Những dấu ấn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 để lại nhiều dấu ấn từ tổ chức dạy học, ôn tập; đăng ký dự thi; kiểm tra, thanh tra, giám sát, đến hỗ trợ thí sinh.

Công tác hỗ trợ thí sinh là một dấu ấn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Công tác hỗ trợ thí sinh là một dấu ấn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Thực hiện nghiêm túc việc hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập

Các địa phương chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 và tạo mọi điều kiện cho thí sinh từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn chuẩn bị dự thi với nhiều phương thức như hỗ trợ thí sinh ôn tập.

Đây là những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các thầy cô giáo đối với việc chuẩn bị các điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

Tổ chức đăng ký dự thi thuận lợi, kịp thời

Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát

Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã được triển khai sớm, thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 12/6 đến ngày 27/6/2023.

Công tác thanh tra, kiểm tra quá trình chuẩn bị, tổ chức thi được tăng cường với tinh thần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

Các địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại địa phương. Đã thành lập 5 Đoàn của Ban Chỉ đạo và Lãnh đạo Bộ làm việc tại các địa phương, đại diện vùng, miền.

Cùng với các đoàn này, Bộ GD&ĐT đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng để triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu tổ chức Kỳ thi tại địa phương.

Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định trong tổ chức Kỳ thi, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia Kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Tại các địa phương, tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác coi thi tại các điểm thi. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, viên chức của cơ sở giáo dục đại học với tổng số 135 cơ sở giáo dục đại học, 6562 người tổ chức được tập huấn đầy đủ và kiểm tra đạt yêu cầu để bố trí tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 Sở GD&ĐT và Hội đồng thi. Các đoàn kiểm tra coi thi đã xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và phân công cán bộ kiểm tra theo đúng quy định, tiến hành kiểm tra tại tất cả các điểm thi trên toàn quốc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đoàn kiểm tra đã kịp phát hiện những bất cập, hạn chế và vi phạm, báo cáo Tổ trực thanh tra của Bộ để xin ý kiến Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia xử lý theo quy định.

Trong những ngày diễn ra công tác coi thi, các Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo và của Bộ trưởng GD&ĐT đã đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương.

Hoạt động thanh tra/kiểm tra công tác chấm thi: Tại các địa phương, tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các Hội đồng chấm thi. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, viên chức 76 cơ sở giáo dục đại học và 63 Sở GD&ĐT với số lượng 158 người được tổ chức tập huấn đầy đủ và kiểm tra đạt yêu cầu để bố trí tham gia các đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 Sở GD&ĐT và Hội đồng thi, trong suốt quá trình chấm thi.

Hiện các đoàn đã xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và đang chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay sau khi công tác coi thi kết thúc và theo lịch chấm thi của các địa phương.

Thí sinh dự thi nhận được sự chăm lo, quan tâm của gia đình, xã hội.

Thí sinh dự thi nhận được sự chăm lo, quan tâm của gia đình, xã hội.

Công tác ra đề bảo đảm bảo mật, an toàn

Hội đồng ra đề thi thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, ra đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Đề thi được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản. Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng.

Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các Điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.

Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Phòng chống gian lận công nghệ cao

Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên.

Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.

Nụ cười thí sinh sau kết thúc Kỳ thi.

Nụ cười thí sinh sau kết thúc Kỳ thi.

Hỗ trợ thí sinh tham dự Kỳ thi

Ban Chỉ đạo các cấp đặc biệt quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh , Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.

Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi.

Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo, vùng bị ngập lụt đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.

Công tác coi thi nghiêm túc bảo đảm trật tự, an toàn

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các Điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các Điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.

Do Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý.

Cụ thể, số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ