Những điều F0 cần lưu ý trong giai đoạn “bình thường mới”

GD&TĐ - Trong giai đoạn bình thường mới, F0 không nên quá lo lắng khi phát hiện mắc bệnh.

TPHCM đã bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi. Ảnh: HCDC.
TPHCM đã bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi. Ảnh: HCDC.

Điều quan trọng là chú ý không lây bệnh sang người trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh lý nền và chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Đẩy mạnh chăm sóc F0 tại nhà

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), chủ trương hiện nay của thành phố là các trường hợp F0 đủ điều kiện theo dõi, chăm sóc có thể cách ly tại nhà. Trong chiến lược điều trị sắp tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng. Đồng thời, củng cố hệ thống điều trị để không xảy ra tình trạng bệnh nặng, tử vong.

Hiện, thành phố đã bao phủ vắc-xin mũi 1 cho hơn 90% người trên 18 tuổi và hơn 20% mũi 2. Ngành Y tế thành phố sẽ tập trung quản lý và điều trị các ca F0 phát hiện tại cộng đồng. Đồng thời, tăng cường hệ thống điều trị tại bệnh viện, Nhờ đó, đảm bảo việc điều trị tại các tầng 2, 3 để hạn chế ca tử vong. Triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời và điều trị các ca mắc mới có nguy cơ cao.

Tại các vùng cam, vùng đỏ, thành phố đã hoàn thành cơ bản ba đợt xét nghiệm và đang tiến hành đợt 4. Một số quận, huyện đã hoàn thành xét nghiệm đợt 4 và bước vào đợt 5. Tỷ lệ mẫu dương tính đợt 1 là 3,6%; đợt 2 là 2,7%; đợt 3 là 1,1%, đợt 4 là 1,1%.

Các vùng xanh, vùng vàng của TPHCM đã hoàn thành hai đợt và khoảng 77% đợt 3. Một số địa phương đã hoàn thành ba đợt và đang tiến hành đợt 4. Tỷ lệ mẫu dương tính tại vùng xanh, cận xanh đợt 1 là 0,9%; đợt 2 là 0,9%; đợt 3 là 0,6%. Tỷ lệ mẫu dương tính vùng vàng đợt 1 là 1,8%; đợt 2 là 1,5%; đợt 3 là 0,7%.

Tiến tới dần nới lỏng hạn chế

Theo HCDC, tính đến ngày 21/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 39.446 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 22.612 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 40.909 người. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 7.200 người. Con số này chiếm tỷ lệ 17,6% so với tổng ca đang nằm viện, chiếm 7% so với tổng số ca đang điều trị.
Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 3.661. Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 342 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày 21/9 là 2.725 người. Tổng số ca xuất viện cộng dồn là 174.227 người. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, với tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 như hiện nay, TPHCM có thể dần nới lỏng các hạn chế trong khoảng 2 tuần tới. Chuyên gia lưu ý, thành phố cần tiêm chủng cho nhóm quan trọng nhất là người lớn tuổi.

Theo bác sĩ Khanh, trong thời kỳ bình thường mới, F0 cần bình tĩnh hơn. Bởi, hiện, thuốc điều trị Covid-19 tương đối chuẩn, số lượng F0 hồi phục cao, trong khi bệnh nhân diễn biến nặng thấp. Ngoài ra, thành phố có nhiều giường oxy và nhiều người hướng dẫn điều trị bệnh.

“Tỷ lệ tiêm phòng ở TPHCM cao. Khi đã tiêm phòng, dù trở thành F0 cũng không nên quá lo lắng”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, khi trở thành F0 sau khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, phần lớn mọi người bị bệnh nhẹ. Ngoài ra, việc mắc bệnh sau tiêm phòng tương tự như được “tiêm thêm 1 mũi vắc-xin”.

Trong khi đó, đối với F0 là trẻ em, gia đình được khuyến cáo không nên quá lo lắng. Bởi, trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, trong trường hợp bệnh nặng, đó là do cơ địa trẻ, không phải Covid-19 khiến tình trạng nghiêm trọng.

“Nếu là F0, điều đầu tiên cần làm là tìm những người có nguy cơ lây trong gia đình. Liệu trong nhà có người lớn tuổi, người mắc bệnh nền chưa tiêm phòng không? Tuy nhiên, nếu người thân trong gia đình đã tiêm ngừa 2 mũi vắc-xin, không cần quá lo lắng”, bác sĩ Khanh cho biết.

Chuyên gia chia sẻ, tỷ lệ F0 đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 phải thở oxy là rất thấp. Song, bất kỳ bệnh nào cũng sẽ có trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, sau khi mắc bệnh, nhiều người có các triệu chứng khác nhau. Cụ thể, một số F0 có mạch nhanh, trong khi số khác mạch chậm. Hoặc, một số bệnh nhân tức ngực, khó thở...

Chia sẻ về nguyên nhân một số người tái nhiễm Covid-19, bác sĩ Khanh cho biết, do tác nhân gây bệnh có nhiều tuýp khác nhau, không phải vì các biến chủng khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ