Lợi, hại khi cho trẻ ngủ chung
Nên hay không nên cho trẻ ngủ chung với bố mẹ là đề tài rất nhiều phụ huynh quan tâm. Phần lớn các bậc cha mẹ có thói quen ôm con cả ngày từ nhỏ. Các mẹ đã khiến con quen với mùi cơ thể của mình. Vì việc ôm ấp đó kéo dài quá lâu, những đứa trẻ trở nên phụ thuộc mẹ và bị "bện hơi". Khi không có mùi của mẹ, trẻ thậm chí ăn không ngon, ngủ không yên.
Nhiều bà mẹ vẫn nghĩ rằng, con bện hơi mẹ là yêu mẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về trẻ em, điều này khiến trẻ phụ thuộc quá nhiều vào mẹ. Nó không có lợi cho quá trình hình thành các kỹ năng và tính độc lập.
Những đứa trẻ đáng ra phải nhanh chóng bứt phá khỏi cái nôi quen thuộc để hòa nhập vào môi trường sống chung của cả loài người. Tự mình đứng bằng chân của mình, thì lại trở nên quá phụ thuộc vào người khác.
TS Vũ Thu Hương – Trung tâm Kỹ năng Cá Siêu Quậy cho biết, người phương Tây cho con ngủ riêng ngay từ khi mới lọt lòng. Có rất nhiều minh chứng khoa học chỉ ra rằng, ngủ riêng sẽ tốt hơn cho sức khỏe của trẻ. Vậy nên, các mẹ đừng suy nghĩ hay "bao biện" rằng, việc cho con ngủ riêng sẽ khiến con bị buồn nản, trầm cảm hay các rắc rối khác về tâm lý.
Thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười quanh vấn đề trẻ ngủ chung với bố mẹ. Có những ông bố, bà mẹ ngủ quên mà đè cả lên con nhỏ khiến trẻ bị thương, ngạt thở, thậm chí tử vong. Trẻ vài ba tuổi trở lên có thể bắt gặp cả "cảnh nóng" của bố mẹ hay ấn tượng với những tranh luận, cãi vã...
Đã có không ít trường hợp trẻ đến lớp đè bạn ra để thử thực hiện "thao tác" giống bố khi mới ở tuổi mầm non hay tiểu học. Khi con trẻ chưa đủ hiểu biết, những mẫu hình như vậy sẽ khiến con bị rối loạn một số hành vi và tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý.
"Phần lớn các bậc cha mẹ cho con ngủ chung với lý do đêm con ngủ không biết tự đắp chăn, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hay thời tiết thay đổi dễ ốm đau… Họ muốn cho con ngủ cùng để tiện chăm sóc trẻ.
Tuy vậy, đến khi trẻ khoảng 3 tuổi, với bất cứ lý do gì bố mẹ cũng nên tách trẻ ngủ riêng để tạo thêm cho con cơ hội phát triển toàn diện", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Cách rèn con ngủ riêng
Với những gia đình cho con ngủ chung với bố mẹ từ lúc mới sinh thì đến khi trẻ lớn hơn, việc tách chúng ngủ riêng lại là chuyện không hề dễ dàng. Với những trường hợp trẻ đã "bện hơi" mẹ, cần có kế hoạch cụ thể để cho trẻ "ra riêng" nhẹ nhàng, vui vẻ.
Theo chuyên gia kỹ năng sống, diễn giả Đào Ngọc Cường (Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt): Bố mẹ nên tập cho con ngủ riêng ngay từ bé. Có thể bắt đầu từ khi trẻ bước lên tuổi thứ ba. Bố mẹ chuẩn bị tâm lý cho con bằng việc nói cho con hiểu ngủ riêng sẽ tự lập hơn. Có thể thông qua các câu chuyện kể với các nhân vật chính là loài vật con yêu thích.
Nếu cho con ngủ riêng phòng, những ngày đầu bố mẹ nên sang phòng con kể những câu chuyện, đọc sách cho con nghe như khi ngủ cùng bố mẹ. Con sẽ thấy yên tâm và cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, dần dần chủ động và sẵn sàng "ra riêng".
Nên đặt thêm trên chỗ ngủ của con một vài con thú bông gọi là siêu nhân bảo vệ… để con cảm giác có bạn.
"Tuyệt đối không được nổi nóng mắng chửi hay đánh con khi không chịu ngủ riêng hoặc đêm con thức dậy khóc đòi bố mẹ. Bố mẹ hãy dành cho con lời khen ngợi, động viên kịp thời khi con chịu ngủ riêng. Lưu ý, một số trường hợp nên cân nhắc kỹ khi cho ngủ riêng sớm: Bé yếu, tâm lý chưa sẵn sàng, bé bị bệnh", chuyên gia Đào Ngọc Cường khuyến nghị.
Để tránh gây ảnh hưởng lớn về tâm lý cho con, cha mẹ cũng có thể lên kế hoạch cho con tách mẹ một cách từ từ. Đặc biệt, với những em bé đã "rúc nách" mẹ từ khi lọt lòng thì tầm 2 – 3 tuổi muốn cho con ngủ riêng hẳn là "cuộc chiến".
TS Vũ Thu Hương gợi ý, bố mẹ có thể mua thêm cho con 1 chiếc giường nhỏ, sơn thật đẹp để thu hút sự yêu thích của con. Hãy kê giường con sát giường cha mẹ. Đêm đầu tiên, mời con ngủ riêng nhưng thực chất con vẫn nằm sát mẹ trên cái giường mới đẹp nên tâm lý con vẫn hoàn toàn vui vẻ và hào hứng.
Đêm thứ 2, các mẹ kéo giường con ra xa khỏi giường mẹ độ 10cm. Xa mới chừng đó, con vẫn thấy thoải mái lắm. Khi con đã ngủ, mẹ lấy chiếc áo thường dùng của mẹ mặc vào cho con gấu bông quen thuộc của con. Sau đó mẹ đặt con gấu bông vào sát con. Khi ngủ, con không mở mắt mà chỉ dùng mũi để xác định xem mẹ ở hướng nào. Nếu con vẫn thấy mùi của mẹ ở sát ngay cạnh thì con sẽ chẳng thấy lo lắng gì cả.
Các đêm tiếp theo, mỗi đêm, mẹ kéo giường ngủ của con ra xa thêm 10cm nữa. Mỗi đêm 1 chút xíu, con sẽ chẳng thấy vấn đề gì. Nhớ giữ nguyên con gấu bông mặc áo của mẹ nhé.
Sau khi khoảng cách 2 cái gường đã đến tầm hơn 1m, mẹ thiết kế cái ri đô để che giữa 2 cái giường và gọi khu vực con nằm là phòng riêng của con.
Lúc này, bố mẹ có thể yên tâm là con ngủ riêng tốt rồi. Kéo dài việc này thêm một thời gian khoảng vài tháng, khi đã quá quen với việc ngủ 1 mình, bố mẹ có thể hoàn toàn an tâm chuyển con sang phòng khác.
Trẻ cần được giáo dục và định hướng hình thành các kỹ năng ngay từ khi còn rất nhỏ. Ngủ riêng được đánh giá là một trong những đóng góp quan trọng hình thành kỹ năng tự lập, tự chủ cho trẻ. Vậy, bố mẹ hãy cân nhắc tách con sớm. Việc này vừa tránh được những ảnh hưởng thiếu tích cực từ sinh hoạt của người lớn, lại giúp trẻ có những giấc ngủ sâu, tốt cho tinh thần và thể chất.