Ngày 28/6, hơn một triệu thí sinh cả nước hoàn thành ngày thi đầu tiên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 2 môn Ngữ văn và Toán. Nhiều thí sinh hoàn thành ngày thi đầu trong tâm trạng nhẹ nhõm, thoải mái và vững tâm cho buổi thi ngày mai.
Sáng nay, thí sinh cả nước làm bài thi Ngữ văn, môn thi đầu tiên và là môn tự luận duy nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân là ngữ liệu cho câu 2 phần Làm văn, chiếm 5 điểm. Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi trong tâm trạng nhẹ nhõm, thoải mái, tự tin. Các em đánh giá đề thi sử dụng ngữ liệu quen thuộc nhưng có độ phân hóa cao. |
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, số thí sinh dự thi Ngữ văn là 1.012.060 thí sinh, chiếm tỷ lệ 99,65%. Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 11. Theo đánh giá chung, buổi thi Ngữ văn diễn ra cơ bản an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. |
Chiều cùng ngày, thí sinh làm bài thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm trong thời gian 90 phút. |
16 giờ ngày 28/6, khi thí sinh rời phòng thi, TP HCM có mưa lớn. Nhiều thí sinh đợi mưa tạnh mới ra về. Các em đánh giá đề thi bám sát chương trình học, có độ phân hóa cao. "Em thấy nếu ôn tập tốt chương trình thầy cô đã dạy ở lớp là có thể dễ dàng lấy 6-7 điểm, nếu chịu khó học chăm và có năng khiếu Toán thì có thể lấy được điểm trên 8", Nguyễn Ngọc Anh, điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh cho hay. |
Điểm thi Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có một phòng thi đặc biệt dành riêng cho thí sinh Nguyễn Công Đạt bị tai nạn gãy tay phải. Phòng thi có giám thị chính và giám thị hỗ trợ chép bài cùng với các thiết bị quay phim, ghi âm theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh Nguyễn Văn Đạt chia sẻ kể từ khi bị tai nạn, em đã tìm hiểu quy chế thi và xác định phải thi riêng. Từ đó, nam sinh cũng tự rèn luyện tư duy logic, tập viết bằng lời để chuẩn bị cho Kỳ thi thật. |
Điểm thi Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có một thí sinh đã 46 tuổi là trưởng thôn Liên Tài Năng, ông Đặng Văn Ảnh. Đây là thí sinh lớn tuổi nhất tại tỉnh Hà Tĩnh. Thưở nhỏ, do gia đình khó khăn, chưa có điều kiện học hành đến nơi đến chốn nên hiện nay, ông Ảnh đã nỗ lực ôn luyện tại Trung tâm GDTX huyện Can Lộc và quyết tâm lấy bằng tốt nghiệp THPT. “Tôi luôn nỗ lực phấn đấu để làm gương cho người dân và phải có trình độ văn hóa mới có tiếng nói hơn với bà con nhân dân”, ông Ảnh chia sẻ. |
Tại TP HCM, điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, là nơi dự thi của thí sinh Ngô Thị Kim Chi, 64 tuổi. Cháu nội của bà Chi, 18 tuổi, cũng thi tại một điểm thi gần đó nên cả hai bà cháu cùng nhau đi thi. Nguyện vọng của bà Chi là xét tuyển vào trường sư phạm để trở thành giáo viên, giúp đỡ những em nhỏ khó khăn. Nếu không, bà sẽ tham gia dạy học miễn phí trong khu phố bằng những kiến thức tích góp nhiều năm qua. |
Tại Thừa Thiên - Huế, hai vợ chồng chị Hồ Thị Nhàn, người dân tộc Tà Ôi, đã vay mượn 4 triệu đồng, đưa con từ phố núi về phố dự thi tốt nghiệp. Trong khi đợi con làm bài thi, chị tranh thủ làm dệt Zèng, sản phẩm thủ công của người DTTS ở huyện A Lưới để có thêm kinh phí trang trải cho chuyến đi này. |
Trên cả nước, nhiều phụ huynh tạm gác công việc, vượt hàng trăm km xuống trường thi động viên con. Ngồi đợi con bên lề đường tại điểm thi Trường THPT Tô Hiến Thành, TP Thanh Hóa, chị Trịnh Thị Hương bộc bạch: “Lo lắm, không biết con ở trong đấy làm bài thi ra sao. So với các môn xã hội, cháu học tốt các môn tự nhiên hơn. Vì vậy, mình lại càng lo hơn”. |