Những ‘đại án’ đáng chú ý năm 2021

GD&TĐ - Cơ quan tố tụng cả nước khởi tố, xét xử hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Những người bị xử lý ở các lĩnh vực từ y tế, giáo dục, công an, quân đội… thể hiện “không có vùng cấm”.

Ăn tiền trên “lỗ mũi”

Phan Quốc Việt – Chủ tịch Công ty Việt Á cùng 18 người khác bị khởi tố về các hành vi đưa/nhận hối lộ, vi phạm quy định đấu thầu. Trong đó, Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế; Nguyễn Minh Tuấn – cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng -  Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết định đưa vụ án Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo và cho rằng vụ án này: “Gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Phan Quốc Việt bị cáo buộc hối lộ, thông thầu, đẩy giá kit xét nghiệm Covid-19.
Phan Quốc Việt bị cáo buộc hối lộ, thông thầu, đẩy giá kit xét nghiệm Covid-19.

Theo hồ sơ, Phan Quốc Việt từng nói bán kit xét nghiệm Covid-19 ở giá 400 – 600 nghìn đồng/test là hợp lý và : “Phục vụ cho chính người dân của mình, vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân?”.

Kế quả điều tra cho thấy ngược lại. Công ty Việt Á đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh. Doanh nghiệp này thông thầu, chi số tiền lớn cho người trong CDC các địa phương để bán được hàng. Riêng tại 5 hợp đồng bán hàng cho CDC Hải Dương, Công ty Việt Á chi hối lộ 27 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt còn bị cáo buộc câu kết cán bộ trong cơ quan Nhà nước để được tạo điều kiện trong việc trong quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm cũng như quá trình cấp phép lưu hành, hiệp thương giá sản phẩm.

Ông Nguyễn Duy Linh cầm 5 tỷ đồng của cấp dưới

Trong phiên tòa đầu tháng 11/2021, ông Nguyễn Duy Linh - cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo cùng cấp dưới là cựu thượng tá Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) ban đầu cùng kêu oan, nói không cho chuyện đưa, nhận hối lộ 5 tỷ đồng.

Sau khi bị cách ly, cả 2 bất ngờ nhận tội, ông Linh nói thêm đã không dùng số tiền trên vào việc bất chính rồi vận động gia đình nộp lại. Vũ “nhôm” từ chối tranh luận trước cáo buộc của viện kiểm sát, khi nói lời sau cùng cũng chỉ mong được “sớm đi thi hành án”.

Ông Nguyễn Duy Linh cùng Vũ “nhôm” tại tòa sơ thẩm.
Ông Nguyễn Duy Linh cùng Vũ “nhôm” tại tòa sơ thẩm.

Theo bản án, năm 2017, Vũ bị điều tra nên nhờ thầy phong thủy Hồ Hữu Hòa “kết nối” với ông Nguyễn Duy Linh, xin giúp đỡ. Hòa sau đó giúp Vũ chuyển 5 tỷ đồng cho cấp trên tại Tổng cục Tình báo.

Ngày 17/12/2017, ông Linh nói cho Vũ biết việc anh ta có thể bị khởi tố, bắt giam và khuyên đi du lịch thời gian ngắn, “cố gắng qua nước châu Âu”. Ba ngày sau, Vũ bị khởi tố nhưng đã kịp trốn sang Singapore. Tháng 1/2018, anh ta bị bắt về nước và viết 6 bản tường trình về việc đưa hối lộ cho ông Linh.

Từ những nhận định trên, tòa cấp sơ thẩm phạt ông Nguyễn Duy Linh 14 năm tù, Vũ “nhôm” 7 năm 6 tháng tù và Hồ Hữu Hòa 2 năm 7 tháng 25 ngày tù.

Đường nghìn tỷ vừa dùng đã hỏng

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.516 tỷ đồng nhưng vừa xây xong đã hỏng. Riêng 65km thuộc giai đoạn 1 có tới 380 điểm hư hỏng, trung bình 1km hỏng 6 chỗ. Kết luận giám định cho thấy, 65 km đường cao tốc thuộc giai đoạn 1 không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỷ đồng.

Do vậy, TAND TP Hà Nội hôm 6/12 phạt Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng – cùng nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) lần lượt 6 và 7 năm tù. Ngoài ra, 33 bị cáo người Việt và 1 bị cáo người Nhật bị tuyên từ án treo đến 8 năm 6 tháng tù.

Ngày 30/12/2021, tòa án quân sự theo thẩm quyền của mình đã xử phạt 9 bị cáo mức án từ 14 tháng đến 4 năm 6 tháng tù. Trong đó, Đinh Tiến Hiệp - nguyên thượng tá Binh đoàn 12 và Nguyễn Việt Hòa - nguyên đại úy, chỉ huy trưởng công trường của Tổng công ty Thành An cùng bị tuyên 4 năm tù.

Các cơ quan tố tụng xác định các bị cáo trên đã vi phạm không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng; thi công bằng vật liệu kém chất lượng. Do đó, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi được xây không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo nhưng vẫn được đưa vào khai thác sử dụng.

Ông Tất Thành Cang hầu tòa xuyên Tết

Ông Cang – nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cùng 19 bị cáo khác hầu tòa hôm 27/12 và việc xét xử kéo dài sang năm 2022. Trong vụ án này, ông Cang bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” khi chấp thuận cho Công ty phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) bán rẻ cổ phần.

Ông Tất Thành Cang bị kết luận có sai phạm trong 2 vụ án khác nhau.
Ông Tất Thành Cang bị kết luận có sai phạm trong 2 vụ án khác nhau.

Tề Trí Dũng – nguyên Chủ tịch Sadeco và 18 đồng phạm bị cáo buộc đã sử dụng kết quả thẩm định giá của đơn vị không có chức năng thẩm định để thông qua quyết định bán rẻ 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần. Việc này gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỷ đồng trong đó có 669 tỷ đồng của Nhà nước. Ông Cang bị buộc chịu trách nhiệm đối với 184 tỷ đồng - tương đương phần vốn của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco.

Nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM còn bị đề nghị truy tố trong vụ án Công ty Tân Thuận bán rẻ hơn 320.000 m2 đất tại Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thiệt hại gần 168 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung kêu oan

Trong vụ án thông thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng như vụ án gây thiệt hại khi mua chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C, ông Nguyễn Đức Chung đều không nhận tội. Ngược lại, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chấp nhận bản án 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” trong lần hầu tòa đầu tiên của mình.

Lần thứ 2 hầu tòa, ông Chung bị phạt 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hôm 13/12/2021. Ở vụ án này, ông Chung bị xác định chỉ đạo trái pháp luật, buộc Công ty Thoát nước Hà Nội phải mua chế phẩm xử lý ô nhiễm Redoxy-3C qua doanh nghiệp “sân sau” của mình, gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các bị cáo tại tòa hôm 30/12/2021
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các bị cáo tại tòa hôm 30/12/2021

Ngày 22/12, ông Chung kháng cáo, phủ nhận việc ưu ái cho công ty gia đình của mình được bán chế phẩm Redoxy-3C. Cựu Chủ tịch UBND cho rằng quá trình công tác luôn nghĩ phải làm gì tốt nhất cho thủ đô, không có chuyện tư lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngày 31/12, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục bị phạt 3 năm tù trong vụ án thứ 3 của mình, cũng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tòa sơ thẩm xác định ông Chung với vai trò Chủ tịch thành phố đã can thiệp trái pháp luật vào quá trình đấu thầu gói thầu số hóa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc này nhằm tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu nhưng doanh nghiệp này sau đó không thể thực hiện công việc theo gói thầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ