Những hiện vật thực phẩm lâu đời nhất thế giới

GD&TĐ - Quả là khó đoán được người La Mã và Ai Cập cổ đại thường hay ăn những gì. Nhưng các phát hiện mới đây từ những nhà khảo cổ học đã hé lộ cho chúng ta biết một số thực phẩm mà con người cách đây hàng trăm hay hàng ngàn năm trước đã thường hay dùng. Đáng ngạc nhiên là một số loại đồ ăn không khác mấy so với những thứ mà chúng ta đang dùng hôm nay.

Bơ bùn: 3.000 năm
Bơ bùn: 3.000 năm

Bánh trái cây Nam Cực: hơn 100 năm

Bánh trái cây là một thành phần đồ ăn chủ lực trong các dịp lễ của người phương Tây, nhưng bạn đọc sẽ khó biết ai thực sự thích món bánh trái cây có vị bùi này. Nhà thám hiểm người Anh - Robert Falcon Scott rõ ràng là một ngoại lệ. Có một miếng bánh trái cây được cho là của ông Scott bỏ quên khi đang thực hiện chuyến thám hiểm Nam Cực (1910-1913) và tình cờ được tìm thấy trên lục địa lạnh giá hơn 100 năm sau đó.

Khi đó, bánh trái cây là món ăn phổ biến trên đất Anh và các xứ có khí hậu lạnh, bánh có hàm lượng chất béo và đường cao. Buồn thay Scott chưa từng có cơ hội để nếm món ăn ngọt ngào này. Ông đã chết vì đói và bệnh tật trong lúc đang cố gắng để trở thành người đầu tiên đặt chân tới Nam Cực vào năm 1912. Chiếc bánh thế kỷ đã giữ trong “điều kiện hoàn hảo” nằm ngay bên trong cái hộp thiếc bị ăn mòn, được tìm thấy bởi Quỹ ủy thác di sản Nam Cực (AHT) vào năm 2017 trong một đợt khảo sát túp lều lịch sử Cape Adare, nơi mà nhà thám hiểm Scott từng nương náu.

 

Phô mai trong hầm mộ Ai Cập cổ đại: 3.200 năm

Món phô mai cổ đại được tìm thấy trong một hầm mộ cổ ở Ptahmes (trong suốt đợt khai quật khảo cổ 2013-2014). Các chủng vi khuẩn Brucellosis đã được tìm thấy trên một khối phô mai có niên đại đo được là cách đây 3.200 năm và đây được xem là bằng chứng đầu tiên về loại phô mai lâu đời nhất ở Ai Cập. Khối phô mai được cho là làm từ sữa cừu và sữa dê, nhưng vị của món ăn không được như mong muốn. Giáo sư Paul Kindstedt, một chuyên gia về lịch sử phô mai, phát biểu trên hãng tin The New York Times rằng hiện vật khảo cổ tìm thấy ở Ptahmes có hương vị “thực sự rất chua”.

 

Rượu vang lâu đời nhất thế giới: 6.000 năm

Khoảng 6.000 năm trước thời điểm Chúa Ki Tô chào đời, người dân sống ở một quốc gia mà ngày nay là Georgia được cho là đã biết cách dùng nước để sản xuất rượu vang, họ cho lên men nước cốt nho để làm rượu.

Nghệ thuật làm rượu được cho rằng do người Ba Tư phát minh ra vào khoảng 5.000 năm trước Công Nguyên (TCN), nhưng những mảnh đồ gốm thời tiền sử được tìm thấy ở một nơi gần thủ đô Tbilisi (Georgia) năm 2017 đã phá vỡ giả thuyết này. Qua phân tích hóa học cho thấy, các mảnh gốm sứ có chứa vết tích của citric acid, phấn nho và còn có cả dấu hiệu của con ruồi giấm thời tiền sử. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng các mảnh gốm đã từng là của một số chiếc lọ có hoa văn tinh xảo dùng để chứa một lượng lớn rượu vang (tương đương 400 chai rượu).

Bơ bùn: 3.000 năm

Năm 2009, các công nhân vỉa than ở Ireland đã sửng sốt khi tìm thấy một cục bơ to nặng tới 34,9kg từ một cái thùng gỗ sồi được chôn trong một ao bùn và bị quên lãng suốt 3.000 năm. Các sử gia tin rằng khối bơ đó do cả cộng đồng tạo ra, rồi họ giấu trong nước bùn để bảo quản hoặc giấu những tên trộm.

Sau 3.000 năm, khối bơ chuyển thành màu trắng, và vẫn còn nguyên vẹn. Dĩ nhiên, khối bơ quý giá này không ai dại gì mang ra siêu thị để bán đại trà. Bà Carol Smith, nhà bảo tồn tại Bảo tàng quốc gia Ireland khẳng định: “Nó là bảo vật quốc gia! Không ai có quyền xâm phạm nó dù chỉ 1 mẩu”. Một thời gian ngắn sau khi được tìm thấy, cục bơ đã được mang tới Bảo tàng quốc gia để cất vào kho nhằm tránh ai đó giở trò “2 ngón”.

 

Mì kê: 4.000 năm

Có hàng tá nếu không muốn nói là hàng trăm món mì đang được sử dụng hàng ngày ở Trung Quốc. Nhưng trước khi phát minh ra món mì làm từ gạo hay lúa mì, thì còn có một loại mì đã được ghi nhận là còn xưa hơn thế - và lâu đời nhất thế giới. Đó là một tô mì kê có niên đại 4.000 năm đã được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Laija dọc sông Hoàng Hà.

Người ta tin rằng một trận động đất phát sinh lụt lội đã làm ngập nhà ai đó đang trong bữa ăn khiến cho tô mì nằm yên trong lòng đất suốt hàng ngàn năm. Những sợi mì dài, mỏng manh đã được tìm thấy dưới 3m đất trầm tích. Phát hiện này cho thấy món mì có nguồn gốc ở châu Á hơn là châu Âu. Giáo sư Lư Hồi Nguyên phát biểu trên hãng tin BBC: “Dữ liệu của chúng tôi nói lên rằng món mì này đã được làm từ các giống thực vật có nguồn gốc bản địa ở Trung Quốc. Tin này quả là đối lập với các loại mì Trung Quốc hiện đại hay mì Ý vốn chủ yếu được làm từ lúa mì”.

 

Bánh mì nướng: 14.000 năm

Khoảng tháng 7/2018, tại một bếp lò bằng đá ở hoang mạc đen thuộc quốc gia Jordan, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một mẩu bánh mì nướng có niên đại xưa nhất trái đất. Theo đó chiếc bánh mì dẹt có tuổi đời lên tới 14.000 năm, nó được làm từ các nguyên liệu ngũ cốc hoang dại tương tự như lúa mạch, lúa mạch trời và yến mạch. Ngoài ra người xưa còn dùng củ của một giống cỏ nước, làm thành bột để tạo cho món bánh mì có độ giòn và vị mặn.

 

Sôcôla thế kỷ: 116 năm

Một thanh sôcala bọc thiếc có tuổi đời 116 năm đã được tìm thấy ở Scotland có lẽ là thanh sôcôla lâu đời nhất thế giới vẫn còn tồn tại. Nó nằm trong bộ sưu tập được làm ra để mừng lễ đăng quang ngai vàng của Vua Edward VII vào ngày 26/6/1902. Một cô bé đã được vua tặng thanh sôcôla, cô quý nó và không ăn nên đã truyền cho con gái sau này, thanh sôcôla cứ vậy được truyền tặng qua các thế hệ. Ngày hôm nay, phong sôcôla đã nhăn nheo và đổi màu. Năm 2008, nó được trao cho Quỹ bảo tồn St. Andrews dùng cho công tác bảo tồn.

 

Món Sa lát trên chiếc tàu đắm: 350 TCN

Thứ nằm bên trong chiếc lọ trong một con tàu đắm cổ đại ở ngoài khơi biển Aegean có vẻ là một dạng thức ăn vùng Địa Trung Hải. Được tìm thấy vào năm 2004 ở ngoài khơi đảo Chios (Hy Lạp), xác con tàu đắm có niên đại từ năm 350 TCN (trùng thời điểm nước Cộng hòa La Mã và Đế quốc Athen cai trị vùng này).

Các đồ vật trên trong xác tàu đắm được khui ra trong năm 2006 và đem đi phân tích vào năm 2007, lúc đó các nhà khảo cổ đã tìm thấy có loại vật liệu Amphora (một loại lọ hay được người Hy Lạp và La Mã sử dụng) có chứa một hỗn hợp dầu ô liu với gia vị. “Ngày hôm nay nếu các bạn đến những ngọn đồi ở Hy Lạp, thì thể nào các bà già nơi đó cũng chỉ cho các bạn thấy rằng nên thêm gia vị, húng tây, xô thơm để làm thơm nước dầu, nó giúp cho dầu có vị ngon hơn và bảo quản lâu hơn” - dẫn lời phát biểu của nhà khảo cổ học hàng hải Brendan Foley trên hãng tin LiveScience.

Canh xương Trung Quốc: 2.400 năm

Một chiếc vạc bằng đồng có chứa một loại nước canh đã được tìm thấy bên trong một ngôi mộ cổ tại kinh đô Trường An (Tây An, Trung Quốc) hồi năm 2010. Các công nhân trong lúc thực hiện thi công mở rộng sân bay Tây An đã rất kinh ngạc khi tìm thấy vạc đựng nước canh có niên đại 2.400 năm ngay trong lòng đất. Trong vạc còn có những khúc xương. Các nhà khảo cổ Trung Quốc trầm trồ, gọi phát hiện mới là: “Vạc canh xương đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Trung Quốc”. Cổ mộ thuộc về một viên quan chức cấp thấp trong hàng ngũ quân đội xưa, hoặc cũng có thể người đã khuất là một điền chủ thời xưa.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.