Hơn một nửa số cha mẹ của những đứa trẻ 18 tuổi trong một cuộc thăm dò cho biết con họ đang đi làm.
Theo Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia C.S. Mott của Đại học Michigan, trong khi một số gia đình ca ngợi những trải nghiệm tích cực trong công việc, chẳng hạn như cải thiện kỹ năng quản lý tiền bạc và lòng tự trọng của con, thì những gia đình khác lại lo lắng về khả năng tác động tiêu cực đến giấc ngủ, lịch trình và điểm số.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, tìm được một công việc đáp ứng các yêu cầu của con, có thể là chìa khóa để giảm thiểu mọi hậu quả tiêu cực.
Đồng Giám đốc Mott Poll, Sarah Clark, cho biết: “Có một công việc bán thời gian khi còn trẻ có thể dạy về trách nhiệm, tính độc lập và giúp thanh thiếu niên có được những trải nghiệm quý giá.
Tuy nhiên, tham gia quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên. Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp con tìm được công việc phù hợp với nhu cầu.
Cha mẹ của những thanh thiếu niên không đi làm bày tỏ lo ngại rằng việc làm có thể tác động tiêu cực đến điểm số, việc tham gia các hoạt động, giấc ngủ hoặc đời sống xã hội của con. Nhưng thực tế cho thấy, thanh thiếu niên có nhiều khả năng nhận được những lợi ích tích cực hơn, ít xung đột gia đình hơn khi các em làm công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình”.
Hơn một nửa số bậc cha mẹ cũng muốn có một công việc để mang lại trải nghiệm học tập cho con họ.
Clark nói: “Các gia đình nên trò chuyện thẳng thắn về các yếu tố có thể xảy ra khi thanh thiếu niên đang nghĩ đến chuyện tìm việc làm.
Thanh thiếu niên cần phải thực tế về thời gian cần thiết cho việc học ở trường, cũng như các hoạt động ngoại khóa, cam kết với gia đình và các sự kiện xã hội đã lên kế hoạch để ngăn ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số, sức khỏe và các khía cạnh khác trong cuộc sống của các em".
Trong số các bậc cha mẹ của thanh thiếu niên đang đi làm, gần một nửa cũng nói rằng con họ đã gặp phải các vấn đề tại nơi làm việc, chủ yếu là phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc về nhà muộn hơn, bất đồng với đồng nghiệp hoặc người quản lý.
Clark cho biết: “Nhiều thanh thiếu niên sẽ cảm thấy lo lắng khi ở trong một tình huống xa lạ, khi có ai đó đánh giá hiệu suất của các em và phải giải quyết nhiều yêu cầu hơn về thời gian. Do đó cha mẹ cần liên tục đánh giá xem liệu công việc đó có tạo gánh nặng tiêu cực cho con mình hay không".
3 lời khuyên cho phụ huynh
Có những cuộc trò chuyện chân thành với con
Cha mẹ nên hỏi: Con sẽ làm việc như thế nào và việc đi làm có khả năng ảnh hưởng đến các cam kết khác như lịch học ở trường, hoạt động ngoại khóa, đời sống xã hội và thời gian dành cho gia đình hay không?
Clark nói: “Thanh thiếu niên thường phải giải quyết một số cam kết ở trường và ở nhà đồng thời cần có một bức tranh chính xác về lượng thời gian mà các em có thể và sẵn sàng từ bỏ để đáp ứng công việc.
Các bậc cha mẹ cũng nên xem xét công việc của con ảnh hưởng đến họ và lịch trình của gia đình họ như thế nào".
Giúp con tìm được công việc phù hợp
Đối với một số thanh thiếu niên, mục tiêu đi làm có thể là phát triển những mối quan hệ có giá trị hoặc tích lũy kinh nghiệm để có cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Đối với những thanh thiếu niên khác, đi làm là để kiếm tiền chi tiêu cho những thứ mà các em mong muốn.
Theo Clark, cha mẹ nên đưa ra hướng dẫn khi con cái họ băn khoăn xem nên theo đuổi công việc nào.
“Việc làm của thanh thiếu niên là cơ hội tốt để các em tự kiếm tiền và học cách phát triển các kỹ năng mới, chẳng hạn như quản lý thời gian và tài chính, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.
Nhưng không phải công việc nào cũng phù hợp với mọi thanh thiếu niên. Cha mẹ nên hướng dẫn con thảo luận để đảm bảo công việc phù hợp với con.
Thanh thiếu niên có nhiều khả năng nhận được những lợi ích tích cực hơn, ít xung đột gia đình hơn khi các em làm công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình”, Clark nói.
Giúp con chuẩn bị và quản lý các tình huống mới tại nơi làm việc
Thanh thiếu niên có thể cảm thấy choáng ngợp trước một số thách thức mới xảy ra trong môi trường làm việc. Một số sẽ gặp phải những tình huống mới mà không biết cách xử lý, bao gồm cả những tương tác đầy thách thức với khách hàng, đồng nghiệp hoặc người quản lý.
Clark khuyên: “Cha mẹ có thể là cầu nối để con cái bày tỏ những lo lắng của mình và giúp chúng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách cùng nhau đưa ra các giải pháp và khám phá các cách giải quyết xung đột.”