Những khách hàng mua phần mềm giám sát điện thoại của Việt Hồng

Người mua các phần mềm nghe lén, giám sát điện thoại trái phép là những người có thể tiếp cận trực tiếp với điện thoại của người bị theo dõi, như: Vợ chồng, người yêu theo dõi nhau, theo dõi đối thủ làm ăn hoặc nhân viên theo dõi điện thoại của sếp... Có hơn 100.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén.

Có hơn 100.000 điện thoại ở Việt Nam đã bị cài phần mềm nghe lén trái phép của công ty Việt Hồng.
Có hơn 100.000 điện thoại ở Việt Nam đã bị cài phần mềm nghe lén trái phép của công ty Việt Hồng.

Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà 110 đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bị cơ quan chức năng phát hiện đang kinh doanh trái phép phần mềm ptraker cho phép theo dõi, nghe lén điện thoại di động ở Việt Nam. 

Đại tá Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng PC 50 Công an Hà Nội - cho biết: Bên cạnh vụ công ty Việt Hồng đã bị khởi tố hình sự để điều tra như báo chí đã đưa tin, còn có một vụ khác.

Đó là một số người đã dùng các phần mềm giám sát ở các trang web nước ngoài, sau đó cung cấp cho những người có nhu cầu để nghe lén và theo dõi điện thoại của một số cá nhân. 

Các đối tượng này mua phần mềm ở nước ngoài, không đặt máy chủ ở Việt Nam và số lượng người bị theo dõi ít nên Công an Hà Nội đã yêu cầu xử lý hành chính.

Liên quan đến câu hỏi ai là những người mua phần mềm giám sát, những cá nhân này đã dùng phần mềm này để làm gì và hành vi của người dùng phần mềm trái phép bị xử lý thế nào? Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết:

Những người mua các phần mềm giám sát, nghe lén đều là cá nhân và giám sát những người mà họ có khả năng tiếp cận điện thoại. Ví dụ: Vợ giám sát chồng, chồng giám sát vợ, theo dõi điện thoại của đối thủ làm ăn, có một số trường hợp nhân viên theo dõi điện thoại của sếp. 

Qua điều tra Công an Hà Nội đã phát hiện Công ty Việt Hồng giám sát lên đến gần 100.000 khách hàng, đa số các máy điện thoại bị cài đặt phần mềm nghe lén sẽ bị giám sát vĩnh viễn. 

Có những điện thoại đã được trao đổi, mua bán qua chủ khác nhưng phần mềm nghe lén vẫn hoạt động, vẫn chuyển thông tin của người này về máy chủ của công ty Việt Hồng.

Đại tá Sơn cũng cho biết, để có thể cài đặt phần mềm giám sát cần phải tiếp cận với máy điện thoại và cài đặt trực tiếp lên máy, do đó người yêu cầu cài đặt phải là những người có thể tiếp cận trực tiếp với máy điện thoại của người bị theo dõi. 

Như các trường hợp vợ chồng hay người yêu có thể tiếp cận với điện thoại của nhau, nhân viên có thể tiếp cận với điện thoại của sếp để cài đặt.

Phần mềm nghe lén do công ty Việt Hồng cung cấp có thể giám sát về hình ảnh, âm thanh của người bị giám sát. Toàn bộ thông tin của người này như: điện thoại, tin nhắn, email, hình ảnh sẽ được lưu vào máy chủ của Việt Hồng không giới hạn, người xem chỉ cần nộp tiền cho công ty Việt Hồng là muốn xem các thông tin bị lộ này lúc nào thì xem. Máy chủ của công ty Việt Hồng được thuê của một doanh nghiệp viễn thông trong nước và đang bị niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra.

Đại tá Sơn cũng chia sẻ, không chỉ có 2 vụ án đã bị phát hiện mà trên thị trường hình thành có nhiều trang web công khai mua bán các phần mềm nghe lén, giám sát nhưng việc đấu tranh rất khó khăn. 

Người cài đặt có điều kiện tiếp xúc với điện thoại của người bị theo dõi và họ được các công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn cài đặt qua Internet nên việc đấu tranh bắt quả tang người cài đặt trái phép rất khó khăn. 

Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đòi hỏi thu giữ chứng cứ, nếu không bắt được trực tiếp, không thu giữ được máy chủ đang lưu trữ các phần mềm này rất khó chứng minh hành vi phạm tội.

Hành vi cung cấp dịch vụ cài đặt phần mềm giám sát thông tin của Công ty Việt Hồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bị giám sát như: làm lộ, lọt thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, hoặc bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền của các cá nhân.

Theo bà Trần Thị Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, căn cứ điều 71 Luật Công nghệ Thông tin tất cả các hành vi thu thập thông tin cá nhân, nghe lén đều bị cấm. 

Hành vi của Công ty Việt Hồng có dấu hiệu vi phạm điều 226a Bộ Luật Hình sự về truy cập bất hợp pháp vào dữ liệu cá nhân của người khác. 

Theo bà Huệ, hành vi này có tác động tiêu cực mà ảnh hưởng của nó đến người bị theo dõi khó có thể đánh giá hết được. Bởi vì, trong các nội dung tin nhắn hay email của các cá nhân có cả những nội dung rất quan trọng như:

Mã OTP giao dịch với ngân hàng, xác nhận tài khoản Viber, Facebook, xác nhận mật khẩu các giao dịch Internet banking, do đó nếu nhân viên của Việt Hồng để lộ những thông tin này ra kẻ xấu sẽ dễ dàng lợi dụng để chiếm đoạt tài sản của cá nhân.

Theo ictnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ