Anh bảo: “Mời nhà báo qua ngay, có cả bác Dương Trung Quốc đang ở đây. Có thêm chuyên gia để anh khai thác tư liệu”...
Dòng gốm thương hiệu 2.000 năm
Xưởng gốm của Nguyễn Đăng Vông rộng chừng vài trăm mét vuông, khá chật chội, nằm kế ngay ngôi nhà nơi gia đình anh sinh hoạt. Gốm nung, chưa nung và cao lanh xếp khắp nơi.
Ngọc bình
Trong xưởng một tốp người đứng vây quanh bức phù điêu rồng thời Lý, mới gỡ cốt, còn chưa nung.
Tôi nhận ra nhà sử học Dương Trung Quốc, ông đang phân tích các đường nét của phù điêu sau khi hoàn thành so với bản khai quật được từ Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh nhà sử học là một người đàn ông cao, gầy, gương mặt khắc khổ, tóc bới đuôi gà... Hẳn đó là Nguyễn Đăng Vông.
Chúng tôi cùng nhập cuộc chuyện trò. Câu chuyện về dòng gốm cổ có sắc men độc đáo, với thương hiệu 2.000 năm lịch sử và tâm huyết của người nghệ nhân diễn ra ngay trong không gian ấy.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa, tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam.
Vùng Dâu - Luy Lâu là nơi sinh ra của Tứ Pháp, bốn nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, khởi nguồn Phật giáo Việt bản địa đầy huyền thoại những năm đầu công nguyên.
Không những thế, trung tâm đô thị Luy Lâu xưa còn để lại một nền văn hóa phong phú và đậm nét. Bên cạnh tranh Đông Hồ, ca trù Thanh Tương, rối nước Đồng Ngư, thì gốm Mãn Xá, với lò gốm cổ khai quật ở Bãi Định, đã được các nhà khoa học khẳng định là dòng gốm cổ xưa nhất của Việt Nam.
Các sản phẩm gốm Luy Lâu tìm thấy trong các cuộc khai quật ở Nguyệt Đức, Thanh Khương, Bãi Định, Bãi Nổi, Hà Mãn… của Thuận Thành dễ nhận thấy nét nổi bật của một loại men lạ mắt phủ màu xanh ô liu trầm ấm và trong vắt.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông. |
Màu và chất liệu của men làm cho người xem liên tưởng đến một dòng gốm có màu xanh ngả bí của gốm Thiệu Dương (Thanh Hóa), xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III (TCN). Và gốm Luy Lâu có lẽ cũng đồng một niên đại, đó là dòng gốm phát triển có niên đại cách đây đã trên dưới hai nghìn năm.
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Việt đánh giá, dẫu hàng nghìn năm trôi qua, sản phẩm gốm cổ Luy Lâu vẫn là những mẫu mực về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Những viên gạch gốm Luy Lâu có kích thước 50cm x 25cm rất hiếm thấy.
Ngoài yếu tố bền vững, nó còn được trang trí hoa văn khắc nổi hai bên cạnh và được tô điểm bằng một lớp men ô liu trông thật trang nhã, đẹp mắt và đầy cảm hứng.
Màu men trên gốm cổ Luy Lâu ở vào thời kỳ lò nung còn hết sức thô sơ, đơn giản chỉ bằng củi rác thì rõ ràng là một sự đột phá kỹ thuật và yếu tố bí quyết đặc thù nguyên liệu. Nguyên liệu để chế tác men gốm là chất hữu cơ của các loại tro, trong đó có tro từ thân cây dâu được trồng ở vùng Dâu - Keo.
Gốm Luy Lâu đã trở thành ấn tượng lịch sử mà ngày nay thời kinh tế thị trường người ta thường gọi là thương hiệu. Thương hiệu gốm đã có từ 2.000 năm trước.
Hồi sinh dòng gốm cổ
Trải qua thời gian, thăng trầm của lịch sử, tưởng như sắc gốm Luy Lâu độc đáo đã một đi không trở lại nhưng với niềm đam mê, tâm huyết với di sản quý của ông cha, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã khôi phục được dòng gốm cổ độc đáo này.
Sinh ra và lớn lên ở làng Mãn Xá, họa sỹ Nguyễn Đăng Vông vẫn nhớ, thuở nhỏ được xem ông nội làm những chú lợn đất, con giống đất, nung lửa rơm, quết phẩm màu bán ở chợ quê ngày Tết.
Thuở còn cắp sách, Nguyễn Đăng Vông thường theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật, tìm kiếm di chỉ gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn trên khu Bãi Định. Gốm đã mê hoặc và ám ảnh tâm trí anh như duyên tiền định.
Hết phổ thông anh theo học chuyên ngành mỹ thuật tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc (cũ). Kiến thức hội họa được trang bị bài bản đã bổ sung cho anh trong quá trình sáng tác mẫu sản phẩm bằng gốm sau này.
Bôn ba khắp nơi sinh cơ, học nghề và khi đã thành danh trong làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), anh bắt đầu chú ý đến những sản phẩm gốm của vùng quê mình vốn chỉ còn trong các bộ sưu tập hay trong những phát hiện của ngành khảo cổ. Nguyễn Đăng Vông nung nấu ý định khôi phục lại dòng gốm cổ quê mình.
Qua rất nhiều tháng ngày tìm tòi vất vả trên đồng bãi quê nhà, Nguyễn Đăng Vông mới tìm ra bí quyết đất làm gốm phải chính là đất vùng Dâu. Đất bãi thêm chút tro than đốt từ thân cây dâu, chút sỏi đá của vùng rừng, vỏ sò vỏ điệp của biển…, được luyện kỹ, mịn dẻo mà không quánh nát để khi chuốt đạt được những yêu cầu kỹ thuật cần thiết và khi phơi, nung không bị biến dạng cong vênh, nổ, rạn.
Đầu phượng thời Lý. |
Nguyễn Đăng Vông đã hồi sinh được sắc màu men gốm cổ truyền của vùng Luy Lâu: Màu xanh ô liu trầm ấm và trong trẻo, màu đỏ sậm mạnh mẽ đầy sức lực, như thuở nào ông cha từng chế tác.
Thành công bước đầu khiến Nguyễn Đăng Vông mạnh dạn bước tiếp. Anh tập hợp những người bạn trong làng thành lập hợp tác xã, quyết hồi sinh nghề gốm. Mấy năm trước, khi chúng tôi đến thăm, cơ sở sản xuất của anh giữa cánh đồng vẫn còn ngổn ngang.
Qua hơn 8 năm đi vào hoạt động, giờ Hợp tác xã Gốm sứ mỹ nghệ Luy Lâu đã đi vào sản xuất khá ổn định với hơn 10 nhóm sản phẩm. Bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất được 10.000 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã đã đăng ký bản quyền nhãn hiệu gốm Luy Lâu từ năm 2007 và đang xuất khẩu sản phẩm gốm Luy Lâu đến các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Anh Nguyễn Đăng Vông phấn khởi cho biết, mới đây, Hợp tác xã Gốm sứ mỹ nghệ Luy Lâu đưa 300 sản phẩm gốm tiêu biểu sang trưng bày triển lãm tại Cộng hòa Pháp theo lời mời của phía đối tác, mở đầu cho hành trình chinh phục thị trường này.
Sự ưa chuộng dòng gốm cổ Luy Lâu của các thị trường châu Âu, châu Mỹ là tiềm năng để Nguyễn Đăng Vông và các cộng sự thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự hồi sinh, sống khỏe của dòng sản phẩm gốm quê hương.
Ước mơ tạo dựng không gian văn hóa gốm
Nguyễn Đăng Vông tâm sự, Thuận Thành quê hương anh là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa có thể phát triển tốt du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với khám phá làng nghề.
Anh bảo, khi nào gom góp được khoảng 10 tỷ đồng, hoặc có đối tác góp vốn anh sẽ xây dựng cho Thuận Thành một không gian văn hóa gốm Luy Lâu.
Không gian văn hóa gốm sẽ được dựng trên diện tích khoảng 1ha, từ ngôi nhà trưng bày các hiện vật gốm cổ, hệ thống cột, mái nhà, trang trí cảnh quan sân vườn, đến bàn ghế, tiểu cảnh…, tất cả sẽ dựng bằng gốm, làm bằng gốm. Gốm qua lửa, được sự tôi luyện của lửa sẽ có độ bền vĩnh cửu.
Dù để trong nhà hay ngoài trời phơi mưa, phơi nắng cũng không bao giờ bị hỏng hay mục nát. Không gian văn hóa gốm ấy sẽ bền vững, truyền đến muôn đời sau. Anh kỳ vọng, cùng với các điểm văn hóa, làng nghề truyền thống đây sẽ là một địa chỉ thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu gốm Luy Lâu và làm giàu cho quê hương.
Còn nhớ cách đây vài năm, khi gốm Luy Lâu vừa mới hồi sinh còn băn khoăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, lãnh đạo huyện Thuận Thành đã “ưu ái” gốm Vông, khi hứa rằng, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về vốn, đất sản xuất để phát triển hợp tác xã gốm Luy Lâu, mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng thời, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các công trình kiến trúc của huyện trong quá trình xây dựng cũng sẽ được khuyến khích đưa sản phẩm gốm vào, đặc biệt là trung tâm văn hóa Luy Lâu sắp khánh thành.
Ngoài ra, sẽ định hưởng để sản phẩm gốm sản xuất không chỉ sản phẩm đơn chiếc mà tiến tới sản xuất đại trà, gắn với hình ảnh văn hóa, di tích lịch sử địa phương như tranh Đông Hồ, biểu tượng chùa Bút Tháp, chùa Dâu…
Như vậy, gốm Luy Lâu được bảo tồn, phát triển không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa.
Dòng gốm Luy Lâu đã và đang được khơi nguồn qua bàn tay, khối óc những con người tài hoa thời hiện đại. Với Nguyễn Đăng Vông, anh mong muốn mỗi sản phẩm gốm khi đến với người tiêu dùng phải làm sao để người ta khi nhắc đến gốm Luy Lâu là sẽ nghĩ ngay đến gốm Vông và nói đến gốm Vông là nói đến gốm Luy Lâu.