Thế nhưng, giữa bao sắc màu tưng bừng của đủ loại hình sân khấu: Kịch, xiếc, múa rối, ca nhạc tạp kỹ ấy vẫn còn những khoảnh khắc buồn…
Thiếu vở diễn cho tuổi teen
“Mâm cỗ” nghệ thuật dành cho Tết Thiếu nhi năm nay ở Hà Nội có khá nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật như Anh hùng Sờn Zách (Nhà hát Kịch Việt Nam); Giấc mơ nàng tiên cá, Đại chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh, Con chim xanh (Nhà hát Tuổi trẻ); Các con là tất cả (Nhà hát Múa rối Thăng Long); Phượt cùng bà lão đánh cá (Nhà hát Múa rối Trung ương); Cuộc phiêu lưu của chú Tễu (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Alibaba và những tên cướp (Sân khấu Thể nghiệm Mai Dịch); Peter và chó sói (Nhà hát Star Galaxy); Tấm Cám (Sân khấu Lệ Ngọc)…
Nhưng, trong khoảng 10 vở diễn, chương trình đó chỉ duy nhất có một vở diễn dành riêng cho khán giả tuổi teen - vở kịch Con chim xanh, còn lại phần lớn đều là những vở diễn, tiết mục phục vụ khán giả tuổi nhi đồng.
Vở kịch Con chim xanh của Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với phái đoàn Wallonnie- Bruxelles (Bỉ) dàn dựng không phải là kịch bản thuần Việt mà được chuyển thể từ kịch bản của tác giả người Bỉ Maurice Maeterlinck.
Vở kịch kể về những bạn đang ở độ tuổi teen như Tintin, Mintin mải miết đi tìm con chim xanh những mong cứu sống người bạn nhỏ ốm nặng. Và phép lạ của niềm tin dần mở ra trong những bước đường phiêu lưu ấy đã đem lại cho những khán giả tuổi teen biết bao trải nghiệm, bài học thực sự dành cho lứa tuổi của mình.
Cùng với đạo diễn người Bỉ Xavie Lukowski dàn dựng vở Con chim xanh, đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến chia sẻ rằng, giờ đây sân khấu thật hiếm những vở diễn dành riêng cho tuổi teen.
Ngoài Con chim xanh chỉ có thể kể thêm một hai vở khác cũng được dàn dựng từ những dự án hợp tác của Nhà hát Tuổi trẻ như Hoàng tử gấu và hạt đậu thần (hợp tác với sân khấu IDECAF) hay Vịt trời trúng độc (hợp tác với Nhà hát rối dây Edo - Yukiza của Nhật Bản)…
Theo đạo diễn Sĩ Tiến, lý do dẫn đến sự hiếm hoi này là vì không có kịch bản dành riêng cho tuổi teen. Đồng thời, các đạo diễn cũng rất ngại dựng kịch cho cái tuổi dở dở, ương ương này vì rất khó, khi phải có sự hòa trộn khôn khéo để không bị quá nghiêm túc như kịch dành người lớn mà không được quá hoạt náo như kịch dành cho nhi đồng.
Bởi sự hiếm hoi ấy mà vở kịch Con chim xanh được dàn dựng từ mùa hè năm 2017 nhưng không bị “cất kho” khi liên tiếp hai mùa hè qua vẫn thu hút khán giả tuổi teen.
Thế nhưng: “Một mình Con chim xanh không đủ sức khỏa lấp… Thật đáng tiếc khi “nhịp cầu” khán giả vô cùng quan trọng này bị ngắt đoạn. Đây cũng có thể coi là một lý do lý giải vì sao lúc nhỏ các cháu nhi đồng vẫn đến sân khấu song khi quá tuổi 15 là ngó lơ”, đạo diễn Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, người tâm huyết với sân khấu thiếu nhi nói.
Mới chỉ là “nhân dịp”
Trong chừng mươi năm trở lại đây, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập, dân lập đều quan tâm đến thị trường khán giả thiếu nhi vào mỗi dịp Tết Thiếu nhi 1/6 cũng như dịp Tết Trung thu.
Không riêng gì các nhà hát kịch, múa rối, xiếc, hồi đầu, các nhà hát chèo, tuồng cũng dựng vở diễn, chương trình tạp kỹ. Tiêu biểu như Nhà hát Chèo Hà Nội đã mời cả nghệ sĩ hài Minh Vượng tham gia biểu diễn các vở chèo được dàn dựng dành riêng cho thiếu nhi như Khắc nhập khắc xuất, Cây sáo thần, Ăn khế trả vàng… rồi lên kế hoạch biểu diễn cả 3 tháng hè tại rạp Đại Nam.
Thêm nữa, Công ty Đông Đô Show cũng thường xuyên mời các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn như nghệ sĩ bong bóng Fan Yang đến từ Canada, hai nữ nghệ sĩ ảo thuật Nhật Bản - Ai và YuKi…
Hay nhóm nghệ sĩ hài như Xuân Bắc, Tự Long cũng công diễn các vở kịch như: Giải cứu Barbie - Sức mạnh Spiderman, Chúa nhẫn và những chiến binh vũ trụ, Âm mưu của Đại Ma Vương… Lúc đó, các chương trình nghệ thuật này thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả nhí.
Tuy nhiên, dăm năm trở lại đây “mâm cỗ” tiệc nghệ thuật ấy ngày càng bớt món khi nhà hát chèo, tuồng không dựng vở thiếu nhi, Đông Đô Show không còn kết nối với các nghệ sĩ nước ngoài, nhóm Xuân Bắc – Tự Long cũng không còn biểu diễn.
Mặt khác, các món nghệ thuật ấy ngày càng ít đặc sắc, thậm chí “vị” cứ giông giống nhau khi các vở kịch, chương trình được dàn dựng thường mang tính “mùa vụ”, “nhân dịp” và vở mới của năm nay chính là “bình mới” chứa “rượu cũ” của năm trước.
Cách làm dễ đem đến sự nhàm chán và không có kế hoạch dài hơi như hiện nay đã bị khán giả nhí “bắt bài” khi trước mỗi buổi thưởng thức nghệ thuật các em luôn chắc mẩm kiểu gì diễn viên cũng hỏi: Các cháu ơi, mụ phù thủy có đáng ghét không? Nàng Bạch Tuyết có nên ăn táo không nhỉ…? Và dần dần nhiều khán giả nhí lắc đầu không muốn trở lại sân khấu kịch, khiến cho thị trường sân khấu thiếu nhi không còn thực sự sôi động như mấy năm trước.
Ngoài nguyên do các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật còn thiếu kế hoạch đầu tư cho sân khấu thiếu nhi thì thực tế này xảy ra cũng từ bài toán thiếu kịch bản.
Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành cho biết, hồi những năm 80 của thế kỷ trước, nhà hát có tác giả Nguyễn Khắc Phục, Ðỗ Diệp Khang thi thoảng viết một hai kịch bản. Nhưng sau đó các tác giả ấy không viết nữa... Và từ đó không có tác giả nào chuyên viết kịch thiếu nhi.
Còn NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng từng trăn trở khi nhắc đến chuyện Hội có chủ trương mở trại sáng tác viết kịch bản thiếu nhi. Đấy là năm 2010, Hội mong muốn mở trại sáng tác này và đã gửi công văn đến tất cả các hội văn học nghệ thuật trong cả nước nhưng không có tác giả nào đăng ký. Thế là, trại sáng tác không thể mở được.