(GD&TĐ) - Nhằm hạn chế tình trạng học sinh thiệt mạng do đuối nước, cử tri bày tỏ sự quan tâm đến chương trình dạy bơi trong nhà trường, đề nghị nói rõ kết quả cụ thể, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình này... và đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
|
Việc triển khai dạy bơi ở các trường học hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn |
Cử tri hỏi:
Từ đầu hè đến nay, một số học sinh đã bị thiệt mạng do đuối nước. Bộ trưởng cho biết chương trình dạy bơi trong trường học đã tiến hành đến đâu? Kết quả cụ thể? Những khó khăn bất cập trong quá trình triển khai? Bao giờ có thể hạn chế được hiện tượng đáng tiếc này?
Bộ trưởng trả lời:
Bơi lội là một trong các môn học thể thao tự chọn được giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Đầu năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, Bộ đều nhắc nhở các địa phương phương chú trọng thực hiện việc này.
Đồng thời, hàng năm, Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức xã hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng dạy bơi và cứu đuối nước cho các giáo viên dạy bơi cốt cán của các tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã triển khai tuyên truyền đến học sinh và các bậc phụ huynh việc phòng, chống tai nạn đuối nước và tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhất là ở các tỉnh/thành phố có điều kiện về cơ sở vật chất như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh...
Một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rất lớn cho công tác này (tại Đà Nẵng đã có gần 20 bể bơi mini (6m x 12m) được trang bị cho các trường tiểu học và một số bể bơi tự tạo đặt trên bãi biển; tại Hải Dương đang triển khai đề án giáo dục bơi, hiện tại đã có 18 hồ bơi trong các trường tiểu học và THCS được đưa vào sử dụng).
Nhiều cơ sở giáo dục (nhất là ở TP Hồ Chí Minh) đã phối hợp tốt với ngành văn hóa và cha mẹ học sinh để các em được thực hành bơi ở các bể bơi công cộng, bể bơi do tư nhân xây dựng. Một số địa phương đã có sáng tạo tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông, suối… tùy theo điều kiện thực tế.
Tuy vậy, việc triển khai dạy bơi cho học sinh trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế, chủ yếu là do các nhà trường không có địa điểm tổ chức dạy bơi cho các em. Và do vậy, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở đa số địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền về nhận thức cho học sinh và các bậc phụ huynh.
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ học sinh về phòng, chống tai nạn đuối nước cho các trẻ em, học sinh;
- Có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở các trẻ em, học sinh, nhất là những em chưa biết bơi, không tự mình đi tắm ở những nơi nguy hiểm và không có sự giám sát của người lớn;
- Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường;
- Tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện để trẻ em, học sinh được tham gia học bơi.
Vừa qua, nhiều cử tri đã bày tỏ sự quan tâm cũng như đặt ra những câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các vấn đề nóng trong lĩnh vực giáo dục. Với tinh thần cầu thị, không né tránh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp và thẳng thắn giải đáp. Báo Giáo dục & Thời đại và Giáo dục và Thời đại điện tử (gdtd.vn) trân trọng đăng tải một số câu trả lời của Bộ trưởng với cử tri. |
PVghi