Mua sắm online tiện lợi nhưng nếu nền tảng mua sắm không đủ an toàn, khách hàng có thể trở thành nạn nhân lừa đảo . Thông tin của bạn có thể bị lộ bởi bất kỳ một khâu nào trong quá trình mua sắm online: Đơn vị giao hàng, phần mềm quản lý hay chính trang web thương mại điện tử (TMĐT) nơi bạn vẫn mua sắm. Mức độ thiệt hại cũng rất đa dạng, từ việc phải nhận đơn hàng toàn rác rưởi với giá cả triệu đồng tới việc mất 50.000 đồng tiền ship để nhận một hộp quà không có gì.
Dưới đây là những hình thức lừa đảo mua sắm online phổ biến mà nhiều người không may gặp phải trong thời gian gần đây, bạn nên tìm hiểu để phòng tránh:
Lộ thông tin đơn hàng trên trang TMĐT, đơn hàng giả giao đến trước đơn thật
Rất nhiều người mua hàng và chính các shop bán hàng trên một trang TMĐT hàng đầu Việt Nam đều đăng bài về thông tin đơn hàng bị lộ trong những tháng gần đây.
Cụ thể, khi đơn hàng thật vẫn đang ở trạng thái “Chờ xác nhận”, “Đang chuẩn bị hàng” hoặc mới chuyển sang “Đang giao hàng” thì một người trông có vẻ giống nhân viên giao hàng đã liên lạc và giao hàng rất nhanh.
Nhân viên giao hàng mặc đồng phục của các đơn vị vận chuyển quen thuộc, biết rõ thông tin liên lạc, địa chỉ, nơi bạn mua hàng, mặt hàng bạn mua, mức giá và giao hàng COD nhanh như một cơn gió.
Tuy nhiên, các mặt hàng bên trong lại là đồ rác rưởi, đồ giá trị thấp linh tinh. Đối chiếu hóa đơn, bạn nhận ra đơn hàng này bị sai mã vận đơn. Nếu người mua liên lạc với bên bán, bên shop thậm chí còn chưa xác nhận, hay chưa gói hàng.
Bên đơn vị vận chuyển khẳng định mã vận đơn trên đơn hàng bạn nhận không có thật. Và khiếu nại với chính website TMĐT thì chắc… qua vài cái tết vẫn không có trả lời thích đáng.
Kiểu lừa đảo này xảy ra với các đơn COD - trả tiền mặt lúc nhận hàng và không xảy ra với những trường hợp thanh toán trước.
Quà tặng tri ân: Quà free nhưng phí giao hàng rất cao, có khi còn đòi tiền thuế
Thêm một kiểu lừa đảo khác: Một số điện thoại lạ báo bạn đã trúng thưởng hoặc được tặng quà tri ân từ nơi bạn đã từng mua sản phẩm, dịch vụ.
Món quà miễn phí nhưng shop sẽ “nhờ” bạn thanh toán tiền ship, dao động 50.000 - 150.000 đồng. Một số trường hợp còn bắt bạn thành toán thêm 1-2 triệu đồng tiền thuế nếu món quà trúng thưởng có giá hàng chục triệu đồng.
Đừng vội vui nếu bạn được báo trúng quà tặng. Chỉ nhận quà tặng nếu bạn không phải trả thêm khoản phí nào, dù ít hay nhiều.
Nhiều người vì quá bất ngờ và vui bởi chẳng mấy khi trở thành “khách hàng may mắn” nên đồng ý, có người lại thấy có chút nghi nghi, nhưng món quà hứa hẹn thường có giá trị cao như “vòng điều hòa huyết áp” hay smartwatch nên cũng sẵn lòng bỏ ra mấy chục nghìn tiền ship, xem may rủi như thế nào. Và 100% những lần tặng quà may mắn nhưng phí ship cao thế này thì chính là “rủi”.
Website FPT cũng đăng bài cảnh báo vì hàng loạt khách hàng bị lừa tặng quà giá trị. Bên gọi điện tự xưng là của FPT Shop.
Bên trong thường là món đồ điện tử giá rẻ khoảng 10.000 - 15.000 đồng nếu bên trúng thưởng tự xưng là siêu thị điện máy, vòng tay phong thủy 20.000 đồng nếu quà tặng hứa hẹn là vòng điều hòa huyết áp hay gói bột mặt nạ không rõ nguồn gốc nếu bên tặng quà là spa, trung tâm thẩm mỹ. Một số người dùng còn không biết là mình bị lừa mà chỉ nghĩ là quà tặng hơi đểu bởi cho rằng “lừa 50.000 đồng thì lừa làm gì”.
Shop mạo danh hoặc lấy ảnh của shop "xịn", làm người mua nhầm lẫn
Khi mua sắm trên các web TMĐT, nhiều người có xu hướng tìm kiếm ảnh sản phẩm có đóng logo của shop quen của mình hoặc gõ tên shop ở thanh tìm kiếm. Tuy nhiên, lợi dụng danh tiếng của những shop này, một số bên bán hàng đặt tên shop gần giống với tên shop “xịn” hoặc chôm ảnh có đóng logo và mô tả đặc thù của shop xịn.
Một cú search tên shop sẽ ra các lựa chọn na ná nhau, bạn cẩn thận nhầm nhé.
Cùng ảnh, cùng mô tả, cùng logo shop. Điểm khác biệt là ảnh trên đóng logo chính chủ shop, ảnh dưới là đồ đi mượn thôi. Chưa biết có phải cố tình lừa đảo không, nhưng cách sử dụng hình ảnh này khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn.
Nếu nhìn qua, người mua rất dễ bị nhầm lẫn và nhận được một đơn hàng không ưng ý. Nếu chỉ là dựa hơi, bạn có thể chỉ mua với giá cao hơn. Nhưng tệ hơn, đây có thể là một shop bán đồ giả thì mới bán hàng theo phong cách lừa đảo thế này. Đến lúc khách hàng liên hệ với shop xịn mới nhận ra, mình đã mua nhầm shop. Vì các trang TMĐT tập hợp người bán hàng cá nhân nên không có quy định về logo, tên gọi, nhận diện thương hiệu nên cách duy nhất chính người mua phải tự thương lấy mình, quan sát cẩn thận thôi.