Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm!

GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình và Trường ĐH Y Dược Thái Bình trong chuyến công tác tại địa phương ngày 12/12.

Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm!
Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 1Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 2Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 3Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 4Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 5Những gì có lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm! ảnh 6
Cùng đi với đoàn công tác có đại diện Văn phòng, các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT). Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Cao Thị Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Phương Bắc cùng đông đảo cán bộ quản lý, Hiệu trưởng các trường THPT trong tỉnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã lắng nghe ý kiến cán bộ quản lý, các Hiệu trưởng về những công tác giáo dục đang triển khai cũng những tồn tại, vướng mắc gặp phải, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra các chỉ đạo và hướng tháo gỡ.

Chương trình, SGK mới không phức tạp kiến thức mà đơn giản và nhẹ

Hướng dạy học và kiểm tra đánh giá rèn luyện kỹ năng sẽ thực hiện cho đến khi Trung ương có Nghị quyết mới về GD&ĐT. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận  

Nhiều ý kiến quan tâm đến kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Đề thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh 2014 đã có sự thay đổi so với những năm trước. Trước đây học sinh phải học thuộc bài mới làm được bài thi, học sinh không chịu học bài phải sử dụng đến “phao thi" mới hoàn thành bài thi.

Hiện ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới, thống nhất chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29. Những năm trước đã có đổi mới trong ra đề thi. Cảm nhận rõ nhất là ở các môn khoa học xã hội, các dữ liệu được đề thi nêu ra cho học sinh. Bài thi kiểm tra việc cảm thụ, phân tích, cảm xúc của học sinh đối với vấn đề nêu ra, qua đó thấy được nhân sinh quan, thế giới quan của học sinh thể hiện qua bài thi.

Đề thi ở các môn khoa học tự nhiên cũng tương tự như vậy. Nếu ra đề theo cách đổi mới này và việc dạy học cũng theo cách này thì sẽ không có học thêm nữa. Bởi quá trình học là quá trình rèn luyện kỹ năng chứ không phải truyền thụ kiến thức.

Hướng dạy học và kiểm tra đánh giá này sẽ thực hiện cho đến khi T.Ư có Nghị quyết mới về GD&ĐT. Bộ trưởng tin rằng Nghị quyết T.Ư mới cũng sẽ không thay đổi hướng dạy học như hiện nay.

"Quốc hội vừa ra Nghị quyết về chương trình, SGK mới mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo biên soạn đều được xây dựng theo hướng này. Chương trình, SGK không phức tạp kiến thức mà đơn giản và nhẹ. Nhưng yêu cầu chính là rèn luyện, hướng dẫn để các cháu hình thành nên các kỹ năng cần có theo lộ trình phát triển của các cháu: Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều" - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Những bước đầu tiên tập dượt đưa chương trình, SGK mới vào giảng dạy

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để chuẩn bị cho việc đưa chương trình, SGK mới vào giảng dạy, Bộ GD&ĐT sẽ đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên. Nhưng không đợi đến khi đó, chúng ta đã được làm quen ngay từ bây giờ. Đây là những bước đầu tiên tập dượt cho việc đưa chương trình, SGK mới vào giảng dạy.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc đổi mới thi cử hiện nay chính là để đổi mới cách dạy, cách học hiện hành. Chương trình, SGK hiện hành đang tổ chức dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng kiểm tra trí nhớ.... nay phải chuyển dần sang đánh giá phẩm chất, kỹ năng người học.

Hướng đổi mới này sẽ tiếp tục sau nhiều năm tiếp theo, nhưng sâu hơn ở những năm về sau. Năm mới thực hiện đổi mới thi cử, đổi mới cách dạy học theo hướng trên đây, các cháu lớp 12 mới được tiếp cận thì thực hiện ở mức độ vừa phải để các cháu có thể quen được.

Với các cháu ở các lớp dưới đã quen với đổi mới trong cách dạy, cách kiểm tra đánh giá thường xuyên thì sẽ thi với mức độ ra đề theo hướng đổi mới sâu hơn. Cùng đó, các thầy cô cũng nhuần nhuyễn hơn trong dạy học và ra đề kiểm tra đánh giá.

Quá trình này vừa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa để chúng ta tự bồi dưỡng lẫn nhau để các thầy cô giáo làm quen và nắm vững cách dạy học, thay truyền thụ kiến thức bằng cách học phát triển kỹ năng. Như vậy đây là quá trình biến đội ngũ giáo viên hiện nay sang dạy - học theo chương trình mới, SGK mới trong những năm tới đây.

Bộ trưởng mong rằng những phân tích trên đây sẽ được cán bộ, giáo viên của Sở quán triệt đến phụ huynh và nhân dân yên lòng chăm lo cho việc học của các cháu.

GV phổ thông tham gia coi thi trên cơ sở cách thức tổ chức thi đại học

Về công tác chấm thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích: Không thể đòi hỏi có cách chấm chính xác tuyệt đối. Cách xử lý là chấm nhiều lần rồi lấy giá trị bình quân giữa các cán bộ chấm thi. Trong công tác chấm thi cần tránh hiện tượng không trung thực, cục bộ.

Để thực hiện, việc trước mắt phải làm là xây dựng ba - rem điểm. Tiếp đó là sẽ không để một địa phương tổ chức thi, chấm thi mà sẽ tổ chức trộn nhiều địa phương thành cụm thi.

Trong công tác chấm thi, các giáo viên phổ thông cũng sẽ phải tham gia coi thi nhưng trên cơ sở cách thức tổ chức của thi Đại học. Tiếp đó là công tác thanh kiểm tra thi để tránh sai sót, chủ quan không đáng có trong thi cử, đảm bảo công bằng cho các cháu.

"Tinh thần là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp, làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Một số ý kiến cho rằng bỏ thi tốt nghiệp nhưng Ngành không thể làm theo hướng này vì vướng luật, theo đó giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT, bỏ kỳ thi ĐH" - Bộ trưởng cho biết.

Vai trò của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT Quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia tạo thuận lợi cho các cháu, cho phụ huynh. Những khó khăn lớn các trường ĐH sẽ gánh. Các Sở GD&ĐT nhẹ gánh đi nhưng vẫn còn đó trách nhiệm thanh tra thi, chấm thi. Vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ rất nặng nề trong kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, những cái gì lợi cho dân thì phải làm, vượt qua mọi khó khăn để làm.

Bộ trưởng Phạm Vũ  Luận  

Bộ trưởng cho biết: Sắp tới Bộ sẽ công bố dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia. Quy chế được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học giả, các thầy cô giáo các nhà trường trong cả nước...Với tinh thần kỳ thi sẽ nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.

Bộ trưởng phân tích: Thi như cũ, các cháu phải thi 2 lần là thi tốt nghiệp và thi ĐH; các cháu sẽ thi 7 môn nếu thi 1 khối, nếu thi 2 khối thì phải thi 10 bài thi; các cháu phải đi lại ít nhất là 2 lần, nhiều là 4 lần.

Thi theo cách mới, các cháu chỉ thi 4 môn, nhiều hơn nữa, các cháu đăng kí nhiều trường ĐH chỉ thi 6 môn. Các cháu sẽ được đi thi gần hơn, bố mẹ ít tốn chi phí. Công tác tổ chức, coi thi cũng theo đó được giảm đi, ít tốn kém.

Điều quan trọng hơn, trước đây các cháu phải đăng ký trường ĐH trước khi thi. Thi hướng đổi mới như năm nay, biết kết quả thi rồi các cháu mới đăng kí vào trường ĐH. Bộ sẽ yêu cầu các trường cập nhật số lượng thí sinh đăng kí vào trường. Học sinh cân nhắc để có thể lượng sức kết quả của mình để rút đi đăng kí trường khác. Như vậy sẽ tạo ra được nhiều cơ hội cho thí sinh hơn theo cách làm truyền thống trước đây.

Đánh giá không cho điểm ở tiểu học - "cốt tủy" của giáo dục truyền thống Việt Nam

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng thẳng thắn trao đổi: Chúng ta cấm dạy thêm học thêm tràn lan. Nhưng tiểu học phải cấm tuyệt đối. Việc đánh giá không chấm điểm cũng là để nhằm việc này, mặc dù cha mẹ, phụ huynh đã ăn sâu vào tiềm thức đánh giá việc học của các cháu thông qua điểm số. Nhưng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ cách làm ấy.

Những nước có nền giáo dục phát triển đều đã bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học hàng chục năm nay. Từ thực tế cuộc sống cho thấy trong việc dạy dỗ con trẻ đều không có điểm số mà dạy bằng cách động viên khuyến khích, cảnh báo, nhắc nhở các cháu. Do vậy có thể thấy đánh giá không cho điểm là “cốt tủy” của giáo dục truyền thống dân tộc ta, của các gia đình Việt Nam.

Lâu nay cách đánh giá giáo dục học đường đã bị đẩy xa so với giáo dục truyền thống. Chúng ta cần phải quay lại, gìn giữ cách làm truyền thống của dân tộc, phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới.

* Về vấn đề sáp nhập trường học, Bộ trưởng khẳng định: Sáp nhập nhưng không có nghĩa là xóa trường đi. Trong sáp nhập, có thể để trường mang tên cả hai xã, các cháu học nếu gần thì có thể đưa về một trường. Nếu không thuận lợi thì vẫn để trường cũ, rồi đặt trụ sở ở trường nào cũng được. Cốt sao hoạt động dạy và học của thầy cô và các cháu không bị xáo trộn.

Một cách giải quyết khác là lập trường liên cấp. Tuy nhiên phải làm thận trọng, lấy bài học ở Hà Tĩnh để rút kinh nghiệm cho các trường khác.

Bộ trưởng cũng phân tích, làm rõ những băn khoăn của cán bộ về triển khai thi hành Nghị định 115 của Chính phủ, Vấn đề Thanh tra và nghiệp vụ Thanh tra ở các cấp quản lý giáo dục, Đề án Ngoại ngữ, công tác bồi dưỡng giáo viên, về dạy nghề và phát triển trường tư.

Hai khối công việc Bộ GD&ĐT đang triển khai để đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT

Bộ trưởng mong muốn với những phân tích trên đây, các thầy các cô hình dung đầy đủ những công việc mà ngành đang triển khai, để từ đó chủ động quán triệt tinh thần chỉ đạo đổi mới của T.Ư, của Chính phủ và Bộ GD&ĐT để bàn bạc triển khai tại địa phương. 

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng Khóa XI đã nêu rõ: chuyển phương thức giáo dục hiện nay đang chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển kỹ năng người học... Quá trình học vẫn là truyền thụ kiến thức nhưng quá trình này chỉ là một phương tiện để các cháu phát triển phẩm chất năng lực mà tương lai xã hội cần ở thế hệ sẽ làm chủ đất nước.

Để làm được việc này, chúng ta đang phải tiến hành song song hai khối công việc: 

Thứ nhất, phải thiết kế lại chương trình, biên soạn lại hệ thống sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi chương trình đào tạo sư phạm, đào tạo ra giáo viên để triển khai chương trình, SGK mới. Công việc này đã được Ngành triển khai ngay sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, không phái đến giờ mới triển khai.

Thứ hai, trên tinh thần của các mô hình thực nghiệm đã triển khai thành công như: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ Giáo dục, Phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột, mô hình trường học mới – VNEN, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học, Bộ đã thử nghiệm thành công những mô hình này với hàng trăm nghìn học sinh ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa phương miền núi khó khăn.

Hiện Bộ GD&ĐT đang từng bước áp dụng các thành công trên vào chương trình cũ hiện hành, SGK hiện hành. Chúng ta phải thay đổi từng bước để nhằm hai mục tiêu: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và để đội ngũ giáo viên tự thay đổi.

Bộ đã giao cho các trường quyền chủ động tổ chức nhiều hoạt động quản trị, hoạt động chuyên môn cũng như nhiều hoạt động giáo dục khác như: Dạy học tích hợp, xây dựng ma trận đề theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá; Tiến tới đích là sẽ có đội ngũ hàng triệu các thầy cô giáo mới, với năng lực mới đáp ứng được yêu cầu mới của chương trình, SGK mới.

Trường ĐH Y Dược Thái Bình sẽ được giao chủ trì cụm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia

Tại buổi làm việc với ĐH Y Dược Thái Bình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: Nhà trường cần ưu tiên chất lượng trong đào tạo. Nghị quyết của Đảng đã đề ra chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ ưu tiên phát triển số lượng sang chất lượng. Lĩnh vực GD&ĐT cũng không nằm ngoài mục tiêu chung đó. Trong Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT cũng nêu rõ quan điểm này. Với ngành Y, chất lượng nguồn nhân lực càng quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Sắp tới, Bộ sẽ công bố chính thức Quy chế thi kỳ thi THPT Quốc gia. Căn cứ vào vị trí, vai trò, kinh nghiệm của các trường ĐH để giao cho các trường đảm nhiệm các cụm thi trong khu vực. Theo đó, trường ĐH Y Dược Thái Bình sẽ được giao chủ trì cụm thi tại đây để tổ chức coi thi, chấm thi và các công tác khác.

Bộ trưởng gửi gắm niềm tin vào nhà trường và mong rằng các cán bộ chủ chốt có mặt trong buổi làm việc truyền đạt lại tinh thần cho cán bộ, giảng viên toàn trường chuẩn bị tâm thế cho một công việc hệ trọng của Ngành để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung kỳ thi THPT quốc gia.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang 21 tháng 10 (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), nơi an nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ khi đang trong giờ học.

Bộ trưởng thăm, trồng cây lưu niệm và tặng quà tại Trường THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ