Tai họa có thể bất thình lình ập đến nhiều vùng lãnh thổ mà con người chưa hề khám phá, khiến nhân loại chìm nghỉm trong lòng đại dương mênh mông. Còn cả những nguy cơ khác ở những nơi mà chúng ta chưa chạm tới nó.
Công nghệ chỉnh sửa gen
Trong thế kỷ 20, nhân loại đã xóa sổ được không ít căn bệnh truyền nhiễm nhờ việc điều chế được một số loại vắc-xin và công tác y tế ngày một tiến bộ.
Với việc cho ra đời công nghệ CRISPR - một công cụ đơn giản nhưng đầy sức mạnh để chỉnh sửa chức năng gen, thay đổi trật tự chuỗi DNA, cụ thể là giúp sửa những gen bị khiếm khuyết, chữa và đề phòng sự lan rộng của bệnh… nhân loại đang tiến tới kỷ nguyên mới, ở đó người ta có thể điều chế riêng từng loại thuốc phù hợp trực tiếp với mỗi bộ gen.
Tuy nhiên, các nhà khoa học bắt đầu lo lắng về mặt trái của vấn đề, đó là những loại virus được chỉnh sửa gen di truyền này sẽ mang đến những hiểm họa khác cho nhân loại.
Các chủng virus chết người đã bị diệt trừ nhưng trên thực tế chúng vẫn đang tồn tại. Dựa trên các công nghệ phù hợp và kiến thức có được, rất có thể một thế lực đen tối nào đó đang thực hiện biến đổi gen những chủng virus nguy hiểm này nhằm đe dọa cuộc sống con người.
Các mã di truyền của nhiều chủng virus cũ có thể dễ dàng tìm được bằng Internet. Công nghệ ngược (Reverse engineering) nhằm tạo ra một chủng khuẩn kháng thuốc mới phải mất thời gian và nhiều công sức hơn nữa, tuy nhiên người ta có thể làm được.
Thậm chí, từ việc áp dụng kỹ thuật trong công nghệ chỉnh sửa gen, người ta có thể tạo ra những chủng virus mới tinh. Theo tạp chí Newsweek thì nếu có đủ kỹ năng, rất có thể một lực lượng nào đó trợ cấp cho phòng thí nghiệm của họ để tạo ra một chủng virus mới cùng họ với chủng virus siêu cúm được nhắc đến trong seri phim truyền hình ngắn, kinh dị của Mỹ có tên The Stand.
Những chủng virus mới này có thể được chỉnh sửa gen nhằm tấn công đến từng mục tiêu riêng rẽ như việc chỉ nhiễm vào người có tóc đỏ hoặc với đàn ông, điều này nhằm đạt hiệu quả với mục đích tạo ra loại virus diệt chủng.
Cuộc đua robot giết người tự động
Máy bay không người lái là một cỗ máy sát thương biết bay không cần phi công, nó được con người điều khiển từ xa. Theo báo cáo của Vox - trang web tin tức và quan điểm của người Mỹ tự do thuộc sở hữu của Vox Media, sử dụng vũ khí sát thương tự động sẽ chiếm ưu thế vượt trội.
Máy bay không người lái hoàn toàn điều khiển bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Điều tối quan trọng của vũ khí này là tính sát thương, nó cho phép giết người mà không cần con người phải giám sát.
Thay vì gửi binh sĩ tham chiến thì người ta gửi các cỗ máy. Như vậy phải chăng sẽ tránh được thiệt hại về người? Điều bất hạnh là sự thật hoàn toàn không đơn giản như vậy. Điều gì xảy ra nếu vũ khí đó bị tấn công mạng? Nếu có lỗi phần mềm thì liệu chúng có tấn công nhầm mục tiêu không? Hậu quả sẽ ra sao nếu một nhóm phiến quân hay khủng bố nắm trong tay vũ khí này?
Điều đáng sợ nhất là nếu vũ khí sát thương tự động lại được lập trình để tiến hành diệt chủng thì sao? Bất kỳ giả thuyết nào trên đây xảy ra thì liệu chúng ta có ngăn chặn được không?
Trưởng nhóm dự án về vũ khí tự động ở Pax, trụ sở tại Hà Lan, ông Daan Kayser đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đề ra quy tắc quốc tế rõ ràng để quản lý sử dụng các loại vũ khí giết người tự động.
“Chúng tôi đang nhìn thấy khả năng trong tương lai gần khi vũ khí sử dụng AI chiếm vai trò của con người, tự lựa chọn và tấn công mục tiêu. Nếu không có quy tắc quốc tế rõ ràng, chúng ta có thể bước vào một kỷ nguyên mà các thuật toán, chứ không phải con người, quyết định quyền sống hay chết”, ông nói.
Nhà thông minh có thể bị chiếm quyền điều khiển
Mã độc tống tiền đang là vấn đề nan giải. Chương trình máy tính chứa phần mềm độc hại này nhảy vào kiểm soát máy tính, các hacker thường đe dọa xóa hoặc mã hóa dữ liệu máy tính của nạn nhân sau đó tống tiền để khắc phục dữ liệu hoặc giải mã.
Bạn thử tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao khi phải bỏ công sức hàng năm trời để xây dựng dữ liệu, rồi bỗng nhiên bị mất hoặc bị đánh cắp? Cuối cùng chỉ có thể mất rất nhiều tiền để đổi lại mà thôi!
Smart Home (nhà thông minh) ngày càng phổ biến với những thiết bị điện gia dụng được kết nối Internet. Ngoài những thuận tiện trong cuộc sống, nhược điểm lớn nhất của nhà thông minh là khả năng bảo mật. Thậm chí, càng nhiều thiết bị thông minh được kết nối Internet thì ngôi nhà càng dễ bị tin tặc tấn công qua các lỗ hổng bảo mật. Ngoài ra loa thông minh, hệ thống camera, khoá điện tử... cũng là mục tiêu tấn công của tin tặc.
Theo tạp chí Economist, những ngôi nhà thông minh chính là đối tượng béo bở cho các loại phần mềm độc hại. Ví dụ, bạn vừa lắp đặt xong một chiếc lò nướng thông minh nhưng ngay sau đó lại phải tiếp tục thương lượng với hacker. Có thể cuối cùng bạn lựa chọn mua một chiếc khác hay trả tiền chuộc.
Chưa hết, trong khi chuyện lò nướng chưa giải quyết xong thì lại thêm chiếc máy điều hòa nhà bạn bị tấn công? Như vậy, hệ thống nhà thông minh hoàn toàn có thể bị hacker chiếm quyền để truy cập và điều khiển từ xa.
Rác vũ trụ bao vây Trái đất
Ngày nay, con người vẫn thường phải chạm tay vào hàng trăm tiện ích khác mà vệ tinh đem lại trong cuộc sống hàng ngày. GPS là công cụ nổi tiếng, tuy nhiên các hệ thống liên lạc cơ bản của nó vẫn dựa phần lớn vào vệ tinh. Nếu không có cỗ máy này “bơi” trong quỹ đạo Trái đất thì có lẽ bạn sẽ không còn chỗ dựa cho cuộc sống thường ngày.
Những thiết bị vệ tinh mới vẫn liên tục được phóng lên không gian, bên cạnh đó những chiếc cũ đang dần ngừng hoạt động hoặc bị loại bỏ. Điều này khiến gia tăng các mảnh vụn vệ tinh. Theo trang tin công nghệ Verge (Hoa Kỳ), vấn nạn đó đang trở thành mối quan tâm rất lớn của hành tinh chúng ta.
Khi một vệ tinh hết hạn, không sử dụng được nữa, nó sẽ tiếp tục quỹ đạo của mình. Một tên lửa đẩy sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo cũng sẽ bị bỏ lại trên không trung. Khi hai vật thể trên vũ trụ va chạm với nhau và tạo hàng triệu mảnh vỡ, chúng cũng được bỏ lại trên không gian. Vấn đề ở chỗ, không có ai đưa tàu lên và thu gom các mảnh vỡ trên vũ trụ cả. Tất cả những vật liệu do con người bỏ lại từ trước tới nay được gọi là rác vũ trụ.
Trong phim “Gravity” (Cuộc chiến không trọng lực - 2013), kỹ sư cơ khí Ryan Stone (Sandra Bullock) và phi hành gia lão luyện Matt Kowalsky (George Clooney) bị cô độc ngoài không gian vũ trụ tối tăm vì mảnh vỡ từ một vệ tinh khác đã phá hỏng tàu của họ.
Đối diện với tử thần, họ buộc phải dũng cảm vượt qua thời khắc khó khăn, nỗ lực hết mình để có thể sống sót. Kịch bản này không phải chỉ có trong phim. Nó bắt nguồn từ thực tế trong vũ trụ, người ta gọi nó là Hội chứng Kessler (hay rác - ẩn họa trong vũ trụ).
Theo ông Donald Kessler, nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về vật thể bị bỏ lại trên vũ trụ của NASA cảnh báo sẽ có ngày rác vũ trụ trở nên quá nhiều, đến nỗi chúng ta không thể phóng vệ tinh lên mà không va chạm vào một vật thể khác. Nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều mảnh vỡ trong vũ trụ không cháy hết sẽ va đập vào Trái đất, phá hủy nhiều thứ kèm theo cả sự nguy hiểm đến tính mạng con người.
Tự động hóa ảnh hưởng đến thị trường lao động
Trong suốt thế kỷ 20, loài người không ngừng chế tạo robot để giúp cho công việc của chúng ta bớt nặng nhọc hơn, giảm dần chi phí thuê nhân công. Áp dụng mô hình làm việc này khiến nhiều người thất nghiệp hơn, tuy nhiên không phải chỗ nào máy móc cũng có thể thay thế được con người. Năm 2015, trong bộ phim
“Charlie và nhà máy sôcôla”, người cha của Charlie nghỉ việc. Trước đó, ở nhà máy ông chuyên một việc là tra nắp vào tuýp kem đánh răng. Thế nhưng sau đó đã có máy làm thay việc của ông. Kết thúc phim thực sự có hậu khi ông nhận được việc làm mới là chăm sóc lại chính cỗ máy đã lấy đi việc làm của ông.
Đây chính là ví dụ điển hình về nạn thất nghiệp xuất phát từ trào lưu tự động hóa, theo Viện Nghiên cứu Brookings (Hoa Kỳ) thì điều này đang trở thành vấn đề rất lớn. Khi càng có nhiều máy móc công nghệ AI thì càng có nhiều người mất việc. Đây không phải là tín hiệu tốt cho xã hội tư bản vì nền kinh tế dựa chủ yếu vào lợi nhuận từ thuê nhân công.
Một số cách có thể khắc phục tình trạng này là giảm tối đa thu nhập có bảo đảm cho người lao động, điều này có thể thực hiện được, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thuyết phục.
Thiết bị giám sát trở nên đáng lo ngại hơn
Thiết bị giám sát hiện nay trở thành một phần của cuộc sống. Camera và thiết bị trợ giúp điều hướng (cho phép người dùng theo dõi và tìm kiếm nội dung trong các chương trình, tài liệu...) gần như được sử dụng mọi nơi, mọi lúc.
Nhưng trong tương lai điều đó sẽ trở nên đáng lo ngại. Theo trang thông tin Verge, công nghệ AI sẽ trở thành ứng dụng cho di động và web trong việc giám sát. Không chỉ công nghệ có thể theo dõi bạn từng bước mà trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích hành vi của bạn.
Mới đây cảnh sát Chicago đã tuyên bố họ đang hợp tác với Ring - nhà chế tạo video cửa ra vào. Theo đó, các nhà chức trách có thể yêu cầu để được truy cập thiết bị video cửa gia đình của công dân. Mọi người đang hoài nghi về khả năng thực thi chính sách này và những ảnh hưởng của nó tới quyền riêng tư trong tương lai.