Những đặc điểm nổi bật của giáo dục Estonia

GD&TĐ - Có một nền giáo dục phát triển, đánh giá dựa trên thành tích ấn tượng trong các kỳ thi đánh giá xếp hạng quốc tế từ năm 2006 đến nay, Estonia đã cho thấy tiềm năng phát triển giáo dục của mình không hề thua kém các quốc gia luôn thu hút sự quan tâm của truyền thông như Phần Lan hay Singapore, thậm chí có những đặc điểm mà ngay cả các cường quốc giáo dục vẫn đang đau đầu thực hiện. 

Những đặc điểm nổi bật của giáo dục Estonia

Chất lượng giáo dục cao và đồng đều

Nếu không nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục Estonia thì điều đầu tiên một người cảm thấy đáng kinh ngạc đó là sự phát triển và hoàn thiện của giáo dục ở đây.

Từ hệ thống giảng dạy cho đến cách thức tổ chức bộ máy quản lý, giáo dục Estonia gần như trở thành một chuẩn mực để xây dựng một hệ thống giáo dục nội địa chất lượng cao.

Những đánh giá này xuất phát từ việc trong các kỳ thi đánh giá xếp hạng quốc tế như PISA, Estonia luôn nằm trong 10 quốc gia có thành tích cao nhất bên cạnh những cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay quốc gia láng giềng Phần Lan.

Thứ hạng cao trong các kỳ thi quốc tế là một thành tích ấn tượng, nhưng cách mà giáo dục Estonia có thể đạt được thành tích này lại càng ấn tượng hơn.

Mặc dù dân số Estonia không có sự phân hóa sâu sắc về sắc tộc, ngôn ngữ nhưng tại quốc gia này vẫn còn nhóm dân cư thiểu số tại các trường tiếng Nga hoặc ở vùng nông thôn.

Vì thế giữ được thành tích cao và gần như không cho thấy sự cách biệt về chất lượng đào tạo giữa các nhóm thành thị, nông thôn, người Estonia, hay người dân Nga thiểu số, là một thành tựu vô cùng ấn tượng và khiến các quốc gia trên thế giới phải chú ý.

Một điều thú vị khác của giáo dục Estonia là dù đội ngũ giảng dạy lớn tuổi và gần như ngành giáo dục không mấy thu hút các giáo viên trẻ nhưng chất lượng giáo dục vẫn không hề suy giảm và luôn bắt kịp những xu hướng giáo dục hiện đại của thế giới.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục nước này thì có hơn 50% giáo viên Estonia nằm trong độ tuổi trên 50 và giáo viên Estonia được xem là có mức thu nhập thấp nhất, nếu so với các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, theo khảo sát mới nhất từ các tổ chức giáo dục nước này thì dù hầu hết các giáo viên tại Estonia hài lòng với công việc của mình nhưng chỉ có 14% cho rằng giáo viên là nghề cao quý và được xem trọng trong xã hội.

Cũng chính vì vậy mà tại các trường đại học liên quan đến nhóm ngành sư phạm, số đơn nộp vào trong các kỳ thi xét tuyển đại học luôn nằm trong nhóm thấp nhất nếu so với các ngành xã hội khác.

Điều này trái ngược hoàn toàn với những quốc gia được xem là đối thủ của Estonia trong các kỳ thi quốc tế như Singapore hay Phần Lan. Tại những quốc gia này, giáo viên luôn nằm trong nhóm có thu nhập cao nhất, được nhiều biệt đãi và nhất là rất được xã hội tôn trọng.

Tuy nhiên, bằng cách thức tổ chức bộ máy quản lý và vận hành hợp lý, giáo dục Estonia chứng minh rằng việc phát triển và duy trì một nền giáo dục chất lượng cao vẫn có thể dễ dàng thực hiện dù vấp phải một số vấn đề liên quan đến đội ngũ giảng dạy.

Sự tự do trong giáo dục

Không có đội ngũ giảng dạy chất lượng, cũng không cho ra đời nhiều tiến bộ giáo dục như  Phần Lan hay Singpore nhưng thành tích và chất lượng đào tạo của Estonia không hề thua kém những cường quốc giáo dục này.

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên giáo dục cho rằng sự thành công của giáo dục Estonia đến từ việc chính phủ đã trao quyền tự do học thuật đáng kể cho không chỉ lãnh đạo nhà trường, giáo viên mà kể cả học sinh.

Theo đó, nhà trường sẽ chỉ đưa ra một chương trình học bao gồm số tiết tối thiểu ở các bộ môn bắt buộc và cho phép học sinh có thể sử dụng thời gian còn lại để đăng ký những môn học mà mình yêu thích hoặc sẽ có ích cho định hướng nghề nghiệp tương lai.

Theo đó thì dù học chung một lớp nhưng một học viên có thể sẽ tập trung vào các bộ môn toán, khoa học, số khác thì lại dành nhiều thời gian cho các môn hội họa hay ngôn ngữ. Cách thức tổ chức này vừa giúp học sinh Estonia đảm bảo được thành tích trong các bộ môn chính nhưng vẫn có thể phát huy được những thế mạnh của mình.

Đối với các giáo viên, sự tự do học thuật sẽ giúp cho họ không phải đi theo một chương trình nhất định năm này qua năm khác hay từ lớp này qua lớp khác mà sẽ có những sự sáng tạo riêng. Đây cũng được xem là yếu tố lý giải tại sao giáo viên dù không phải là ngành nghề có thu nhập cao nhưng sự hài lòng của giáo viên Estonia luôn ở mức rất cao.

Khác với các quốc gia khác, tự do giáo dục thường đi kèm với một hệ thống hoặc bộ phận kiểm soát chất lượng trực thuộc chính phủ, tại Estonia, quy trình này được đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo được tính tuân thủ và chất lượng giảng dạy của các trường.

Theo đó, thay vì phải xây dựng một hệ thống hay cơ quan chuyên trách giám sát từng hoạt động của trường, người đứng đầu cơ quan giáo dục của thành phố sẽ tiến hành cuộc họp hằng tuần với các lãnh đạo nhà trường để lắng nghe những báo cáo cũng như phản hồi.

Nội dung các cuộc họp thường không giống nhau nhưng về cơ bản các trường sẽ phải nhìn lại hoạt động của mình và cam kết 8 nội dung khi tiến hành tổ chức giáo dục, như việc nhà trường phải khuyến khích học viên tham gia nghiên cứu khoa học, phải tiến hành nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp giảng dạy sử dụng kỹ thuật số hiện đại, hay phải đảm bảo sinh viên được cấp bằng hay chứng chỉ tương ứng với kiến thức được học…

Chú trọng giáo dục từ nhỏ

Đầu tư giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn ban đầu là điều mà hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc giáo dục, rất chú trọng. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là khi các quốc gia khác thường bắt đầu công việc này khi trẻ lên 4 hoặc 5 tuổi thì giáo dục Estonia lại tiến hành khi trẻ chỉ mới 18 tháng tuổi.

Theo đó, trẻ em khi vừa bước qua độ tuổi 1,5, các bậc phụ huynh Estonia sẽ được cơ quan địa phương yêu cầu cung cấp các thông tin đến trẻ và lựa chọn trung tâm giảng dạy mẫu giáo để con em mình theo học.

Đó có thể là các trung tâm mẫu giáo được chính phủ tài trợ hoàn toàn hay đối với các gia đình có điều kiện sẽ cho con em mình theo học những trung tâm tư thục. Nhưng dù ở hình thức nào thì các trung tâm này đều phải có giấy phép giáo dục được cấp bởi Hệ thống Giáo dục, trực thuộc chính phủ Estonia.

Tại các trung tâm mà chính phủ quốc gia này khẳng định không phải là một trung tâm giữ trẻ, những “học viên” này sẽ được theo học thời khóa biểu chuẩn quốc gia để tập trung phát triển các khía cạnh của một đứa trẻ về hội họa, âm nhạc, hoạt động, ngôn ngữ hay toán học…

Chính hệ thống đào tạo trẻ từ nhỏ này giúp cho 90% trẻ em Estonia ở độ tuổi đi học đều đã có một chỗ tại các trường tiểu học trong khu vực và hạn chế tình trạng quá tải tại trường tiểu học như một số quốc gia khác ở châu Á hay châu Âu.

“Nói cách khác, thì bắt đầu từ 18 tháng tuổi thì trẻ em Estonia đã chính thức trở thành một học viên chính thức của hệ thống giáo dục quốc gia. Và chính phủ sẽ theo sát sự phát triển của trẻ cho đến khi các em tốt nghiệp đại học. Một quy trình đào tạo sát sao, khép kín và vì thế đảm bảo được chất lượng đào tạo ở mức tốt nhất”, Thomas Hatch, giáo sư giáo dục và nghiên cứu học thuật tại Đại học Columbia, cho biết.

Có một số ý kiến cho rằng nếu phân tích chuyên sâu nền giáo dục Estonia thì sẽ nhận ra rằng không có gì đáng ngạc nhiên cho sự phát triển vượt bậc của hệ thống giảng dạy tại quốc gia Bắc Âu này. Đó là vì nó đã được xây dựng một cách có hệ thống, đi theo một quy trình bài bản để đảm bảo nền giáo dục phát triển về số lượng lẫn chất lượng.

Tất cả các học viên đều được đưa vào một con đường học tập theo tiêu chuẩn được quy định và kiểm soát bởi chính phủ để đảm bảo không trẻ em hay thanh niên nào tại quốc gia này đi lệch sang một con đường khác. 

Theo International Ed News, OECD.org, Fortune, Hechinger Report, Economist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ