Những đại gia lĩnh án chung thân vì bán chung cư "trên giấy"

Dự án chưa được cấp phép nhưng nhiều tổng giám đốc đã phù phép để khách hàng tin tưởng nộp tiền mua nhà. Và khi "bánh vẽ" này bị bóc mẽ, nhà đầu tư mất tiền, còn các đại gia bất động sản phải nhận mức án khá nặng.

Những đại gia lĩnh án chung thân vì bán chung cư "trên giấy"

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 7/1 đã bắt bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội, chủ tịch tập đoàn Housing Group, phục vụ điều tra về sai phạm liên quan đến dự án chung cư B5 Cầu Diễn với cáo buộc đã thu gần 380 tỷ đồng của 752 khách hàng song không giao nhà theo cam kết. Hiện, khu chung với tổ hợp 6 tòa nhà 29-33 tầng này vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

Trước bà Nga, nhiều tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT ở các công ty bất động sản đã vướng lao lý do "vẽ dự án". Một trong số này là Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản Việt Nam. Năm 2008, Bàng và các đồng phạm lập 4 dự án gồm: Khu nhà ở Phương Đông, Khu nhà ở 683, Khu nhà ở Lộc Hà, Khu nhà ở tổng hợp 683b.

Theo cáo buộc, Bàng ký thuê một công ty thiết kế tổng thể mặt bằng xây dựng các khu nhà ở cùng không gian kiến trúc, cảnh quan của cả 4 dự án. Ông ta cho nhân viên đến xã Minh Khai, huyện Từ Liêm mua đất nông nghiệp của 10 hộ dân rồi đưa máy móc tới san lấp mặt bằng vờ như đang bắt đầu khởi động dự án.

Hoàn thiện xong công đoạn trên, Bàng cùng một số người liên quan ra thông báo bán nhà, đất dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn đầu tư. Nhà chức trách xác định, Bàng đã ký gần 760 hợp đồng nhận vốn góp từ gần 400 người, thu hơn 347 tỷ đồng. Đầu tuần tháng 11/2014 đến khi bị TAND Hà Nội tuyên tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bàng còn nợ hơn 283 tỷ đồng của gần 300 bị hại.

Trong năm 2014, cùng lĩnh mức án chung thân như Lê Hồng Bàng có Trần Ứng Thanh (67 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà). Theo cáo buộc, ngày 14/6/2000, UBND TP Hà Nội có Công văn số giao cho quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng. Nguồn vốn thực hiện dự án, thành phố có chủ trương huy động từ các nguồn vốn ứng trước để thực hiện, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn sau khi quận bố trí (bán nhà) cho người dân trong khu phố cổ.

Công ty CP Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà do ông Trần Ứng Thanh làm Tổng Giám đốc được UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định giao cho thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Công ty được chấp thuận đề nghị xin được hưởng một số ưu đãi trong dự án.

Tuy nhiên, lợi dụng việc này, Hồng Hà bị cáo buộc đã sử dụng các văn bản, quyết định mà UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành, làm cho khách hàng tưởng rằng họ là Chủ đầu tư dự án, được phép huy động vốn để ký hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn.

Phát hiện việc rao bán trái phép căn hộ khu nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội của công ty Hồng Hà, UBND quận Hoàn Kiếm có thông báo hủy quyết định để công ty này thực hiện dự án và khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng là trái quy định.

Nhà chức trách cho hay 143 người vì tin tưởng "bánh vẽ" trên nộp số tiền đặt cọc gần 170 tỷ đồng. Hiện công ty chưa thực hiện bất cứ công việc gì của dự án và mới trả cho khách hàng gần 33 tỷ đồng. Ngày 12/6/2014, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thanh, 67 tuổi, án tù chung thân. Ba người khác có liên quan từ 13 năm tù đến tù chung thân cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một vụ bán chung cư "trên giấy khác" xảy ra tại Hà Nội có số người bị lừa lớn hơn gấp nhiều lần là vụ án chiếm đoạt tài sản qua dự án Thanh Hà A. Theo cáo buộc, Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1-5 được Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 giao làm chủ đầu tư 3 dự án. Công ty 1-5 cho Cienco 5 vay 200 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án, vì vậy được hưởng quyền ưu tiên thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).

Do không chuyển tiền, đầu tháng 2/2010, Cienco 5 chấm dứt hợp đồng vay vốn với Công ty 1-5. Ông Lê Hòa Bình (59 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5) giấu nhẹm thông tin này và tiếp tục sử dụng hợp đồng cũ này để huy động vốn... Ông Bình đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thu thập bản đồ quy hoạch sử dụng đất không có giá trị pháp lý đưa cho khách hàng xem. Tạo được lòng tin bằng nhiều tài liệu khác, ông Bình cùng cấp dưới đã ký hơn 460 hợp đồng giao vốn, thu gần 790 tỷ đồng. Khoản tiền này, Bình và đồng phạm dùng mua cổ phần của một số công ty, trả nợ ngân hàng, tiêu xài cá nhân, mua sắm tài sản… Còn khách hàng chờ mãi vẫn không được giao nhà.

Một ngày cuối tháng 12/2013, ông Bình bị TAND Hà Nội tuyên phạt tù chung thân tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cấp dưới của cựu chủ tịch HĐQT này cũng phải nhận từ 17 năm đến tù chung thân cùng tội danh bị quy kết.

Cũng tại dự án mang tên Thanh Hà, một vụ lừa đảo khác cũng xảy ra. Trần Hồng Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Hương Việt) quảng cáo đang tham gia triển khai dự án Thanh Hà do Cienco 5 là chủ đầu tư, có khả năng giúp khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư.

Việt mua các bản vẽ tổng thể dự án Thanh Hà A, B đặt tại công ty để tạo tin tưởng đặt cọc... Có trường hợp cùng một lô đất, Việt ký hợp đồng bán với nhiều người. Nhận tiền xong, nữ tổng giám đốc khất lần việc giao đất hoặc chuyển họ sang mua nhà ở nơi khác để kéo dài thời gian. Tổng cộng Việt và các đồng phạm chiếm đoạt 94 tỷ đồng và không có khả năng khắc phục nên cuối tháng 2/2014, nữ doanh nhân này bị TAND Hà Nội tuyên phạt tù chung thân tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ