Dưới đây là những dưỡng chất các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ bầu nên chú ý bổ sung đầy đủ trong thai kỳ:
Chất đạm
Chất đạm (protein) giúp cho việc xây dựng và phát triển cơ thể của bé, là nguyên liệu xây dựng các tế bào cơ thể, giúp điều hòa hoạt động của cơ thể, vận chuyển các dưỡng chất, cung cấp năng lượng, điều hòa cân bằng nước, và tạo các kháng thể giúp chống đỡ bệnh tật… Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo thai phụ cần bổ sung thêm 10-18gr protein mỗi ngày (tương đương 50 -100gr thịt cá tùy loại, 100 – 180gr đậu hũ, hay 1-2 ly sữa mỗi ngày).
Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi
Chất béo
Chất béo là nguồn dự trữ năng lượng, giúp phát triển các tế bào não và hệ thần kinh của bé; đồng thời giúp hấp thu vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng thai phụ cần 70-80gr chất béo/ngày. Chất béo có nhiều trong dầu ô liu, bơ, các loại hạt, đậu phộng tự nhiên… Hạn chế thực phẩm có chứa chất béo bão hòa đã qua chế biến như khoai tây chiên, thịt rán …
Chất xơ
Chất xơ giúp cho quá trình bài tiết của cơ thể một cách dễ dàng hơn. Mẹ bầu nên ăn nhiều rau xanh vì rau xanh cung cấp vitamin và chất xơ, giúp giảm nguy cơ táo bón, giảm cholesterol trong máu.
Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là nhóm vi lượng quan trọng, giúp mẹ bầu tăng sức đề kháng, và phòng tránh được nhiều bệnh. Các vitamin như vitamin A, C, D… cũng rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của thai nhi. Vitamin A có nhiều trong gan cá biển, cà rốt, bí ngô, cà chua… Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây tươi, rau xanh… Các thực phẩm giàu vitamin D là cá hồi, cá thu, cá trích, lòng đỏ trứng gà và sữa….
Acid folic là dưỡng chất giúp phòng ngừa các dị tật ống thần kinh cho thai nhi; phòng ngừa hiện tượng sẩy thai và sinh non. Theo các chuyên gia dinh dưỡng: phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng 400 microgram acid folic mỗi ngày, kể từ khi muốn có thai (thời điểm ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai) ít nhất cho đến khi thai nhi được 12 tuần tuổi.
Sắt cũng rất quan trọng trong thai kỳ bởi nó cần thiết để sản xuất tế bào máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, và làm cho quá trình cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho thai nhi bị hạn chế. Sắt có nhiều trong các thực phẩm phổ biến như rau ngót, cá biển, thịt nạc, rau muống,….
Canxi là dưỡng chất cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe hệ xương của mẹ và hình thành xương, răng của trẻ. Nếu cơ thể mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu canxi, thai nhi sẽ kém phát triển, bị còi xương. Ở phụ nữ có thai, nhu cầu canxi tăng lên: trong 2-3 tháng đầu, nhu cầu canxi là 800mg, nhưng 3 tháng giữa là 1.000mg, 3 tháng cuối và khi nuôi con bú là 1.500mg vì thai càng lớn thì xương thai nhi càng phát triển.
Omega-3 không chỉ có nhiều lợi ích với phụ nữ mang thai mà còn tác động tích cực tới sự phát triển của thai nhi. Axit docosahexaenoic (DHA), là một loại axit béo omega-3 có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển não bộ của bé. Bên cạnh đó, phụ nữ có thai sử dụng omega-3 thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ về dị ứng thức ăn và bệnh eczema cho con. Các bác sĩ khuyến nghị mẹ bầu nên bổ sung ít nhất khoảng 200mg omega-3 mỗi ngày trong suốt thai kỳ của mình.