Những kết quả quan trọng trong thực hiện tiêu chí giáo dục ở Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với việc triển khai đồng bộ giải pháp, Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã có những bước tiến vững chắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chất lượng giáo dục tỉnh Điện Biên có bước tiến vững chắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng giáo dục tỉnh Điện Biên có bước tiến vững chắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Xác định tầm quan trọng của tiêu chí

Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: Tiêu chí số 5 về Trường học và tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo.

Xác định được tầm quan trọng của tiêu chí, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM vào trong các Quy hoạch, Kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm và các văn bản chỉ đạo, điều hành của ngành”.

Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM cũng được ngành đẩy mạnh thực hiện. Từ đó, tạo sự đồng thuận về chủ trương, sự tích cực tham gia ủng hộ của các lực lượng cùng với ngành thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Các cơ sở giáo dục đã triển khai xây dựng kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 gắn liền với mục tiêu xây dựng NTM của các địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chủ trì kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí. Đảm bảo các trường học được đánh giá đều có cơ sở vật chất đáp ứng triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và được đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất đạt chuẩn, hiện đại…

Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục cũng được quan tâm thực hiện. Toàn ngành có 7.399 phòng học, 1.841 phòng học bộ môn, 3.597 phòng nội trú học sinh, 1.777 phòng công vụ giáo viên, trong đó có 9.395/14.614 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ trên 64%).

Cô trò trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

Cô trò trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Chủ động kiểm tra, rà soát thường xuyên chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của người học để khắc phục nguy cơ gây tai nạn thương tích.

Năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục phổ thông có 2.191 bộ thiết bị dạy học, tỉ lệ đáp ứng khoảng 88% nhu cầu. Hiện nay, Sở và các phòng GD&ĐT đang đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị dạy học từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, kinh phí sự nghiệp được phân bổ năm 2023, ưu tiên mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp 4, 8, 11. Cùng đó, chủ động rà soát nhu cầu mua sắm thiết bị lớp 4, 9, 12 để xây dựng kế hoạch mua sắm trong năm 2024.

Nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường

Tỉnh Điện Biên hiện có 483 trường, trung tâm với 7.387 lớp và trên 208 nghìn học sinh, học viên, sinh viên. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 129 trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân.

Chế độ chính sách đối với nhà giáo, học sinh, sinh viên được ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học và đảm bảo đúng quy định.

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường trong độ tuổi đi học THCS vượt kế hoạch UBND tỉnh giao.

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường trong độ tuổi đi học THCS vượt kế hoạch UBND tỉnh giao.

“Chế độ, chính sách đối với học sinh, sinh viên đã góp phần quan trọng vào việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ và chất lượng giáo dục toàn diện” – ông Nguyễn Văn Đoạt chia sẻ.

Tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,8%, vượt kế hoạch UBND tỉnh giao; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,9%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; trẻ 6 - 10 tuổi đi học tiểu học đạt 99,9%; trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 97,8%; trẻ 11 - 14 tuổi học THCS đạt 97,7%, vượt kế hoạch UBND tỉnh giao; trẻ 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương đạt 72,1%.

Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được tỉnh Điện Biên chú trọng. Tỉnh Điện Biên có 100% đơn vị hành chính cấp xã, huyện duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập GDMN, tiểu học, THCS mức độ 2. Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 tiếp tục tăng. Tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh có 125 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 và 95 xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

Đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Điện Biên có 87 xã đạt Tiêu chí số 5 về trường học, chiếm 75,65% tổng số xã nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, 101 xã đạt tiêu chí số 14, chiếm 87,83% tổng số xã nông thôn. Trong đó, có 78 xã nông thôn đạt chuẩn cả 2 tiêu chí.

“Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM với các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc ngành phụ trách gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản” – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.