Những đại án 'đình đám' 6 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Ngoài hàng trăm người bị bắt với số tiền vi phạm khổng lồ, những đại án được khám phá, xử lý đầu năm 2022 còn khiến người khác “giật mình” bởi sự nhẫn tâm, “ăn” trong cả dịch bệnh.

Hàng loạt quan chức và những kẻ lừa đảo quy mô lớn bị bắt trong đầu năm 2022.
Hàng loạt quan chức và những kẻ lừa đảo quy mô lớn bị bắt trong đầu năm 2022.

Những chuyến bay giải cứu

Mỗi chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài về sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng vài tỷ đồng và “Có gần 2.000 chuyến bay giải cứu trong các đợt dịch vừa qua”, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin tại họp báo Chính phủ hôm 4/6.

Đến chiều 30/6, đại diện Cơ quan An ninh điều tra cho hay: “Kết quả điều tra bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên việc xác định mỗi bị can đưa bao nhiêu, nhận bao nhiêu cần chờ kết luận cuối cùng”.

Những người đầu tiên trong vụ án bị khởi tố tháng 1/2022 về tội “Nhận hối lộ” đều ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao gồm Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng; Đỗ Hoàng Tùng; Cục phó, Lê Tuấn Anh, Chánh văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân.

Những bị can khác “xộ khám” sau đó gồm Nguyễn Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình bị bắt về tội “Đưa hối lộ”. Tháng 4/2022, cơ quan điều tra bắt ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao và một số người khác.

Tổng cộng, có 7 người bị bắt về tội “Nhận hối lộ” và 3 người khác bị bắt về hành vi đưa hối lộ. Đến nay, vụ án chưa có kết luận điều tra và dự kiến, sẽ còn thêm bị can phải xử lý hình sự. Phía điều tra khẳng định sẽ làm rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức, “bất kể là ai”.

Các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị bắt

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Khi bị phát hiện sai phạm, ông Long vẫn đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế và bị cáo buộc “vụ lợi trong vụ án Việt Á”.

Ông Nguyễn Thanh Long bị cho đã lợi dụng chức vụ, làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19.

Hành vi này gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Về tin đồn về việc ông Long tự sát, đại diện cơ quan điều tra bác bỏ, cho hay “tâm lý các bị can ổn định”.

Trước đó, ông Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long thời kỳ vị này làm Thứ trưởng Bộ Y tế, bị khởi tố với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khi bị bắt hôm 25/5, ông Huỳnh giữ chức Phó phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Cảnh sát cho rằng ông Huỳnh lợi dụng vị trí thư ký lãnh đạo để “giới thiệu, can thiệp và tác động” đến Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn trong việc Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á.

Còn Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh bị bắt về những sai phạm khi giữ chứ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cơ quan điều tra xác định ông Chu Ngọc Anh vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Tổng cộng, gần 70 người bị bắt do liên quan việc Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, hối lộ quan chức các địa phương. Rất nhiều trong số đó trước khi bị bắt từng khẳng định “không nhận hoa hồng của Việt Á”.

Thao túng chứng khoán, “lùa gà” quy mô lớn

Đầu năm 2022, cổ phiếu FLC tăng 64%, lên cao nhất 24.000 đồng/cổ. Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch doanh nghiệp này cùng đồng phạm lập tức “bán chui” gần 75 triệu cổ phiếu, thu 1.689 tỷ đồng trong đó “hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ”, cảnh sát cho hay.

Tháng 3/2022, Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc “Thao túng chứng khoán”, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán để “thông đồng” liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả, đẩy giá lên cao.

Nhóm thuộc cấp của ông Quyết đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Khi cổ phiếu được đẩy lên giá trần, Chủ tịch FLC chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Quyết không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán.

Ngày 10/1, sàn HOSE phát hiện sự việc nên báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán mang tên ông Quyết. Một ngày sau, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hủy giao dịch với 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Do những hành vi trên, ông Quyết cùng nhiều người thân bị bắt. Ngày 1/7, Hội đồng quản trị FLC đã bầu ông Lê Bá Nguyên - anh vợ bị can Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công ty CP Tập đoàn FLC thành lập năm 2008 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, chứng khoán, du lịch, hàng không... FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết.

Tân Hoàng Minh chiếm đoạt trên 8.000 tỷ đồng

Đây là khẳng định của phía điều tra tại họp báo Bộ Công an ngày 30/6, toàn bộ 8.000 tỷ này là của các nhà đầu tư. Đến nay, cảnh sát vẫn đang xác minh số lượng bị hại cũng như số tiền bị chiếm đoạt.

Phần mình, Công ty Tân Hoàng Minh đã nộp lại hơn 2.100 tỷ đồng vào kho bạc nhưng quá trình chi trả cho các bị hại vẫn chưa diễn ra. Đại diện cơ quan điều tra khẳng định “sẽ giải quyết minh bạch” để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại và: “Vụ án này chúng tôi chỉ điều tra riêng về hành vi lừa đảo nên các nhà đầu tư yên tâm”.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng cùng con trai là Đỗ Hoàng Việt và bốn người khác bị cảnh sát bắt tháng 4/2022 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng.

Việc này có mục đích huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Buôn lậu hàng trăm triệu lít xăng

Theo kết luận điều tra ban hành tháng 2/2022, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị truy tố 74 người về các tội “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”. Các bị can trong vụ còn “bôi trơn” cho một số cá nhân thuộc Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng nên cảnh sát đã chuyển hồ sơ, đề nghị Bộ Quốc phòng xử lý.

Liên quan vụ án, Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang bị khai trừ ra khỏi Đảng vì “suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ…”.

Phía điều tra cáo buộc, từ năm 2019, các bị can trong vụ buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam bằng các tàu biển chuyên dụng có tổng trọng lượng 8.000 tấn đậu tại vùng biển tự do (đoạn giáp ranh giữa các nước Singapore, Indonesia, Malaysia).

Khi 2 tàu này chở hàng về vùng biển Việt Nam, các tàu nhỏ hơn sẽ ra “ăn hàng”, đưa về đất liền. Xăng lậu có màu trắng trong khi xăng ngoài thị trường có màu vàng nhạt nên để không bị phát hiện, các bị can sử dụng bột màu, dung môi pha chế cho giống xăng trong nước rồi bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Cảnh sát cho hay, giai đoạn 2020 đến đầu năm 2021, nhóm buôn lậu trên đã vận chuyển 48 chuyến hàng, chứa 198 triệu lít xăng. Để có thể nhập lậu, tiêu thụ trót lọt, nhóm này hối lộ cho loạt quan chức trong các lực lượng hải quan, quân đội, cơ quan chống buôn lậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ