Thiết kế giáo án
Thầy Nguyễn Văn Song cho rằng, việc thiết kế một giáo án là vô cùng quan trọng; giống như việc một kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà của mình trên bản vẽ.
Nếu bản vẽ hợp lý, khoa học thì tòa nhà được xây dựng sau này sẽ hoàn hảo nếu thực hiện đúng theo yêu cầu của bản vẽ. Muốn có một giáo án tốt, người giáo viên phải có các bước làm viêc sau đây:
Nếu là một giờ dạy tác phẩm văn học, trước hết giáo viên phải đọc tác phẩm. Trong quá trình đọc, giáo viên phải huy động tất cả những kỹ năng đọc hiểu để nhận diện được các nhân vật, hình tượng, nắm bắt được cốt truyện, mạch cảm hứng, hiểu chủ đề tư tưởng của tác phẩm và ý đồ của nhà văn, nhà thơ.
Tiếp đến, giáo viên phải huy động tất cả sự hiểu biết vốn có của mình liên quan đến tác phẩm, đọc những bài phê bình, nhận xét, đánh giá về tác phẩm, đọc sách giáo viên và các thiết kế bài giảng (nếu có).
Sau khi đã có một kiến thức nền đầy đủ về tác phẩm, giáo viên dựa vào mục đích, yêu cầu trong chương trình và sự cảm nhận của cá nhân về giá trị của tác phẩm để tiến hành soạn bài.
“Bạn có thể đọc hàng chục cuốn sách trước khi soạn bài, nhưng khi tiến hành soạn, cách tốt nhất là bạn chỉ giữ lại sách giáo khoa và soạn bài độc lập theo cách hiểu, cách cảm nhận và cách thiết kế của bạn.
Nếu làm được như thế thì sau khi soạn xong, dường như bài soạn đã trọn vẹn trong suy nghĩ của bạn. Chính vì thế khi lên lớp, bạn không còn phải “đánh vật” với những trang giáo án nữa” - thầy Song lưu ý.
Bên cạnh đó, giáo viên cần phải thoát ly được giáo án khi dạy học, kể cả giáo viên mới ra trường. Khi thoát ly được giáo án là khi người dạy làm chủ được toàn bộ kiến thức của bài học. Nếu chưa chủ động được phần kiến thức cơ bản thì người dạy thật khó để thuyết phục được người học.
Những điều cần lưu ý khi soạn bài
Trong quá trính soạn bài, thầy Song cho biết cần đặc biệt lưu ý các khía cạnh sau:
Về cấu trúc bài soạn: Bài soạn phải rõ ràng, các ý được khai thác phải là những điều trọng tâm, cốt lõi của tác phẩm và trùng với mục đích yêu cầu của bài học.
Giữa các ý phải có mối liên hệ logic chặt chẽ nhưng không được trùng lặp, rối ý, chồng chéo. Đây là khâu rất quan trọng đối với một bài soạn.
Nếu cấu trúc không mạch lạc, thống nhất, sáng rõ thì thật khó để làm nổi bật giá trị của một tác phẩm và giờ học khó để đảm bảo tính hệ thống.
Thầy Song tâm sự: Khi mới ra trường, thực sự tôi rất băn khoăn khi soạn bài Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân dù đã đọc khá nhiều tài liệu tham khảo.
Tôi cứ tự hỏi: Nếu khai thác theo nhân vật thì có nên đưa hình ảnh các nhân vật trong cảnh cho chữ vào không? Nếu cho vào thì có cần phải tách riêng cảnh cho chữ để khai thác nữa không? Nếu tách cảnh cho chữ riêng thì phải khai thác như thế nào mới đúng?
Tôi đã phải nghĩ về các nhân vật, nghĩ về cảnh cho chữ kia rất nhiều và cuối cùng tôi hiểu rằng, cảnh cho chữ giống như một khoảnh khắc sáng lóe có khả năng soi rọi vẻ đẹp của các nhân vật một cách trọn vẹn và sinh động.
Nếu không khai thác riêng, sẽ không thấy cách xây dựng tình huống rất độc đáo của Nguyễn Tuân, nếu đưa hình ảnh các nhân vật trong cảnh cho chữ để khai thác theo nhân vật bài giảng sẽ bị trùng lặp.
Hình thức bài soạn: Khi soạn bài, giáo viên có thể kẻ khung, có thể không nhưng nhất thiết trong bài soạn phải thể hiện được hoạt động của thầy, hoạt động của trò và phần kiến thức cần chốt lại cho học sinh.
Phần ghi hoạt động của thầy cần thấy được phương pháp, phương tiện sử dụng khi giảng dạy và những khoảng để thầy liên hệ, mở rộng. Những khoảng ấy, giáo viên có thể để trống, hoặc chỉ dẫn hết sức ngắn gọn.
Ví dụ: Khi dạy đoạn trích Trao duyên, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du, đến những câu thơ:
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Giáo viên chỉ cần viết ở phần hoạt động của thầy: lấy thêm dẫn chứng trong Truyện Kiều để làm nổi bật mối tình say đắm của Thúy Kiều và Kim Trọng có liên quan đến các chi tiết trong hai câu thơ.
Có làm được điều ấy mới thấy việc trao duyên của Kiều là vô cùng khó khăn. Nếu kết cấu bài soạn hợp lý, là khung xương vững chắc thì những khoảng trống trong phần hoạt động của thầy là những nét uốn lượn mềm mại làm nên vẻ đẹp và linh hồn của một giờ dạy văn.
Một người thầy thiết kế được nhiều khoảng trống phù hợp chính là một giáo viên văn giàu kiến thức và tài hoa. Với người thầy giỏi, thì một khoảng trống có thể được lấp đầy bằng nhiều kiểu dạng tùy theo đối tượng học sinh và sự kết hợp giữa thầy và trò.
Chẳng hạn, khi phân tích vẻ đẹp tài hoa của nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, khi khai thác tài viết chữ Hán của Huấn Cao, giáo viên có thể ghi một chỉ dẫn: Nói thêm về thú chơi chữ Hán của người xưa.
Một chỉ dẫn ấy có nhiều cách để lấp đầy. Có thể giáo viên đưa ra một bức thư pháp chữ Hán để giới thiệu, có thể đọc một đoạn trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, có thể tự mình viết một vài chữ Hán theo lối thảo (nếu viết được đẹp) rồi giới thiệu.
Thế mới có chuyện nhiều thầy cô cùng dạy theo một thiết kế giáo án nhưng mười giờ dạy vẫn hoàn toàn khác nhau về chất lượng. Chỉ ai những ai nhìn thấy những khoảng trống và biết cách lấp đầy một cách khéo léo, sinh động, hấp dẫn thì mới tạo ra được một giờ văn chất lượng.
Làm nên sự khác biệt giữa các giáo viên dạy văn chính là ở những khoảng trống không có trong giáo án kia.
Phần ghi hoạt động của trò, theo thầy Song, thường rất ngắn gọn bởi thực sự đó là phần giáo viên mới có thể dự kiến chứ chưa thể biết học trò sẽ hoạt động ra sao. Đó là khoảng trống dành cho học sinh. Khoảng trống ấy sẽ được lấp hay không tuỳ thuộc vào sự khơi gợi của người dạy trong quá trình tổ chức giờ dạy.
“Phần chốt lại cho học sinh chính là phần kiến thức cơ bản cần đạt được của một đơn vị kiến thức. Phần này phải hết sức ngắn gọn, cô đọng, trọng tâm và phải kết hợp chặt chẽ với hoạt động của thầy và trò. Nghĩa là kiến thức ấy được rút ra từ hoạt động của thầy và trò” - Thầy Song lưu ý.