Những điểm kế thừa và đổi mới của sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều

GD&TĐ - Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 được thiết kế theo mô hình tích hợp, lấy hệ thống chủ đề - chủ điểm làm chỗ dựa để xây dựng hệ thống bài học, nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học.

Mặc dù có nhiều điểm đổi mới để phù hợp với từng đối tượng học sinh cũng như từng vùng khác nhau, tuy nhiên sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều cũng có những điểm kế thừa tinh hoa của sách giáo khoa cũ.

Những điểm kế thừa và đổi mới của sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều ảnh 1

Dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404 ngày 27/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Điểm d, khoản 2, Điều 1, Quyết định số 404/QĐ-TTg quy định “nguyên tắc xây dựng chương trình mới, sách giáo khoa mới” là: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới kế thừa ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế”, sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều đã kế thừa những điểm sau của bộ sách giáo khoa cũ:

Tiếp tục thực hiện tư tưởng dạy học tích hợp và tích cực.

Cấu trúc sách theo hệ thống chủ điểm; cấu trúc bài học theo hệ thống hoạt động rèn luyện kĩ năng (đọc, viết, nói và nghe).

Sử dụng lại khoảng 25% văn bản tập đọc từ sách giáo khoa cũ; số văn bản này chiếm khoảng 31% tổng số văn bản tập đọc trong sách giáo khoa mới.

Thiết kế hệ thống bài tập viết theo hướng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học ở lớp 1, lớp 2 vào việc viết các từ ngữ và câu chứa chữ viết hoa.

Thiết kế hệ thống bài tập chính tả gồm 3 nội dung: ôn bảng chữ cái; nghe - viết, nhớ - viết đoạn văn; làm bài tập khắc phục lỗi về vần khó và lỗi do phương ngữ.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều cũng đã tiến hành những điểm đổi mới để phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Cụ thể:

1. Cấu trúc sách theo hệ thống chủ đề - chủ điểm: sửa đổi, bổ sung các chủ điểm trên cơ sở tổ chức lại theo hệ thống chủ đề để bảo đảm tính hệ thống, tính phát triển của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học và đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực (năng lực đặc thù, năng lực chung) cho học sinh.

2. Cấu trúc sách có phần cứng và phần mềm (khoảng 50 tiết) để phù hợp với các đối tượng khác nhau và thực tế ở các địa bàn khác nhau.

3. Cấu trúc bài học phù hợp với quy trình hoạt động: Chia sẻ (Khởi động) – Khám phá – Luyện tập – Vận dụng – Tự đánh giá. Trong đó:

+ Chia sẻ (Khởi động): Tổ chức cho học sinh chia sẻ những điều đã trải nghiệm liên quan đến chủ điểm để chuẩn bị cho bài học.

+ Khám phá: Đặt học sinh trước các tình huống và nhiệm vụ về đọc, viết, nói và nghe để giúp các em hình thành những hiểu biết và kinh nghiệm mới.

+ Luyện tập: Đặt học sinh vào những tình huống và nhiệm vụ tương tự tình huống, nhiệm vụ đã học để củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng thực hành.

+ Vận dụng: Tổ chức cho học sinh vận dụng những điều đã học để giải quyết những tình huống có thực trong đời sống. Bên cạnh các câu hỏi, bài tập liên hệ với bản thân và cuộc sống ở tất cả các hoạt động đọc, viết, nói và nghe, sách giáo khoa Tiếng Việt 3 còn có hoạt động Góc sáng tạo – một hoạt động trải nghiệm của môn Tiếng

Việt, nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo và giúp học sinh vận dụng những điều đã học vào cuộc sống.

+ Tự đánh giá: Cuối mỗi chủ điểm học tập, sách giáo khoa Tiếng Việt 3 có một bảng tổng kết giúp học sinh tự đánh giá những điều đã biết, những việc đã làm được trong chủ điểm.

Giáo viên có thể dựa vào bảng tổng kết để ra bài tập đánh giá học sinh. Phụ huynh học sinh cũng có thể dựa vào bảng tổng kết để nắm được yêu cầu của mỗi chủ điểm học tập, qua đó đánh giá xem con em mình đạt được ở mức nào.

Cấu trúc này tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học, rèn luyện cho học sinh các kĩ năng quan sát, nhận xét, so sánh, thảo luận và vận dụng kiến thức kĩ năng đã học vào thực tiễn cuộc sống, thông qua các bài tập và yêu cầu luyện tập, vận dụng.

Thông qua các hoạt động học tập, học sinh sẽ hứng thú tích cực, chủ động trong học tập làm cho giờ học trở nên nhẹ nhàng, vui vể, sôi động và hấp dẫn.

4. Cấu trúc các bài đọc theo 3 phần: Đọc thành tiếng – Đọc hiểu – Luyện tập; không tổ chức tiết Luyện từ và câu.

5. Thiết kế lại toàn bộ nội dung rèn luyện các kĩ năng viết và nói - nghe phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Với mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”, các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều luôn lồng ghép nội dung lý thuyết với thực hành, giúp các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn vận dụng hiệu quả vào trong thực tế.

Các hình ảnh, câu chuyện, tình huống …trong sách được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống của học sinh, gần gũi, thân quen phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của học sinh lứa tuổi lớp 3.

Sách Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào sử dụng trong cơ sở giáo dục tiểu học từ năm học 2022-2023 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.