Những đóa hồng thầm lặng

GD&TĐ - Sáng nay (14/11), Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức chương trình tuyên dương, họp mặt “Những đóa hồng thầm lặng” năm 2015 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với hơn 100 bông hoa đang cống hiến cho giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập của thành phố.

Những đóa hồng thầm lặng
Những đóa hồng thầm lặng ảnh 1Những đóa hồng thầm lặng ảnh 2Những đóa hồng thầm lặng ảnh 3
Tại lễ tuyên dương, bốn thầy cô giáo có thành tích xuất sắc đã có buổi giao lưu và chia sẻ về việc sự nghiệp “trồng người” của mình.

Cô Quách Thị Mộng Tuyền - giáo viên Tổ trưởng chuyên môn Trường MN Hoa Phượng, quận Thủ Đức chia sẻ vì lý do chọn nghề sư phạm với công tác nuôi dạy trẻ giáo dục khuyết tật, hòa nhập.

Cô chia sẻ:  “Là một giáo viên mầm non, khi nhìn thấy một đứa trẻ suốt ngày la hét, tự cắn tay mình, không chịu chơi chung với các bạn. Hay một bé bị hội chứng Down cầm cây sáp màu bỏ vào miệng… 

Những lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình phải làm gì để trẻ biết những thứ đó không ăn được, những việc không nên làm. Làm sao để trẻ biết nói những điều mình muốn chứ không phải hành hạ mình trong đau đớn như vậy. 

Lúc này giang tay đón nhận trẻ khuyết tật vào lớp giống như một sứ mệnh, trách nhiệm không thể chối bỏ. Những đứa con ấy, hơn ai hết cần tình thương của gia đình, thầy cô, bạn bè và của toàn xã hội. Đó là lý do đưa tôi đến với giáo dục hòa nhập”.

Chia sẻ về giáo dục trẻ hòa nhập, chuyên biệt, các thầy cô đều cho rằng, vai trò của phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng, bởi hiện nay có không ít phụ huynh vẫn còn có tâm lý không dám chấp nhận con mình bị khuyết tật, sợ người khác biết con mình không bình thường như bao đứa trẻ khác, hoặc có người phó mặc hết cho nhà trường, trong khi giáo dục cho trẻ rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Thu Lan - giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương, quận 12 - cho biết: Trong giáo dục trẻ khuyết tật việc phát hiện sớm, can thiệp sớm hết sức quan trọng vì giao đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển tốt nhất. 

Vì vậy khi nghi ngờ một đứa trẻ có nhu cầu giáo dục chuyên biệt, người làm công tác này phải khéo léo trong tư vấn cho phụ huynh chấp nhận hạn chế của con, sẵn sàng đưa con đến cơ sở y tế phù hợp để chuẩn đoán kịp thời để từ đó lựa chọn hình thức giáo dục phù hợp.

Thầy Lê Thái Minh Hầu - Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản, quận 5, người đã có nhiều năm trên nhiều cương vị từ giáo viên, phó hiệu trưởng đến hiệu trưởng giáo dục trẻ hòa nhập chia sẻ: "Dạy một trẻ khuyết tật cần đầu tư công sức bằng dạy cả một lớp trẻ bình thường bởi trẻ khuyết tật không những trí tuệ hạn chế mà suy nghĩ, hành động đôi khi còn tự phát, không kiểm soát được hành vi. Sự tiến bộ của trẻ dù chậm nhưng vẫn là một thành công thể hiện sự kiên nhẫn của người thầy”.

Có thể thấy, công việc của giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật vẫn còn đó rất nhiều khó khăn nhưng các thầy cô giáo vẫn hằng ngày âm thầm, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình với nghề, dành tình yêu thương của mình cho những trẻ kém may mắn với nguyện vọng làm sao trang bị cho các em đủ khả năng sống tự lập và ước mong rằng mọi người sẽ luôn đối xử với các em như những đứa trẻ bình thường khác.

Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - gửi lời tri ân, ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh của các thầy cô giáo để chăm sóc, giáo dục cho các em học sinh; đồng thời ghi nhận những đóng góp chia sẻ của các cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục chuyên biệt và hòa nhập để trong thời gian tới tiếp tục tham mưu với lãnh đạo cấp trên những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho giáo dục chuyên biệt như về phụ cấp, tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao chuyên môn cho các giáo viên. 

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng gửi đi thông điệp “hãy sẽ chia, hãy chung tay hành động vì những trẻ em không may bị khiếm khuyết để mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng trôi qua, các em được nhận sự chăm sóc, giáo dục giúp các em tiến bộ”. 

Đặc biệt đối với các bậc phụ huynh của những lớp có trẻ học hòa nhập, hãy sẻ chia, không phân biệt kỳ thị với các trẻ hòa nhập học chung với con em mình, còn với phụ huynh có con em kém may mắn bị khiếm khuyết, hãy phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng nhau hỗ trợ, chăm sóc cho trẻ.

Tại buổi lễ, Sở GD&ĐT TPHCM tuyên dương 14 giáo viên đạt thành tích cao trong hội thi giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật cấp TP đồng thời Sở cũng trao tặng bằng khen cho 109 giáo viên, cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục chuyên biệt của TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ