng với quy định của Quy chế. Không mang tài liệu, điện thoại và những thứ không có trong Quy định vào phòng thi.
Dành thời gian củng cố, rà soát lại kiến thức đã học. Giữ gìn sức khoẻ, có chế độ ăn, ngủ, nghỉ ngơi khoa học hợp lý, tuyệt đối không thức quá khuya, không ăn đồ ăn vặt, đồ ăn lạ. Giữ vững tâm lý, tránh những xáo trộn không cần thiết trước khi thi.
Việc chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về mọi mặt sẽ tạo cảm giác an tâm, cực cần thiết cho các thí sinh.
Trong quá trình thi, các em cần nắm chắc các quy định bắt buộc trong phòng thi. Lúc chờ thời gian phát đề, tính giờ, các em nên hít thở sâu, giữ bình tĩnh, tạo tâm lý ổn định, thoải mái nhất để thăng hoa khi làm bài.
Trong thời gian làm bài thi phải giữ trật tự; không được sử dụng tài liệu trái phép hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận; không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm… Câu dễ làm trước, câu khó làm sau, làm cẩn thận, nhanh nhưng không để nuối tiếc. Phân bố thời gian làm bài giữa các phần khoa học, hợp lý.
Các em nên dành thời gian vài phút cuối giờ để rà soát, kiểm tra lại các thông tin trên bài thi, số báo danh, mã đề trắc nghiệm, cần đảm bảo mọi thông tin đều chuẩn, khớp với nhau. Thực tế, có nhiều trường hợp quên tô mã đề, dẫn đến những khó khăn, vất vả, mất thời gian khắc phục cho của Hội đồng coi thi.
Khi nộp bài thi tự luận, phải nhớ ghi rõ số tờ đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi.
Hết bài thi buổi sáng, khoảng thời gian nghỉ trưa rất quý giá, thí sinh cần nhanh chóng về nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị cho bài thi buổi chiều. Để chuông đồng hồ báo thức, thậm chí nhờ người thân thức buổi trưa, canh cho các em nghỉ ngơi, không được ngủ muộn, ngủ quên quá giờ quy định. Không so sánh đáp án khi chưa có công bố chính thức, tránh hoang mang, ảnh hưởng đến môn thi tiếp theo.
Cũng đưa ra lưu ý, cô Bùi Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) dặn dò thí sinh cần đảm bảo sức khỏe cho bản thân, ăn uống đủ chất, ngủ đúng giờ, không thức quá khuya để học bài, nên dậy sáng sớm học bài thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Với những học sinh không ở cùng bố mẹ thì cần đặt giờ báo thức, nhờ người thân, bố mẹ ở xa đến giờ sẽ gọi để tránh trường hợp ngủ quên. Trước ngày thi, các em không nên ôm đồm quá nhiều kiến thức. Nên tập trung ôn lại các kiến thức đã học, đảm bảo nắm chắc các kiến thức cơ bản của bộ môn.
Trước ngày thi 1 đến 2 ngày, cần chuẩn bị sẵn các vật dụng mang vào phòng thi như: bút bi, bút chì, cục tẩy, ê-ke, thước kẻ, atlat Địa lí Việt Nam, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ đã được thay pin mới, căn cước công dân và được sẵn đựng trong túi.
Khi đi thi các em cần đến sớm 30 phút. Kiểm tra kỹ các vật dụng mang vào phòng thi đã đủ chưa, điện thoại cần được gửi hoặc để tại phòng đựng đồ của học sinh mà điểm thi đã chuẩn bị. Tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi, viết thông tin trên tờ giấy thi cần cẩn thận, đọc kĩ trước khi viết.
Khi nhận đề, cần kiểm tra xem có đủ số trang, số tờ, mã đề, có bị nhòe, mờ rách trang không. Đọc kỹ các câu hỏi, chú ý đến các từ in đậm, gạch chân để tránh hiểu nhầm câu hỏi. Trước khi hết giờ làm bài 5 phút, các em nên soát lại bài, xem có câu nào tô nhầm 2 đáp án, hoặc có câu nào chưa chọn đáp án không? Thông tin đã đủ chưa….
Ngay sau các buổi thi, giữ tinh thần thoải mái, không nên cứ mải mê suy nghĩ về môn đã thi trước đó, làm ảnh hưởng đến các môn thi sau.