Phổi là một cơ quan quan trọng của cơ thể. Với sự gia tăng ô nhiễm không khí, các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, xơ nang...khiến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tăng mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí gây ra 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Tiếp xúc quá nhiều với không khí ô nhiễm có thể khiến chất nhầy tập trung trong phổi gây ra các mầm bệnh và vi khuẩn, khiến ngực của bạn có cảm giác căng tức và khó thở.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn sẽ bảo vệ phổi khỏi ô nhiễm có hại và giúp bạn thở tốt hơn.
1. Táo
Táo chứa các hợp chất phenolic và flavonoid được biết đến với tác dụng giảm viêm trong đường thở. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hô hấp Châu Âu cho thấy rằng, trẻ em uống một ly nước táo mỗi ngày ít có nguy cơ mắc chứng thở khò khè hơn.
2. Trà xanh
Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể làm giảm viêm trong phổi và thúc đẩy quá trình chữa lành tốt hơn. Chất chống oxy hóa quercetin hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên, làm chậm quá trình giải phóng histamine gây ra các triệu chứng dị ứng.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy 1.000 người lớn ở Hàn Quốc uống hai tách trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn những người không uống trà xanh.
3. Cá
Các loại cá như cá thu, cá hồi, cá mòi và cá trích có thể giúp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Theo các nhà nghiên cứu tại Trường Y và Nha khoa Đại học Rochester, các axit béo omega 3 có trong cá có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng phổi.
4. Quả hạch và hạt
Quả hạch và hạt là một loại siêu thực phẩm khác cho phổi. Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, quả hồ trăn, quả phỉ và các loại hạt như hạt bí ngô, hạt lanh, hạt hướng dương cung cấp cho cơ thể bạn nhiều magiê, một khoáng chất cần thiết có tác dụng giãn phế quản.
5. Dầu ô liu nguyên chất
Dầu ô liu chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, vitamin E và vitamin K có thể giúp bảo vệ chống lại stress oxy hóa trong phổi và ngăn ngừa tổn thương mô phổi.
6. Bông cải xanh
Bông cải xanh có chứa một hợp chất gọi là sulforaphane, làm tăng hoạt động của một gen được tìm thấy trong tế bào phổi giúp bảo vệ cơ quan khỏi bị tổn thương do stress oxy hóa. Nó cũng cải thiện luồng không khí trong phổi ở bệnh nhân hen.
7. Gừng
Gừng có đặc tính chống viêm có thể làm giảm viêm trong cơ thể. Nó cũng giúp giải độc phổi và thúc đẩy loại bỏ các chất ô nhiễm khỏi phổi. Loại gia vị này cũng làm giảm tắc nghẽn, khơi thông đường thở và cải thiện lưu thông đến phổi, do đó tăng cường sức khỏe của phổi.
8. Tỏi
Tỏi có chứa flavonoid kích thích sản xuất glutathione giúp loại bỏ các độc tố và chất gây ung thư, hỗ trợ thêm cho hoạt động bình thường của phổi. Một nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ ba nhánh tỏi sống hai lần một tuần ít có nguy cơ mắc ung thư phổi hơn 44%.
9. Ngũ cốc nguyên hạt
Kết hợp thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt quinoa và lúa mì nguyên hạt vào chế độ ăn uống của bạn. Những thực phẩm này làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi mãn tính và tăng cường sức khỏe đường hô hấp.
10. Củ cải đường
Củ cải đường, một loại rau củ chứa nhiều chất phytochemical và các hợp chất hoạt tính sinh học có thể giúp cải thiện chức năng phổi. Nó cũng là một nguồn giàu nitrat, đã được chứng minh là giúp phổi hoạt động bình thường. Nitrat hỗ trợ mở rộng mạch máu, giảm huyết áp và tăng lượng oxy.
11. Nghệ
Nghệ, một loại gia vị tuyệt vời được đánh giá cao vì các đặc tính y học của nó có thể có lợi cho việc hỗ trợ chức năng phổi, nhờ vào thành phần hoạt chất chính trong nghệ được gọi là curcumin.
12. Cà chua
Cà chua là nguồn thực phẩm giàu lycopene, một loại carotenoid có liên quan đến hoạt động bình thường của phổi. Tiêu thụ cà chua và nước ép cà chua đã được chứng minh là làm giảm viêm đường thở ở những người bị hen suyễn và giảm nguy cơ tử vong ở những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
13. Ca cao
Ca cao rất giàu polyphenol và chứa một hợp chất gọi là theobromine, giúp thư giãn các cơ trơn phế quản trong phổi và kích thích cơ tim.
14. Cà phê
Cà phê - một thức uống cung cấp năng lượng vào buổi sáng, chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể có tác động tích cực đến sức khỏe của phổi. Một nghiên cứu cho thấy uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và cải thiện chức năng phổi.