Vợ nhạc sĩ Dương Thụ tên thật là Phạm Thị Thu Thủy (còn gọi là Thủy Phạm). Chị sinh năm 1971, là nhà báo. Hai người đã chung sống bên nhau suốt 18 năm.
- Những người vợ thích sánh đôi chồng trước đám đông. Tại sao chị luôn để nhạc sĩ Dương Thụ đứng một mình?
- Những lúc tôi để chồng một mình thường là ở các sự kiện tiếp xúc công chúng, nơi ban tổ chức mời Dương Thụ với tư cách là "người của công chúng". Chúng tôi rất trân trọng những lời mời như vậy và thật sự chỉ muốn mọi thứ diễn ra đúng hoàn cảnh thôi. Ngoài sự xuất hiện độc lập vì công việc, chúng tôi luôn cùng nhau "mọi lúc mọi nơi".
- Sống bên nhau 18 năm, cuộc tình của chị với người đàn ông hơn mình 29 tuổi có điểm gì thú vị?
- Tôi không biết tình yêu của người khác thế nào để so sánh nhưng chắc chắn, cuộc tình nào có tình yêu thật sự cũng đều thú vị. Hai người có sự cách biệt về thế hệ mà đi được cùng nhau thì người này sẽ có cơ hội khám phá thế hệ của người kia với nhiều bất ngờ.
Tiếng Việt có một từ nói về quan hệ vợ chồng mà tôi rất thích, đó là "bạn đời". Người chồng hay vợ là bạn của người kia, không chỉ lúc vui, buồn, gọi nhau "cà phê cà pháo", mà còn bên mình suốt đời từ lúc ở ngoài đường, trong nhà, trên giường và cả trong bếp. Mà đã là bạn thì không nhất thiết phải giống nhau. Nhưng chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ, bù trừ, yêu thương, thậm chí hy sinh cho nhau.
Đi qua những cảm giác của người thầy, người tình, tôi thích cảm giác là bạn đời trong mối quan hệ này.
- Trong mắt chị, nhạc sĩ Dương Thụ là người thế nào?
- Nếu chọn một từ mà tôi thích để nói về người đàn ông này, đó là "người say mê". Ông làm gì cũng say mê, viết nhạc, làm album, dựng chương trình, kể cả việc cho cá ăn hay tưới cây trong vườn. Niềm say mê mạnh mẽ đến độ nó có thể khiến những người bên cạnh... mê luôn sự say mê đó của ông.
Đôi lúc tôi cũng băn khoăn không hiểu ông lấy đâu ra sự say mê lớn đến như thế, ở tuổi này và sau khi đã trải qua biết bao khốn khó, bạc bẽo, mất mát... trong đời. Nói về sự say mê, thì chúng tôi có chung "slogan sống" là: Hãy để sự say mê cuốn đi.
- Mối lương duyên của hai người bắt đầu từ đâu?
- Năm 1994, nhạc sĩ Dương Thụ ra Hà Nội chuẩn bị cho chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam mà ông làm tổng đạo diễn. Tôi mới bước chân vào nghề báo sau một thời gian kiếm sống tại Sài Gòn. Chúng tôi gặp nhau vì công việc và trở thành bạn từ hồi nào không hay. Tôi nhớ cuộc nói chuyện hai người đầu tiên có lẽ kéo dài tới 8 giờ đồng hồ.
Tưởng như cả hai có thể chia sẻ mọi thứ, từ âm nhạc, văn chương, TP HCM, Hà Nội..., dĩ nhiên trừ chuyện tán tỉnh nhau. Chắc chẳng ai nói được nhiều và nghe được nhiều như vậy nên cả hai đành phải về chung một nhà để nói cho nhau nghe (cười). Mọi sự đều thuận theo tự nhiên đến mức chúng tôi cũng chẳng kịp nhận ra nó xảy ra chính xác vào lúc nào và như thế nào.
- Điều gì ở nhạc sĩ Dương Thụ đã thuyết phục chị nhận lời cầu hôn?
- Mọi người đừng tưởng tượng màn cầu hôn lãng mạn như mấy cô cậu thế hệ 9X, 10X trên mạng để thất vọng nhé. Năm 1994, Dương Thụ được biết đến với một vài ca khúc tương đối phổ biến như Tiếng sóng, Hơi thở mùa xuân... qua tiếng hát của những ca sĩ như Lệ Quyên, Hồng Nhung. Tuy nhiên, tôi bị ám ảnh với một bài hát có lẽ ít người biết đến là Tìm biển, qua tiếng hát của ca sĩ Sao Mai. Bài hát này nằm trong album nhạc cassette của Dương Thụ.
Ở đoạn giới thiệu, ông tâm sự rằng: "Tôi mơ được nắm tay em mà không cần phải nói. Tôi mơ sự dịu dàng. Tôi mơ chúng ta còn mãi với cái chúng ta yêu quý. Không có mất mát, không có đổ vỡ, không có chia tay, không có thù oán. Nhưng sự sống thực không bao giờ, tôi biết, điều đó không bao giờ... Nhưng đôi khi tôi vẫn mơ và khi ấy tôi thường viết bài hát". Tôi cảm động vì những lời đó. Vì những giấc mơ không chỉ là âm nhạc mà chính là cuộc sống của ông.
- Là người đến sau, chị gặp áp lực hay ngăn trở nào khi đến với Dương Thụ?
- May quá, hơn 20 năm trước Facebook vẫn chưa có, các "thánh phán" trên mạng cũng không đông như hiện nay nên tôi không gặp phải nhiều áp lực. Có chăng chỉ là một vài lo ngại chân tình vì thương yêu của gia đình, người thân, bạn bè.
Lúc đó, tôi chẳng nghĩ gì nhiều đâu mà chỉ làm theo trực giác, thấy bản thân thoải mái là được. Nếu có nghĩ, chỉ đơn giản là: Một ngày hạnh phúc đã là hạnh phúc, một đời không có một ngày hạnh phúc sao gọi là hạnh phúc?
Vợ chồng tôi cùng suy nghĩ rằng "cuộc đời là phép cộng". Vì vậy, cả hai đều tôn trọng và trân trọng những gì mình đã sống, trải qua, bất cứ đó là hạnh phúc hay đau khổ, nhận được hay mất mát.
- Cuộc sống của hai vợ chồng "tĩnh" như Dương Thụ hay "động" giống chị?
- Có cả tĩnh và động. Cả hai chúng tôi đều bận rộn với công việc riêng và chung. Nếu tham việc quá, "động" nhiều quá, thì lại nhắc nhở nhau "tĩnh" lại chút. "Tĩnh" không phải là nghỉ làm việc, mà là làm nó ở chiều sâu hơn, chậm hơn.
- Một ngày bình thường của vợ chồng chị diễn ra thế nào?
- Chúng tôi chia nhau làm việc nhà, chăm sóc cây cối, vườn tược, giải quyết các công việc liên quan ngoài xã hội và cố gắng trong ngày có ít nhất một bữa cơm cùng nhau ở nhà.
- Những lúc tranh cãi, hai người làm sao để giải quyết?
- Chẳng làm thế nào cả. Bản thân mọi việc sẽ tự giải quyết theo lẽ cái gì hợp lý hơn sẽ thắng và thường thì cả hai tự nhận ra điều ấy sau hồi tranh cãi