Nhiều năm nay, Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập và điều hành tại Hà Nội và TPHCM, với sự đồng hành của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã trở thành địa chỉ văn hóa thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Hoạt động của Cà phê Thứ Bảy được tổ chức vào cuối tuần khá phong phú, chủ đề vừa thiết thực vừa sâu sắc. Người tham gia tự chi trả đồ uống của mình và được dự phần vào một buổi hòa nhạc, chiếu phim, hay lắng nghe các diễn giả trò chuyện về các vấn đề văn hóa - nghệ thuật. Nhạc sĩ Dương Thụ trực tiếp khơi mào, dẫn dắt các buổi sinh hoạt đó.
Hoạt động của Cà phê Thứ Bảy có nét tương đồng với nhiều không gian văn hóa nghệ thuật khác vốn không hiếm gặp ở Hà Nội và TPHCM, nhưng ở đây luôn giữ được nhịp độ ổn định về thời gian và chất lượng cũng như sự tham gia của các diễn giả uy tín.
Yếu tố phi lợi nhuận cũng là điểm đáng khích lệ ở những không gian này. Và tất nhiên, để làm được lâu dài cần có điểm tựa về tài chính. Nhiều không gian đã được mở ra rồi lặng lẽ rút lui cũng vì không đủ tiền chi trả phí thuê mặt bằng và “nuôi” các hoạt động lâu dài.
Dù hoạt động ở quy mô nhỏ, chưa kết nối và đồng bộ như một mạng lưới, nhưng những giá trị về mặt tinh thần mà các không gian này mang tới là rất tích cực, lan tỏa và kích hoạt tình yêu văn hóa nghệ thuật cùng trách nhiệm tới cộng đồng.
Cuộc sống có thể bận rộn với mưu sinh nhưng khi đã dành cho mình khoảng thời gian 1 - 2 tiếng đồng hồ quan tâm tới văn hóa nghệ thuật thì mỗi người sẽ nhận về một nguồn năng lượng và cảm xúc tươi mới.
Từ đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã hình thành các salon nghệ thuật. Thời điểm đó chủ nhân của các salon cũng chịu ảnh hưởng mô hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật phương Tây vốn đã phổ biến từ thế kỷ 18, 19, chủ yếu dành cho giới thượng lưu và nghệ thuật hàn lâm.
Các không gian sáng tạo đang hoạt động ở nước ta hiện nay rộng mở với mọi tầng lớp, lứa tuổi. Chỉ cần bạn thích, bạn có quyền tham dự. Bạn đến sớm có ghế ngồi. Bạn đến muộn thì có thể đứng. Mọi ứng xử phù hợp với văn hóa đại chúng. Đó cũng chính là tinh thần của văn hóa và nghệ thuật đương đại.
Duy trì và mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt là mong muốn của nhiều khán giả thường xuyên theo dõi hoạt động của các không gian này. Song một điều rất quan trọng là tính định hướng trong giáo dục văn hóa nghệ thuật, hướng tới những nhận thức và tư duy xã hội tích cực - điều này dường như đang bị bỏ ngỏ, hay chưa được quan tâm đúng mức.
Vì thế, rất cần sự sâu sát của các đơn vị quản lý cùng tầm nhìn, tấm lòng nồng hậu của các “ông chủ, bà chủ” salon. Bởi dù tự do và cởi mở, song một phát ngôn cực đoan, thiếu thiện chí ở những không gian này có thể là nguồn cơn của những nhận thức lệch lạc, tiêu cực.