Những loài vật có khả năng phát hiện bệnh ở người

GD&TĐ - Một số loài vật nổi tiếng với các giác quan nhạy bén, có thể phát hiện nhiều thứ trong môi trường mà con người không cảm nhận được.

Chuột được huấn luyện có thể phát hiện ra toluene, một chất lỏng tạo mùi biểu thị sự hiện diện của bệnh ung thư phổi.
Chuột được huấn luyện có thể phát hiện ra toluene, một chất lỏng tạo mùi biểu thị sự hiện diện của bệnh ung thư phổi.

Một số loài vật nổi tiếng với các giác quan nhạy bén, có thể phát hiện nhiều thứ trong môi trường mà con người không cảm nhận được. Tận dụng khả năng này, các nhà khoa học đã sử dụng chúng giúp chẩn đoán sớm các căn bệnh nguy hiểm. Từ chó, mèo, chuột đến côn trùng, chúng đang hỗ trợ đắc lực trong lĩnh vực y học.

Chuột

Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã xuất bản một bài báo cho thấy những con chuột được huấn luyện có thể phát hiện ra toluene, một chất lỏng tạo mùi biểu thị sự hiện diện của bệnh ung thư phổi.

Trong thí nghiệm, chuột được cho ngửi toluene trong một chuỗi các mùi hương khác, sau đó chúng được cung cấp mẫu hơi thở thật của con người trong các túi nhựa, một số được thêm vào toluene. Trong hơn một nghìn lần thử nghiệm, chuột phát hiện chất này với độ chính xác 82%.

Ong

Ong được cho là sở hữu khứu giác mạnh đến mức có thể nhận ra dù chỉ một vài phân tử của một chất nào đó trong phòng. Lợi dụng khả năng này, các nhà khoa học đã sử dụng chúng giúp phát hiện sớm các bệnh như lao và tiểu đường.

Bộ râu được ví như ăng ten giúp ong phát hiện chính xác mùi cụ thể trong hỗn hợp các mùi phát ra cùng một lúc, như trường hợp hơi thở con người. Susana Soares, nhà thiết kế sản phẩm người Bồ Đào Nha, đã phát triển một thiết bị thủy tinh trang nhã có tên là “Bee's”, cho phép mọi người thở một cách an toàn vào nơi chứa những con ong. Sau khi phát hiện và phản ứng với một số hóa chất nào đó, chúng sẽ được cho ăn đường như là phần thưởng.

Bồ câu

Trong một thí nghiệm khá đặc biệt - nếu không muốn nói là hết sức kỳ lạ - các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã kiểm tra xem chim bồ câu có thể phát hiện ung thư vú từ hình ảnh hay không. Thật thú vị, chúng cũng có thể làm được như con người!

Dù kích thước chỉ bằng đầu ngón tay nhưng bộ não của bồ câu khá mạnh mẽ. Khi được huấn luyện, chúng sẽ phân biệt hình ảnh hiển vi của các mô ung thư và không ung thư.

Cho xem những hình ảnh chưa từng thấy, chúng có thể vận dụng những gì đã học và phân biệt chính xác giữa các hình ảnh, được phóng to, thu nhỏ hoặc bị đổi màu. Người ta cho rằng trong tương lai không xa, chim bồ câu có thể giúp phát triển các phương pháp phát hiện ung thư dựa trên hình ảnh.

Kiến

Cũng như ong, kiến sở hữu các râu rất nhạy cảm, cho phép chúng phát hiện các chất mà con người không thể cảm nhận được. Theo các nhà khoa học, hóa chất cụ thể do khối u ung thư tiết ra có mùi đặc biệt.

Tuy nhiên, hơi thở không phải là khí thải cơ thể duy nhất có sự hiện diện các hóa chất này, chúng cũng xuất hiện trong nước tiểu. Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài kiến cảm nhận rất chính xác các hợp chất ung thư trong nước tiểu của chuột.

Nhưng kiến phản ứng với sự hiện diện của hóa chất như thế nào? Trong huấn luyện, khi phát hiện chất được yêu cầu, chúng sẽ được thưởng nước đường. Sau này khi các nhà nghiên cứu ngưng cho nước đường, lũ kiến sẽ ở lại lâu hơn trước các mẫu nước tiểu có chứa hợp chất gây ung thư vì đang mong đợi phần thưởng.

Chó

Với khứu giác được cho là tốt hơn của chúng ta từ 10.000 đến 100.000 lần, không có gì ngạc nhiên khi chó cũng có thể giúp con người tìm ra bệnh ung thư.

Chúng được huấn luyện để phát hiện bệnh trong hơi thở, huyết tương, nước tiểu và nước bọt. Trong nghiên cứu, người ta cung cấp cho chúng khoảng 300 mẫu mùi khác nhau, trước khi cho ngửi mùi của các chất gây ung thư. Kết quả thật khả quan, chúng phân biệt chính xác các mùi khác nhau một cách dễ dàng.

Ruồi giấm

Ruồi giấm sở hữu số lượng thụ thể cảm nhận mùi ít hơn một nửa so với ong. Nhưng tại sao các nhà nghiên cứu sử dụng chúng để phát hiện bệnh? Đó là do chúng phản ứng và thể hiện rõ ràng hơn so với ong. Các nhà khoa học đã tìm cách biến đổi gen của ruồi để phát sáng ngay khi chúng cảm nhận được sự hiện diện của các hóa chất cụ thể.

Trong nghiên cứu này, không khí có mùi của các tế bào ung thư vú và của hơi thở khỏe mạnh được thổi về phía ruồi. Sau đó, các nhà khoa học quan sát qua kính hiển vi các đốm huỳnh quang nhấp nháy trên râu của ruồi khi chúng phát hiện ra mùi. Kết quả rất khả quan, mang lại triển vọng về một giải pháp phát hiện ung thư sớm với chi phí vô cùng rẻ.

Giun

Ngoài bùn đất, dường như loài giun tròn còn quan tâm đến các tế bào ung thư, đặc biệt là khi chúng đói. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học Hàn Quốc đặt khoảng 50 con giun lên lam kính hiển vi, cùng với tế bào người khỏe mạnh và tế bào ung thư. Kết quả cho thấy, khoảng 70% giun luồn lách đến các tế bào ung thư.

Mặc dù không biết tại sao các tế bào ung thư thu hút những con giun, nhưng các nhà khoa học có một giả thuyết: Các tế bào ung thư phát ra nhiều phân tử có mùi giống táo thối, thứ hấp dẫn các loài giun. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tiếp, xem liệu chúng có thể phát hiện ung thư khi tiếp xúc với các chất như nước tiểu hoặc hơi thở, thay vì tiếp xúc trực tiếp với các tế bào ung thư hay không.

Châu chấu

Châu chấu sở hữu khứu giác mạnh mẽ, nên chúng cũng được nghiên cứu sử dụng để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã không huấn luyện châu chấu để nhận ra các tế bào ung thư, mà họ gắn các điện cực vào não của chúng để xem cách chúng phản ứng với khí do tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh phát ra. Kết quả cho thấy, châu chấu có thể làm được nhiều việc hơn, chúng có thể phân biệt giữa ba loại ung thư.

Mèo

Mặc dù không thính bằng mũi của chó, nhưng mũi của mèo có thể phân biệt các mùi tốt hơn cả chó và người. Giai thoại kể rằng, vào năm 2010, một phụ nữ ở Franklin, Tennessee, Mỹ đã đến gặp bác sĩ sau khi xuất hiện một vết bầm tím bí ẩn trên ngực, nơi mà con mèo của cô đã liên tục vồ vào. Kết quả, cô được phát hiện mắc ung thư vú.

Trước đó, một câu chuyện cũng gây chú ý ở Canada, theo đó một người đàn ông từ Calgary xác nhận con mèo của ông ta đã cảnh báo ông về căn bệnh ung thư phổi bằng cách liên tục cào vào ngực trái của chủ nhân. Nhờ vậy, ông được điều trị sớm và kéo dài tuổi thọ.

Theo Listverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ